Sở TN&MT TP.HCM làm 'lễ' trao sổ hồng, doanh nghiệp không cần bệnh thành tích
Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM đã tổ chức lễ trao giấy tờ đất đai cho hàng loạt dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng không cần thiết và tốn kém ngân sách, dù hiệu quả ghi nhận còn hạn chế.
Chiều 17/9, hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã trình bày quan điểm về buổi lễ trao hơn 1.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (sổ hồng - PV) của sở TN&MT TP.HCM vào hai ngày trước.
Cụ thể, Hiệp hội cho rằng, việc tổ chức "lễ” trao hơn 1.000 sổ hồng cho chủ đầu tư là không thực sự cần thiết, tốn kém thêm ngân sách Nhà nước. Bởi lẽ, các doanh nghiệp và người mua nhà chỉ mong được sớm được nhận sổ hồng chứ không cần hình thức rườm rà.
Mặt khác, 1.000 căn nhà được cấp “sổ hồng” trong buổi lễ, vốn không nằm trong số 30.402 căn, thuộc 63 dự án chưa được cấp sổ hồng mà Hiệp hội đã trình lên các cơ quan có thẩm quyền.
Phát biểu trong buổi lễ, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc sở TN&MT TP.HCM cho biết, tính đến tháng 8/2020, toàn TP đã cấp được 1.558.821 GCN, đạt 97,91%.
Tuy nhiên, Hiệp hội đánh giá, đây chỉ là số lượng cộng dồn, lũy kế từ năm 1993 đến nay, tính trên tổng số thửa đất của thành phố. Số liệu này không liên quan trực tiếp đến việc đánh giá hiệu quả và chất lượng công tác giải quyết cấp “sổ hồng” dự án nhà ở của sở TN&MT TP.HCM.
HoREA cũng đánh giá, trong 8 tháng rưỡi đầu năm 2020, sở TN&MT TP.HCM mới chỉ cấp sổ hồng cho 8.605 cá nhân (bao gồm 1.000 sổ hồng vừa được trao) là khách hàng mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại.
Nếu so sánh với số liệu 30.402 căn nhà chưa được cấp sổ hồng mà Hiệp hội đã báo cáo, thì tỷ lệ cấp sổ hồng chỉ đạt 27,4%.
Số lượng nhà chậm được cấp sổ hồng chiếm tỷ lệ lên đến hơn 72,6%. Nếu tính đầy đủ trên số lượng nhà ở của hơn 100 dự án mà sở TN&MT TP.HCM còn đang thụ lý, tỷ lệ hoàn thành cấp sổ hồng còn thấp hơn nữa.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận xét: “Cùng một mặt bằng pháp luật như nhau, nhưng các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương vẫn giải quyết thông suốt việc cấp sổ hồng các dự án nhà ở thương mại, chỉ có vướng tại TP.HCM”.
Điều này thể hiện nhiều bất cập trong công tác thực thi pháp luật, cần được UBND TP.HCM ban hành quy trình chuẩn về xác định giá đất, thẩm định giá đất, ban hành quyết định tiền sử dụng đất, để các Sở, ngành phối hợp thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại.
Chính vì thế, ông Châu đánh giá: “Để giảm tải cho lãnh đạo sở TN&MT các thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là Hà Nội và TP.HCM, Hiệp hội đề nghị phân cấp cho UBND cấp huyện trong việc cấp sổ hồng (cấp mới, cấp đổi) cho tổ chức, cá nhân, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, khi xem xét sửa đổi luật Đất đai”.