Sở Y tế TP.HCM điều tra phòng khám quảng cáo dịch vụ xét nghiệm nCoV
Một phòng khám tại quận 7, TP.HCM, quảng cáo dịch vụ xét nghiệm nCoV lấy mẫu tại nhà, trả kết quả trong 48 giờ, khiến nhiều chuyên gia y tế bức xúc.
Chiều 8/2, trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết Thanh tra Sở Y tế và Phòng Y tế quận 7 vừa yêu cầu phòng khám Future Clinic (quận 7, TP.HCM) tháo gỡ quảng cáo dịch vụ xét nghiệm nCoV trên mạng xã hội và ngừng ngay hành vi vi phạm.
“Văn phòng Sở Y tế đã chuyển thông tin cho hệ thống phản ứng nhanh để xác minh thông tin và tiến hành xử lý theo quy định. Ngay trong chiều 8/2, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với Phòng Y tế quận 7 làm việc trực tiếp với cơ sở này", bà Mai nói.
Trong tuần sau, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM sẽ tiến hành xử phạt vi phạm của phòng khám này.
Ngoài ra, bà Mai cho biết thêm Future Clinic là phòng khám có giấy phép hoạt động nhưng không được phép xét nghiệm nCoV vì chưa được Bộ Y tế thẩm định, cho phép.
Trước đó, phòng khám Future Clinic đã đăng bài quảng cáo trên Facebook về dịch vụ xét nghiệm nCoV lấy mẫu tại nhà.
Cụ thể, Future Clinic nhận làm dịch vụ xét nghiệm nCoV sử dụng bộ kit theo phương pháp Realtime RT - PCR cho kết quả nhanh và chính xác. Nhân viên của phòng khám sẽ đến xét nghiệm tại nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Cơ sở này cam kết trả kết quả trong vòng 48 giờ và đảm bảo tính riêng tư, bảo mật cho khách hàng.
Để tăng thêm lòng tin cho người dân, cơ sở này còn khẳng định Future Clinic phối hợp với Viện Nghiên cứu Gen - Miễn dịch quốc tế dưới sự chỉ đạo của TS.BS Phạm Hùng Vân và các cộng sự và đang có phương pháp xét nghiệm 72 tác nhân gây nhiễm trùng hô hấp, trong đó có virus corona.
Sau khi bài quảng cáo đăng tải, nhiều người thắc mắc và liên hệ với TS.BS Phạm Hùng Vân, giảng viên môn vi sinh, Khoa Y, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM, để hỏi rõ thông tin, chuyên gia này đã lên tiếng ông không tham gia và cũng không bao giờ có chủ trương làm xét nghiệm nCoV.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết hành vi tự xét nghiệm tại nhà của phòng khám này là hoàn toàn không đúng, cần được cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý.
Đồng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho rằng có thể họ đang đánh vào tâm lý hoang mang của người dân về tình hình lây nhiễm nCoV để trục lợi. Việc xét nghiệm, chẩn đoán nCoV hiện nay chưa được áp dụng rộng rãi mà chỉ có những đơn vị được Bộ Y tế phân công và có đầy đủ chuyên môn được phép thực hiện.
Bác sĩ Nam khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, tin vào các quảng cáo không đúng của các cá nhân, tổ chức như quảng cáo xét nghiệm, chẩn đoán nCoV, đặc biệt là quảng cáo các loại thuốc, phương pháp chữa trị hay phòng ngừa được nCoV. Chuyên gia này khẳng định hiện nCoV chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
“Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Người dân cần tuân thủ theo các khuyến cáo của Bộ Y tế như đeo khẩu trang khi tiếp xúc, hạn chế đến nơi đông người và nhất là rửa tay thường xuyên để diệt khuẩn không chỉ riêng nCoV và còn phòng ngừa cho nhiều bệnh truyền nhiễm khác”, bác sĩ Nam nói.
Trước đó, tại buổi tập huấn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV), TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết việc xét nghiệm chẩn đoán nCoV không giống như các xét nghiệm thông thường khác.
“Muốn làm xét nghiệm PCR xác định một người có nhiễm nCoV, bệnh viện phải hội chẩn với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (CDC), điền đầy đủ yếu tố dịch tễ, nghi ngờ mắc bệnh. Sau đó mới lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur để làm xét nghiệm. Do đó, không phải ca nào muốn làm xét nghiệm bác sĩ cũng đồng ý thực hiện. Đồng thời, các trường hợp làm xét nghiệm buộc phải vào khu cách ly riêng biệt cho đến khi có kết quả”, TS Châu nói.
Người có nguy cơ mắc bệnh là những người có các triệu chứng hô hấp như sốt, ho, đau họng, thở nhanh… và có yếu tố dịch tễ. Nghĩa là từng tiếp xúc, làm việc chung, ăn chung, nói chuyện… với ca bệnh có thể nhiễm hoặc nhiễm nCoV hoặc đến từ vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.