Sở Y tế TPHCM ra công văn khẩn về cúm mùa, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang
Dù chưa ghi nhận bất thường về dịch cúm mùa nhưng Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là trước diễn biến của bệnh.
Sở Y tế TPHCM hôm nay (7/2) ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường phòng, chống dịch cúm mùa.
Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, TPHCM chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm. Tuy nhiên, theo Sở Y tế, thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.
Sở Y tế đề nghị các cơ quan chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm; không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng cũng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của dịch bệnh.
![Bệnh nhân cấp cứu vì cúm. Ảnh: BVCC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_23_51420402/c2e6bc5885166c483507.jpg)
Bệnh nhân cấp cứu vì cúm. Ảnh: BVCC
Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên; tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.
Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) chủ trì, phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm y tế thực hiện giám sát các trường hợp cúm, nghi ngờ viêm phổi nặng do vi rút (SVP) trên địa bàn; HCDC tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả; cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập báo cáo các ca bệnh hoặc nghi ngờ bệnh viêm phổi do vi rút, cúm về trạm y tế, trung tâm y tế để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến cáo người dân cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, người dân nên tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu hay mệt mỏi, người bệnh không nên tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Cúm
Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm virus tấn công hệ hô hấp của người bệnh - mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi. Nhưng đôi khi, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng cúm như: Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi Người lớn trên 65 tuổi Người bệnh ở viện dưỡng lão Phụ nữ có thai và phụ nữ hai tuần sau sinh Những người có hệ miễn dịch yếu Những người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan và tiểu đường Những người rất béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên Mặc dù vắc-xin cúm không hiệu quả 100%, tuy nhiên đây vẫn là cách phòng chống cúm tốt nhất nếu được tiêm hằng năm.