Người dân chủ động phòng cúm mùa bằng vaccine

Lo sợ dịch cúm gia tăng, nhiều người dân chủ động đi tiêm vaccine phòng bệnh.

Người dân chủ động đi tiêm mũi cúm.

Người dân chủ động đi tiêm mũi cúm.

Trước tình hình dịch cúm vào mùa, nhiều ca nặng, thời gian gần đây, nhu cầu tiêm vaccine cúm của người dân gia tăng. Tại trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, nhiều người dân đã có ý thức chủ động trong việc đi tiêm phòng cúm.

Xếp hàng đi tiêm, bà Phạm Thu Hương (60 tuổi, ở Hà Nội) cho biết: “Từ sau Tết, tôi có đọc thông tin trên báo chí về dịch cúm, nên lo lắng, bố trí đi tiêm để phòng bệnh. Với người già, hệ hô hấp yếu cần được bảo vệ. Tôi cũng động viên người thân nên đi tiêm vaccine cúm hàng năm”.

“Năm nào tôi cũng tiêm phòng cúm. Tôi đã tiêm cách đây 8 tháng, nhưng nghe nói đợt này có dịch cúm A, nhiều người bị nặng nên tôi đi tiêm sớm hơn, đề phòng miễn dịch đã giảm”, bà Nguyễn Thị Hồng (65 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Theo đại diện trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, từ đầu năm 2025 đến nay, số lượt khách hàng đến tiêm chủng tăng khoảng 5% so với cuối năm 2024. Đặc biệt, nhu cầu tiêm vaccine cúm và phế cầu tăng gấp đôi từ 1-2 tháng qua. Điều này xuất phát từ sự thay đổi thời tiết và gia tăng nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc phòng bệnh chủ động trước những thông tin về dịch bệnh diễn ra trên diện rộng. Tại hệ thống trung tâm tiêm chủng Long Châu, hiện có 2 loại vaccine cúm gồm: Vaxigrip Tetra của Pháp và Influvac Tetra của Hà Lan. Đơn vị thực hiện bảo quản vaccine đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Còn tại Trung tâm tiêm chủng VABIOTECH, trước tình hình nhu cầu tiêm vaccine cúm gia tăng, đơn vị luôn sẵn các vaccine để phục vụ người dân.

Theo Trung tâm tiêm chủng VABIOTECH, hiện tại đây có sẵn vaccine cúm mùa phòng 4 chủng cúm của Pháp và Hà Lan. Bên cạnh vaccine cúm mùa, Trung tâm cũng sẵn vaccine phòng phế cầu khuẩn, giúp ngăn ngừa viêm phổi hiệu quả.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, mỗi năm có từ 600.000 – 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa được ghi nhận. Hệ thống giám sát trọng điểm viêm phổi cấp do virus tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc với khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A (H1N1).

Thông thường, bệnh cúm diễn biến với các biểu hiện: Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho; người bệnh có thể phục hồi trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết. Các nhóm như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường… có nguy cơ trở nặng cao hơn.

Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường (ngoại cảnh), có thể sống từ 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ… hay có thể tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Đặc biệt, mầm bệnh có thể sống lâu trong môi trường nước như sống đến 4 ngày ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống vài tuần ở nhiệt độ 0-4 độ C. Do đó, các hồ bơi, điểm bơi công cộng có thể tạo ra môi trường cho virus A/H1N1 hoạt động mạnh, nhất là vào thời tiết mưa nhiều, độ ẩm thấp, thiếu ánh nắng để tiêu diệt virus. Thậm chí, ở nhiệt độ âm 20 độ C và đông khô, virus cúm có thể tồn tại cả năm... Vì vậy, nguy cơ lây lan virus khá cao.

Theo WHO, tiêm vaccine cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm và các biến chứng nguy hiểm. Việc tiêm phòng bằng vaccine cúm có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70 – 80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80% – 90%. Riêng với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, tiêm vaccine có thể giảm 35% tỷ lệ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân tim mạch, giảm 58% tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường, giảm 70% tỷ lệ tử vong ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

TN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/nguoi-dan-chu-dong-phong-cum-mua-bang-vaccine-20250207112616941.htm