Sốc nhiễm khuẩn nặng sau tiêm khớp ở phòng khám tư

Một phụ nữ 61 tuổi, ở Hải Dương nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng sau khi tiêm khớp vai tại một phòng khám tư.

Khoảng 10 ngày trước khi vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bà X. bị đau khớp vai phải nên đến phòng khám tư để tiêm thuốc trực tiếp vào khớp. Tuy nhiên, vai bà ngày càng đau hơn. Sau đó, bà chuyển sang châm cứu nhưng tình trạng không đỡ, còn bị sốt cao, vai sưng to lan xuống cánh tay phải.

Bà X. nhập viện ở bệnh viện địa phương và được chẩn đoán áp-xe phần mềm nghi do nhiễm khuẩn. Dù được dùng kháng sinh, tình trạng bà không cải thiện, huyết áp tụt, phải dùng thuốc để duy trì. Do tình hình nguy kịch, bà được chuyển lên Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Khi nhập viện, bà X. hoàn toàn phụ thuộc vào thuốc vận mạch để giữ huyết áp, một dấu hiệu của sốc nhiễm khuẩn nặng, đe dọa tính mạng. Huyết áp tụt sâu khiến máu không đủ nuôi các cơ quan, dễ dẫn đến suy đa tạng.

Khám lâm sàng cho thấy toàn bộ vùng vai và cánh tay phải sưng đỏ, rất đau. Kết quả siêu âm và chụp cắt lớp vi tính cho thấy viêm lan tỏa dưới da vùng cánh tay và viêm bao hoạt dịch khớp vai. Không tìm thấy ổ nhiễm trùng nào khác, bác sĩ khẳng định mũi tiêm là nguyên nhân duy nhất gây sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Các xét nghiệm cho thấy tình trạng viêm toàn thân rất nặng: bạch cầu tăng cao (16.000/mm³, chủ yếu là bạch cầu trung tính 85%), chỉ số CRP lên tới 113 mg/L (gấp 23 lần mức bình thường). Bà X. được điều trị tích cực bằng kháng sinh phổ rộng và chăm sóc đặc biệt. Sau vài ngày, huyết áp của bà ổn định, liều thuốc vận mạch giảm dần; tình trạng sốt và sưng nề cải thiện rõ rệt, các chỉ số viêm cũng giảm đáng kể.

ThS.BS Trương Tư Thế Bảo, Khoa Cấp cứu cho biết: "Đây là trường hợp điển hình về hậu quả nghiêm trọng của việc tiêm khớp tại cơ sở không đảm bảo vô trùng. Nếu kim tiêm không vô khuẩn, vi khuẩn có thể xâm nhập gây viêm, nhiễm trùng máu và tử vong nếu không xử trí kịp thời. Người cao tuổi, hệ miễn dịch yếu càng có nguy cơ nhiễm trùng nặng. Trường hợp này là minh chứng rõ ràng cho nguy cơ từ một thủ thuật tưởng chừng đơn giản".

BS. Bảo khuyến cáo, người dân nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế được cấp phép khi cần tiêm, truyền dịch hay châm cứu. Sau khi tiêm, nếu có dấu hiệu bất thường như đau tăng, sốt, sưng nề hoặc tụt huyết áp, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. Đây cũng là lời cảnh báo về nguy cơ nhiễm trùng nặng từ các thủ thuật y khoa không đảm bảo vô trùng.

Sự thật uống nước lá ổi gây suy thận độ 3.

Phú Chinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/soc-nhiem-khuan-nang-sau-tiem-khop-o-phong-kham-tu-169250509100104438.htm