Sốc nhiệt ngày nắng nóng dễ gây đột quỵ, tử vong: Hãy học cách tự bảo vệ mình theo khuyến nghị của WHO
Khi bị sốc nhiệt, bạn có thể xuất hiện dấu hiệu chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức, gây ảnh hưởng đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chúng ta đang bước vào đợt nắng nóng kéo dài. Nhiều nơi có nền nhiệt trên 38 độ C, cảnh báo nguy cơ xuất hiện nhiều bệnh do nắng nóng.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi (Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, thời tiết quá nóng như hiện nay dễ khiến người dân bị sốc nhiệt.
Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng cao quá mức (trên 40 độ C) và diễn ra đột ngột chủ yếu do tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời quá cao trong một khoảng thời gian dài. Khi cơ thể chưa kịp thích nghi dẫn đến ra nhiều mồ hôi khiến mất nước, chất điện giải làm tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt (điều hòa thân nhiệt) của thần kinh trung ương. Tình trạng này có thể dẫn đến đột quỵ, thậm chí tử vong đáng tiếc.
Khi bị sốc nhiệt, bạn có thể xuất hiện dấu hiệu chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức, gây ảnh hưởng đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh.
Để phòng tránh sốc nhiệt, ngăn chặn đột quỵ khi nắng nóng, bạn cần chú ý bảo vệ sức khỏe của mình, đề phòng sốc nhiệt theo những khuyến cáo của WHO như sau:
1. Tự bảo vệ mình trong những ngày nắng nóng
Để tự bảo vệ mình trong mỗi đợt nắng nóng, bạn nên:
- Di chuyển đến căn phòng mát nhất trong nhà, đặc biệt vào ban đêm.
- Nếu không thể giữ cho ngôi nhà của bạn mát mẻ, hãy dành 2-3 giờ mỗi ngày ở nơi mát mẻ (chẳng hạn như tòa nhà công cộng có điều hòa nhiệt độ).
- Tránh ra ngoài vào thời điểm nóng nhất trong ngày.
- Tránh hoạt động thể chất vất vả nếu có thể. Nếu bạn phải thực hiện các hoạt động gắng sức, hãy làm vào thời điểm mát mẻ nhất trong ngày, thường là vào buổi sáng 4-7 giờ.
- Ở trong bóng râm.
- Không để trẻ em hoặc động vật trong xe đang đỗ.
2. Bạn nên làm gì nếu cảm thấy không khỏe trong những ngày nắng nóng?
Nếu bạn cảm thấy chóng mặt, yếu ớt, lo lắng hoặc khát nước dữ dội, đau đầu trong những ngày nắng nóng, tốt nhất nên đến nơi mát mẻ càng sớm càng tốt. Lúc này, bạn nên đo nhiệt độ cơ thể xem có thực sự ổn. Sau đó uống một ít nước lọc hoặc nước ép trái cây để bù nước.
Nghỉ ngơi ngay lập tức ở nơi mát mẻ nếu bạn bị co thắt cơ gây đau (đặc biệt là ở chân, tay hoặc bụng) và uống dung dịch bù nước có chứa chất điện giải. Cần chăm sóc y tế nếu chuột rút do nhiệt kéo dài hơn 1 giờ. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn cảm thấy các triệu chứng bất thường hoặc nếu các triệu chứng vẫn tồn tại.
Nếu một trong những thành viên gia đình hoặc những người bạn hỗ trợ có biểu hiện da khô nóng và mê sảng, co giật, bất tỉnh, hãy gọi bác sĩ/xe cứu thương ngay lập tức.
Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ, hãy di chuyển người đó đến một nơi mát mẻ. Đặt họ ở tư thế nằm ngang và nâng cao chân và hông, cởi bỏ quần áo, bắt đầu làm mát từ bên ngoài. Ví dụ, đặt túi lạnh lên cổ, nách và háng, liên tục phun nước lên da ở nhiệt độ 25-30 độ C, đặt người bất tỉnh nằm nghiêng.
3. Làm thế nào để giữ cho nhà bạn mát mẻ trong đợt nắng nóng?
Trong đợt nắng nóng, bạn nên cố gắng giữ cho không gian sống của mình luôn mát mẻ. Kiểm tra nhiệt độ phòng từ 8 - 10 giờ, lúc 13 giờ và ban đêm sau 22 giờ. Lý tưởng nhất, nhiệt độ phòng nên được giữ ở mức dưới 32°C vào ban ngày và 24°C vào ban đêm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ sơ sinh, người lớn trên 60 tuổi hoặc những người mắc bệnh mãn tính.
Vào ban đêm và sáng sớm khi nhiệt độ bên ngoài thấp hơn, hãy mở tất cả các cửa sổ và cửa chớp trong nhà. Vào ban ngày, hãy đóng cửa sổ và cửa chớp (nếu có), đặc biệt là những cửa sổ đón nắng vào ban ngày.
Tắt ánh sáng nhân tạo và thiết bị điện càng nhiều càng tốt. Treo mành, màn cửa, mái hiên hoặc cửa chớp trên cửa sổ đón nắng buổi sáng hoặc buổi chiều. Treo khăn ướt để làm mát không khí trong phòng. Chú ý tăng độ ẩm của không khí cùng lúc.
Nếu nơi ở của bạn có máy lạnh, điều hòa, hãy đóng cửa ra vào, cửa sổ... để giữ cho không gian luôn mát mẻ. Nên sử dụng thêm quạt điện để giảm nóng.
Cuối cùng, điều quan trọng là phải tăng cường uống nước để cơ thể luôn khỏe mạnh.