Sóc Trăng: Đồng bào Khmer chung sức xây dựng nông thôn mới
Tỉnh Sóc Trăng có hơn 35% số dân là người dân tộc thiểu số, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Trong những năm qua, bên cạnh việc nỗ lực lao động sản xuất, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển ở vùng nông thôn.
Gần chục năm trước, mỗi khi nhắc đến xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, nhiều người ái ngại bởi tuyến đường vào xã nhỏ hẹp, quanh co, mặt đường lởm chởm đất đá và bụi cuốn mù mịt…
Đến trung tâm xã đã vậy, đường về các xóm, ấp còn gian nan gấp bội, do phần lớn chỉ là các lối mòn, nhiều đoạn xe máy phải chật vật mới có thể di chuyển. Vào mùa mưa, sau mỗi trận mưa, nhiều xóm bị cô lập; hầu hết các xóm, ấp không có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, mỗi khi tổ chức hội họp phải mượn tạm nhà dân làm địa điểm. Đường đi khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn là vậy, dẫu không nói cũng có thể hình dung cuộc sống người dân nơi đây khó khăn thế nào, tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn cao... ngất ngưởng.
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã huy động sức mạnh của bà con. Theo đó, trước khi làm điều gì, xã cũng tổ chức họp dân để công khai rõ ràng mọi việc cho người dân biết, nói rõ mục đích, ý nghĩa của công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phục vụ trực tiếp cuộc sống người dân. Cán bộ xã còn trao đổi với những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer đến khắp các ngõ, xóm, vào từng nhà tuyên truyền, vận động người dân chung tay. Nêu gương, từng cán bộ, đảng viên vận động gia đình, người thân hiến hàng trăm mét vuông đất cùng nhiều cây xanh các loại để mở rộng trục đường chính. Thấy cán bộ làm, bà con cũng làm theo, tạo thành phong trào chung trong toàn xã.
Vui vẻ chia sẻ về những việc mình và gia đình đã tham gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua, ông Lâm Văn Phấn, một hộ dân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã Tham Đôn cho biết: “Xây dựng nông thôn mới thì người dân mình được thụ hưởng là chủ yếu nên mình phải chung tay, góp sức cùng Nhà nước. Mình làm được con đường, cây cầu cũng để mình đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, từ đó tạo điều kiện để phát triển kinh tế gia đình”.
Với suy nghĩ này nên hơn 10 năm qua, ông Phấn đã tích cực ủng hộ và vận động người dân trong ấp tự nguyện đóng góp để giúp địa phương có thêm 7 cây cầu bê tông cốt thép và 4 đường bê tông, làm 2 căn nhà mát để người dân có nơi nghỉ ngơi khi đi làm đồng và ủng hộ gạo cho hộ khó khăn, trồng hoa hai bên đường để làm đẹp ngõ xóm.
Ở Sóc Trăng, chuyện đồng bào Khmer hiến đất hay đóng góp xây dựng nông thôn mới không phải chuyện hiếm. Rất nhiều gương điển hình của đồng bào Khmer Sóc Trăng tại các phum sóc vùng sâu, vùng xa đã phát huy mạnh mẽ khả năng, vai trò của mình trong việc hình thành và phát triển phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể như: Ông Thạch Sọi ở xã Viên Bình (huyện Trần Đề) vận động xây được 2 cây cầu bê tông chiều dài 30m, ngang 2m với kinh phí hơn 350 triệu đồng; ông Lý Hên và Huỳnh Mộc Dứ ở xã Thạnh Trị (huyện Thạnh Trị) trực tiếp đóng góp và vận động làm đường giao thông nông thôn, làm kênh thủy lợi nội đồng với kinh phí hơn 700 triệu đồng; ông Sơn Sang ở xã Viên Bình (huyện Trần Đề) hiến hơn 300m2 làm đường bê tông và vận động xây 8 cây cầu với kinh phí gần 500 triệu đồng, nạo vét hơn 14 kênh thủy lợi với số tiền gần 600 triệu đồng…
Đồng hành cùng phật tử và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, nhà chùa có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong việc chung tay cùng chính quyền các cấp vận động phật tử bổn sóc chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phải kể đến chùa Prếk On Đơk, thuộc xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, nhiều năm qua luôn phát huy những giá trị tích cực của tôn giáo, góp phần tích cực đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Ban Quản trị chùa Prếk On Đơk luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác sinh hoạt tôn giáo, dân tộc cũng như công tác tuyên truyền vận động bà con phật tử trong phum sóc chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thấy được sự khó khăn của các địa phương trên địa bàn huyện về quỹ đất khi cần xây dựng các công trình phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Ban Quản trị chùa Prếk On Đơk (Cần Đước) đã nguyện hiến 5.000m2 đất để xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục Thường xuyên của huyện. Sau đó tiếp tục hiến hơn 12.000m2 đất để xây dựng Trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Thạnh Phú, góp phần tích cực cho con em đồng bào dân tộc Khmer và sư sãi được học tập, nâng cao trình độ.
Đại đức Lâm Chanh Sầm Nang, Phó trụ trì chùa Prếk On Đơk chia sẻ: “Sư làm “cầu nối” vận động mạnh thường quân bắt tay mua vật liệu làm đường giao thông nông thôn. Ban đầu có từ 20 - 30 vị sư sãi trong chùa và bà con phật tử tham gia làm tuyến đường. Dù trong điều kiện thời tiết oi bức của mùa khô hạn nhưng sự quyết tâm cao của các vị chư tăng, bà con địa phương, một tuyến đường bê tông dài dần hoàn thiện. Hiểu được ý nghĩa trong việc làm cầu - đường, không chỉ sư sãi mà bà con phật tử ở đây ai cũng cảm thấy vui mừng và rất hạnh phúc cùng nhau góp công sức”.
Đề cập đến vai trò của bà con Khmer trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, theo Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, Sóc Trăng là tỉnh có hơn 35% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là đồng bào Khmer. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng bào Khmer đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể để làng quê ngày càng phát triển. Từ việc ủng hộ ngày công lao động, ủng hộ kinh phí xây dựng các công trình giao thông đến việc những hộ dân sẵn sàng hiến đất để thực hiện các công trình, dự án vì lợi ích chung của địa phương. Những việc làm thiết thực này có ý nghĩa lớn và mang tính lan tỏa cao trong cộng đồng.
“Xác định đồng bào là “gốc” để chủ động tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, tranh thủ mọi nguồn lực cho đồng bào đảm nhận vai trò chủ thể, tiếp tục đồng thuận tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đến nay Sóc Trăng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xây dựng nông thôn mới.Cụ thể, toàn tỉnh có 64/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 2 thị xã (thị xã Ngã Năm và thị xã Vĩnh Châu) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Trong đó, nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số đã thực sự trở thành những điển hình, điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo mới cho làng quê, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”, ông Nam khẳng định.
Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng khởi sắc, phum sóc được nối liền nhau bằng những tuyến đường giao thông nông thôn thẳng tắp, đã minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự chung sức, đồng lòng của đồng bào nơi đây.