Sóc Trăng thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Hôm nay (7/2), Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng tổ chức Hội thảo khoa học 'Các giải pháp đột phá thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại tỉnh'.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết Nghị quyết số 57 nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia. Với Sóc Trăng, tỉnh có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, thủy sản, du lịch và thương mại, vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết 57 và Chương trình hành động của Chính phủ là cơ hội lớn để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với tất cả các ngành, lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, cho biết, trong bối cảnh của cuộc cách mạng chuyển đổi số, lần đầu tiên tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đặt lên vị trí "đột phá quan trọng hàng đầu" với những mục tiêu cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có. Ông đã đề cập về việc cần thiết trong nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp thông qua hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đây là mô hình rất thành công ở Hàn Quốc, phù hợp với tiến trình phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay.

PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Vũ Đức Lợi cho biết: "Tiêu chí mỗi doanh nghiệp một nhà nghiên cứu. Doanh nghiệp rất cần đổi mới công nghệ, rất cần thay đổi công nghệ, nhưng doanh nghiệp chưa biết cần gì và chúng ta cần những vấn đề gì đưa cho doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, thì họ áp dụng hình thức mỗi công ty một nhà nghiên cứu, thì Viện KIST Hàn Quốc sẽ cử các chuyên gia xuất sắc của mình xuống đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua quá trình làm việc để các chuyên gia nắm bắt được toàn bộ quy trình sản xuất, qua đó, xác định những tồn tại, hạn chế liên quan đến công nghệ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất".

Còn PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ nhấn mạnh, Sóc Trăng cần quan tâm tập trung đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào các lĩnh vực là thế mạnh, tiềm năng của tỉnh, đó là nông nghiệp, công nghiệp, vấn đề kết cấu hạ tầng logistics gắn với Cảng biển nước sâu Trần Đề.

Các đại biểu tham gia thảo luận cho hội thảo

Các đại biểu tham gia thảo luận cho hội thảo

Trong thời gian qua, hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những tiến bộ đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như 100% công chức trong hệ thống chính quyền đã được cấp hộp thư công vụ; hơn 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đối với cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, Trung tâm giám sát, điều hành tỉnh (IOC) đã hoàn thiện các phân hệ. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn bó chặt chẽ với sản xuất và đời sống; các sản phẩm là kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi đưa vào thực tiễn đã phát huy được hiệu quả, có khả năng nhân rộng.

Tuy nhiên, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh Sóc Trăng vẫn còn chậm, chưa tạo nên bước đột phá lớn; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế; cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ chưa hỗ trợ nhiều cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; năng suất lao động nói chung và năng suất lao động tổng hợp còn thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao; chỉ số đổi mới sáng tạo (PII), tỷ trọng kinh tế số của tỉnh Sóc Trăng còn thấp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Để thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào đã nhấn mạnh về việc cần chú trọng các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết, nhất là chỉ tiêu về năng suất lao động bình quân, tỷ lệ đóng góp năng suất và các yếu tố tổng hợp của TFP, tỷ trọng kinh tế số…; quan tâm tăng cường đầu tư ngân sách cho khoa học công nghệ, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

"Đào tạo nhân lực về ứng dụng công nghệ mới, thông minh, cần thiết trong sản xuất nông nghiệp, như công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, cơ khí,... để năng suất ứng dụng đạt cao hơn, ứng phó được biến đổi khí hậu. Có chính sách để chúng ta thu hút, sử dụng đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn cao làm việc trong ngành nông nghiệp", bà Hồ Thị Cẩm Đào cho biết.

Tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, từng bước trở thành các yếu tố quan trọng mang tính quyết định đối với sự phát triển nhanh và bền vững, đóng góp thiết thực, toàn diện trên mọi lĩnh vực; là nhiệm vụ tiên quyết, tạo nền tảng, thời cơ tốt nhất để xây dựng tỉnh Sóc Trăng phát triển giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Cụ thể, tỉnh này đặt đến năm 2030 tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm các tỉnh có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của cả nước.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/soc-trang-thuc-day-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-post1153389.vov