TS. Nguyễn Trí Hiếu: Các biện pháp cần thiết để quản lý thị trường vàng

Giá vàng tăng mạnh ngay sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trao đổi với Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, ông chưa thấy những dấu hiệu có thể kéo giảm giá vàng thời gian tới. Trong bối cảnh giá vàng của Việt Nam chịu tác động bởi nhiều yếu tố, TS. Nguyễn Trí Hiếu đã gợi mở các biện pháp cần thiết để quản lý thị trường này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị hai biện pháp trước mắt để quản lý thị trường vàng. Ảnh: Xuân Hồng

TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị hai biện pháp trước mắt để quản lý thị trường vàng. Ảnh: Xuân Hồng

Thưa ông! Giá vàng trong nước tăng mạnh ngay sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, vì sao vậy thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định rằng, vàng đang ở xu hướng tăng. Tại thời điểm này, giá vàng trên thế giới tăng rất mạnh, lên đến 2,9 nghìn USD/ounce. Nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng phần lớn là từ yếu tố địa chính trị, khi mà cuộc thương chiến giữa Mỹ và một số quốc gia đã bắt đầu.

Vàng không có chu kỳ nào lên xuống như bất động sản hay các loại tài sản khác mà nó thường xuyên trong xu hướng tăng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Những căng thẳng về ngoại thương và cả chính trị; việc ông Donald Trump có một số tuyên bố làm giới chính trị toàn cầu ngạc nhiên, lo lắng; cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga vẫn ngày càng khốc liệt và chưa có giải pháp - các yếu tố này làm giá vàng tăng lên. Đồng thời, các nhà đầu tư nhìn thấy vàng như một nơi trú ẩn an toàn khi có khủng hoảng.

Còn tại Việt Nam, giá vàng trong nước cũng đang chịu tác động của giá vàng thế giới và đang trong xu hướng tăng, nhất là trong Ngày vía Thần tài. Nhưng như kinh nghiệm của nhiều năm, giá vàng sẽ giảm sau Ngày vía Thần tài. Vàng miếng đang ở trong chương trình bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), còn vàng nhẫn trong tình trạng giao dịch tự do, nhưng nguồn cung của hai loại vàng này đều “rất khan”. Như vậy, cùng với yếu tố giá vàng trên thế giới, giá vàng trong nước đang bị đẩy lên.

Như ông vừa nhận định, thị trường vàng đang có hiện tượng nguồn cung khan hiếm. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Trước hết, từ nhiều năm nay, theo quy định của pháp luật, NHNN là cơ quan duy nhất có thể nhập khẩu vàng, việc này xuất phát từ quan điểm chống vàng hóa trong nền kinh tế. Có thể nói, Chính phủ Việt Nam và NHNN đã rất thành công trong vấn đề chống vàng hóa.

Thế nhưng, từ giữa năm 2024, vàng đã có những cơn sốt và hiện tại, giá vàng càng ngày càng tăng. Như vậy, có thể thấy, chủ trương không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng đã tạo ra sự khan hiếm của thị trường vàng.

Ông nhận định như thế nào về thị trường vàng thế giới và trong nước năm 2025?

Giá vàng đang trong xu hướng tăng, tôi không nhìn thấy yếu tố nào có thể kéo giảm giá vàng, mặc dù chỉ số đồng đô la Mỹ (USD Index) ở mức cao. Về nguyên tắc, chỉ số này cao thì giá vàng bị đẩy xuống. Tại thời điểm này, chỉ số USD Index ở mức 107-108 điểm nhưng giá vàng cũng tăng. Thành ra có thể nói, mặc dù giá trị của đồng đô la tăng nhưng điều này không làm cho các nhà đầu tư an tâm về tài sản của họ và từ đó, họ tin vào vàng như là nơi trú ẩn an toàn.

Năm 2025, giá vàng hiện tại đã vượt mức 2,8 nghìn USD/ounce và đang tiến đến mốc 2,9 nghìn USD/ounce. Năm nay, nhiều dự báo, vàng lên đến 3 nghìn USD/ounce.

Giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới. Ảnh:Tư liệu

Giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới. Ảnh:Tư liệu

Trong nước, giá vàng miếng vẫn được kiềm chế bởi chương trình bình ổn giá của NHNN. Tuy nhiên năm nay, nếu NHNN không thay đổi chính sách thì giá vàng miếng có thể sẽ đạt mức 92 triệu đồng/lượng nhưng mà khó vượt qua được ngưỡng đó, trừ trường hợp NHNN thay đổi chính sách để cung cấp nguồn vàng dồi dào hơn cho thị trường.

Trong khi đó, vàng nhẫn là một thị trường tự do và có thể giá vàng nhẫn sẽ vượt giá vàng miếng trong năm nay bởi vàng nhẫn không nằm trong chương trình bình ổn giá như vàng miếng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu NHNN triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng. NHNN cũng đã xác định nhiệm vụ năm 2025 là đề xuất giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vàng phù hợp với bối cảnh mới. Theo ông, các giải pháp cần thiết ở đây là gì?

Có lẽ, chương trình bình ổn giá của NHNN cho thị trường vàng miếng nên được xem xét lại. Với chương trình này, NHNN đã thành công trong việc kéo giá vàng miếng ở mức cao xuống mức thấp hơn và chênh lệch giữa vàng miếng thế giới và vàng miếng Việt Nam thu hẹp lại ở mức từ 3 - 5 triệu đồng. Như vậy, chương trình bình ổn giá của NHNN đã phần nào có hiệu ứng tốt.

Thế nhưng, thị trường vàng miếng không ổn định, trong khi giá vàng kiểm soát được thì cung - cầu lại không gặp nhau. Bởi vậy, NHNN nên xem lại chương trình bình ổn giá, tạo điều kiện cho thị trường có nguồn cung dồi dào hơn, đáp ứng nguồn cung để cung - cầu gặp nhau.

Hiện tại, hiện tượng vàng hóa không còn tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam nữa, người ta không mua bán giao dịch trên cơ sở vàng nữa. Bên cạnh những nhà đầu tư, rất nhiều người lao động hoặc là những người không có bảo hiểm xã hội mua vàng như là một loại tự bảo hiểm, tích lũy vàng để phòng thân chứ không chỉ là đầu cơ. Vì thế, nhu cầu mua vàng của người dân là chính đáng và NHNN nên tạo thuận lợi cho việc đó.

Tôi cho rằng, hai điều quan trọng khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng: Thứ nhất, cân nhắc bãi bỏ thương hiệu quốc gia của vàng SJC để tất cả các sản phẩm vàng được tự do cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Thứ hai, NHNN cũng sẽ không còn là đơn vị duy nhất trong nền kinh tế có thể nhập khẩu vàng nên cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Hai điều khoản đó cần phải được điều chỉnh, thay đổi.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Tuy nhiên, thị trường vàng cũng cần phải được quản lý. NHNN có thể phát huy vai trò nhà quản lý thay vì là một thành viên của thị trường, nghĩa là việc NHNN độc quyền nhập khẩu vàng nên được cân nhắc bãi bỏ. Nên cho phép một số doanh nghiệp được nhập khẩu vàng dưới sự kiểm soát của NHNN như trước đây. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên cân nhắc bãi bỏ thương hiệu vàng quốc gia SJC để tất cả các sản phẩm vàng có thể cạnh tranh tự do trên thị trường. Theo tôi, đây là những việc làm trước mắt cần được NHNN nghiên cứu, xem xét.

Một vấn đề nữa là Việt Nam nên nghiên cứu thành lập một sàn giao dịch vàng, trong đó, vàng chứng chỉ sẽ được đưa vào trong thị trường, tức là người dân mua vàng nhận chứng chỉ vàng do những công ty vàng có uy tín phát hành thay vì mua vàng vật chất đem về nhà. Bởi lẽ, tôi cho rằng, số vàng đó không đem lại lợi ích quốc gia và cũng không được đưa vào trong sản xuất kinh doanh, thậm chí còn gây nguy hiểm cho người giữ vàng.

Vậy nên, tôi khuyến khích việc thành lập sàn giao dịch vàng, trong đó có việc phát hành chứng chỉ vàng. Dĩ nhiên điều đó không thể nào thực hiện trong “một sớm, một chiều” mà cần có thời gian để chuẩn bị./.

Xuân Hồng – Thành Đức (Thực hiện)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ts-nguyen-tri-hieu-cac-bien-phap-can-thiet-de-quan-ly-thi-truong-vang-38067.html