Sợi chỉ, mũi kim xuyên suốt chiều dài lịch sử

Chẳng nhớ nghề thêu tay du nhập vào làng Xuân Nẻo quê tôi từ bao giờ. Chỉ biết rằng, trai, gái làng tôi khi mới lên 6-7 tuổi đã được các cụ già trong làng truyền dạy nghề thêu.

Đặc biệt hơn là nghề thêu tay, may vá tưởng chỉ dành riêng cho phụ nữ nhưng thợ thêu khéo tay, thợ may lành nghề lại là cánh mày râu. Tôi còn nhớ như in ngày ấy, hơn 50 năm về trước làng Xuân Nẻo - nơi sinh ra tôi có các nghệ nhân tuổi ngoài thất thập truyền dạy nghề thêu tay cho con cháu trong làng. Cụ Định nhà xóm ngoài, cụ Cuội xóm trong, cụ Trung xóm giếng Ốc… và còn rất nhiều cụ nữa. Nhẩm tính đến bây giờ, nếu còn sống các cụ cũng đã trên dưới 150 tuổi rồi. Tôi học thêu cùng các bạn nhỏ ngày ấy cũng từ các cụ ông trong làng, nên đoán định ít nhất làng tôi biết nghề thêu cũng vài ba trăm năm về trước.

Nghề thêu tay cũng nhiều gian truân, ngồi cả ngày bên khung gỗ nhỏ có, to có tùy theo kích cỡ của khách mua hàng đặt. Thợ thêu tay ngồi lỳ trên chiếu hoặc trên ghế từ khi đôi mắt còn nhìn rõ đường kim, mũi chỉ đến khi gà chuẩn bị lên chuồng. Muốn ngồi được lâu phải học từ cách ngồi, cách co duỗi chân sao cho thuận thế, sao cho không va chạm vào người ngồi cạnh hoặc người ngồi đối diện trên cùng một khung thêu. Từ ngày theo học nghề truyền thống, chúng tôi học cách cầm kim và để tay như thế nào cho thuận, chủ yếu là tay phải phía trên, và tay trái phía dưới. Cầm kim cũng là cả một nghệ thuật. Ngón cái và ngón trỏ cầm phía trên hai đốt đầu của ngón, ngón chủ mệnh (ngón giữa) đeo để hỗ trợ đẩy cây kim. Ngón áp út và ngón út luôn nâng sợi chỉ nằm trên. Khi bàn tay đưa lên và hạ xuống tôi cảm nhận được sự uyển chuyển của cơ thể kết hợp với những âm thanh của cây kim khi được rút ra khỏi mảnh vải của người thợ thêu giống như bản hợp ca. Bàn tay trái phía dưới khung thêu không ai nhìn thấy, nhưng mới lão luyện làm sao, đón, bắt từng mũi kim xuyên xuống với tốc độ chóng mặt nhưng không hề nhầm, không hề lỗi. Bởi nếu lỗi và nhầm thì sẽ đâm vào tay, chảy máu làm hỏng cả chỉ thêu và vải thêu. Nhớ lại ngày mới học thêu, tôi chỉ được thêu trên những miếng vải bỏ đi, những sợi chỉ không dùng được nữa và khổ tâm nhất là các đầu ngón tay chủ mệnh (ngón giữa) và tay trái phía dưới đỡ kim lúc nào cũng sưng tấy và rớm máu vì chưa có kinh nghiệm.

Trải qua những biến động của lịch sử, nghề thêu tranh có lúc thăng, lúc trầm, thậm chí có lúc bị mai một, song vẫn luôn giữ được “lửa” để truyền từ đời này sang đời khác. Trong suốt thời phong kiến, nghề thêu tay chủ yếu phục vụ cho giới quý tộc, vua chúa. Ngày ấy, sợi chỉ được nhuộm bằng củ nâu, củ chàm, củ mài, vỏ bàng, nước điệp, lá vông, hoa hòe... thô sơ là thế, nhưng bằng bàn tay khéo léo và sự tận tâm, các nghệ nhân đã tạo nên những bức tranh thêu làm mê đắm lòng người. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, nghề thêu được truyền dạy đi khắp mọi vùng quê. Người nông dân những ngày, tháng nông nhàn trở thành xã viên hợp tác xã (HTX) thêu, sản phẩm thêu cũng được phá cách bằng việc sử dụng nguyên, phụ liệu vừa sản xuất trong nước vừa nhập khẩu.

Có thời điểm, thêu tay đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược sang Liên Xô cũ và các nước như: Tiệp, Ba Lan, Hungary… góp phần không nhỏ trao đổi lương thực, vũ khí và hàng viện trợ phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, Việt Nam tiếp cận với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu là những quốc gia có nhu cầu sử dụng mặt hàng thêu tay trên áo cưới, áo lễ hội, khăn trải bàn… nên có cơ hội xuất khẩu với giá cao hơn.

Tôi không thể nhớ nổi, đã có bao nhiêu thế hệ người dân Xuân Nẻo và những người vùng quê khác trên đất nước Việt Nam học được nghề thêu từ những nghệ nhân quê tôi. Chính niềm yêu nghề, sự cần mẫn của những người nghệ nhân đã khiến cho tranh thêu ngày càng trở lên độc đáo, tinh xảo và phá cách hơn. Với chất liệu đơn giản là (sợi chỉ, cây kim, tấm vải), ý thức sáng tạo nghệ thuật, người nghệ nhân đã thổi hồn mình vào mỗi bức tranh thêu, khiến chúng vươn đến đỉnh cao của nghệ thuật và đã thể hiện được cả những thăng trầm của thời gian, tái hiện những biến cố lịch sử của dân tộc. Đồng thời, ẩn chứa vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, vẻ đẹp mộc mạc và cả tình người nồng ấm của người Việt Nam.

Quê tôi – Xuân Nẻo giống như bao làng quê khác của Việt Nam, có lúc yên bình, đôi khi lại sôi động? Nhưng tiềm ẩn bên trong nó là cả một bầu trời văn hóa phi vật thể. Những sợi chỉ ngũ sắc, mũi kim bé nhỏ và đôi tay khéo léo của các nghệ nhân đã xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm, khắc họa nét đẹp hồn quê để giữ gìn cho hôm nay và mãi về sau.

Thêu tay là một trong những nghề truyền thống được truyền dạy lâu đời trên khắp đất nước Việt Nam, trong đó có quê tôi - làng Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, cũng từ đây nghề thêu tay được tiếp sức, lan tỏa đi xuyên suốt ba miền Bắc – Trung – Nam.

Nguyễn Hoài Bắc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/soi-chi-mui-kim-xuyen-suot-chieu-dai-lich-su-151908.html