Sợi dây liên kết trong văn hóa cồng chiêng M'nông

Với người M'nông, cồng chiêng không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là cầu nối tâm linh, biểu tượng văn hóa và sợi dây gắn kết cộng đồng.

Các nghệ nhân biểu diễn tại Liên hoan cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông năm 2024.

Các nghệ nhân biểu diễn tại Liên hoan cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông năm 2024.

Di sản văn hóa phi vật thể

Trong văn hóa đồng bào M’nông ở Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, âm vang cồng chiêng không thể thiếu trong dịp lễ hội truyền thống; qua âm thanh của dàn chiêng mọi người như xích lại gần nhau. Tiếng chiêng vang lên trong mỗi nghi lễ mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện lòng thành kính cùng những lời cầu nguyện.

Người M’nông thường sử dụng cồng chiêng trong các nghi lễ lớn: “Lễ cúng lúa mới” để tạ ơn thần lúa sau một mùa vụ bội thu, đồng thời cầu mong vụ mùa tiếp theo thuận lợi. “Lễ cúng bến nước”, nơi tiếng cồng chiêng mời gọi thần nước bảo vệ nguồn nước trong lành cho buôn làng. Khi người M’nông qua đời, họ tin rằng tiếng cồng chiêng dẫn lối người đã khuất về với tổ tiên và an ủi những người ở lại…

Mỗi giai điệu của bài chiêng được đánh theo những cách riêng, phù hợp với từng dịp, thể hiện rõ nét sự giao hòa giữa con người, thần linh và thiên nhiên. Vì vậy, cồng chiêng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh, là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống của dân tộc M’nông.

Bà Thị Ai, ngụ Bon Bu Koh, xã Đắk Rti’k, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) chia sẻ: nhạc cụ cồng chiêng không thể thiếu trong các hoạt động cộng đồng cũng như lễ hội ở địa phương. Âm thanh, giai điệu của mỗi bài chiêng đều mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Trong mỗi gia đình, dòng họ, cồng chiêng được coi là của cải truyền qua nhiều đời. Vì vậy, cồng chiêng được giữ gìn cẩn thận ở những nơi sạch sẽ, kín đáo trong nhà.

Theo thống kê sơ bộ, đồng bào M’nông có hàng trăm nghi lễ, lễ hội, nhưng có thể thống kê trong 3 nhóm chính: Nghi lễ - Lễ hội nông nghiệp; Nghi lễ - Lễ vòng đời người; Nghi lễ - Lễ cộng đồng. Trong những hoạt động này đều sử dụng cồng chiêng.

Người M’nông luôn tự hào về phong cách đánh cồng chiêng của dân tộc mình, âm thanh của tiếng chiêng có đặc trưng riêng biệt không thể lẫn với bất kỳ loại nhạc cụ nào khác. Mỗi chiếc chiêng, với kích thước và độ dày khác nhau, tạo ra những âm sắc khác nhau, nhưng khi hòa quyện vào nhau tạo nên một bản giao hưởng độc đáo. Kỹ thuật chơi cồng chiêng của người M’nông cũng rất đặc biệt, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và am hiểu sâu sắc về văn hóa truyền thống.

Trong đời sống cộng đồng người M’nông, cồng chiêng là một yếu tố gắn kết tinh thần đoàn kết mạnh mẽ. Mỗi khi cồng chiêng vang lên, cả buôn làng lại quây quần bên nhau để cùng nhau chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, đây là cách người M’nông thể hiện tinh thần gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên trong bon.

Những nghệ nhân lớn tuổi, người thành thạo các bài chiêng và cách chơi, thường là người giữ vai trò truyền dạy cho thế hệ trẻ. Thông qua việc nghe, học đánh cồng chiêng, thế hệ trẻ không chỉ kế thừa kỹ thuật mà còn cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của loại hình nghệ thuật này, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân người M’nông biểu diễn cồng chiêng.

Nghệ nhân người M’nông biểu diễn cồng chiêng.

Nghệ thuật cồng chiêng đã góp phần khẳng định bản sắc của người M’nông trong bức tranh văn hóa Tây Nguyên. Đặc biệt, năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (bao gồm nghệ thuật cồng chiêng của người M’nông) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đánh dấu tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật này.

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng

Ngày nay, cồng chiêng không chỉ giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc M’nông mà đang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Nhiều lễ hội văn hóa cồng chiêng được tổ chức để quảng bá và giới thiệu nét đẹp này đến du khách trong và ngoài nước.

Thông qua các buổi trình diễn cồng chiêng, du khách không chỉ được thưởng thức âm thanh đặc sắc mà còn được tìm hiểu sâu hơn về đời sống và nghệ thuật cồng chiêng của người M’nông. Hoạt động văn hóa du lịch gắn liền với cồng chiêng cũng đã mang lại giá trị kinh tế, giúp cộng đồng người M’nông có thêm nguồn lực để tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản này.

Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng ở Đắk Nông, cũng như nhiều tỉnh Tây Nguyên đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh hiện đại hóa và sự thay đổi xã hội. Sự đổi mới và phát triển nhanh chóng của đất nước đã có những tác động mạnh mẽ đến không gian xã hội, văn hóa của cộng đồng người M’nông. Sự “mở cửa” khiến các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật nước ngoài ồ ạt xâm nhập đã ảnh hưởng lớn tới đời sống, văn hóa, âm nhạc truyền thống của người M’nông. Không gian văn hóa cồng chiêng của tỉnh Đắk Nông đang bị mai một có phần báo động.

Bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Hiện nay một số nghệ nhân am hiểu và có kỹ năng diễn tấu được nhiều bài chiêng đã lớn tuổi. Trong khi đó, thế hệ trẻ ngày càng ít quan tâm đến việc kết nối truyền thống hoặc ít hiểu biết, thậm chí không có hứng thú với việc học, chơi cồng chiêng và tham gia các nghi lễ, lễ hội. Bên cạnh đó, không gian trình diễn cồng chiêng cũng bị thu hẹp, chủ yếu trình diễn tại các nhà văn hóa cộng đồng, các hội thi liên hoan… Do đó, việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các hoạt động bảo tồn di sản cồng chiêng hiện nay gặp khó khăn về kinh phí, tổ chức các hoạt động khôi phục cồng chiêng được lồng ghép vào các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn, lễ hội...”.

Thời gian qua, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong việc sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nỗ lực bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội và là động lực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Sở VH,TT&DL tỉnh Đắk Nông đã và đang tích cực triển khai Kế hoạch 386/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn kết với sự phát triển du lịch. Đề án này thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Những nỗ lực này không chỉ góp phần giữ bản sắc văn hóa độc độc mà còn thúc đẩy phát triển du lịch, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Chí Bình - Quốc Nhân - Trần Quỳnh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/soi-day-lien-ket-trong-van-hoa-cong-chieng-mnong-post538381.html