Sôi động các lễ hội bên dòng Nhật Lệ
Trong chuỗi các hoạt động 'Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới' năm 2024 chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2024), chiều tối 28/4, TP. Đồng Hới tổ chức các lễ hội đường phố, chèo cạn-múa bông, với màn diễu hành và nhiều tiết mục nghệ thuật độc đáo.
Tham dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh và thành phố.
Lễ hội đường phố năm 2024, có sự tham gia của 450 nghệ sĩ, người mẫu, vũ công... đến từ Vũ đoàn Rubykid + Zumba, đội lân-sư-rồng, nhóm nhảy, câu lạc bộ dân vũ; đặc biệt có sự tham gia biểu diễn của các giáo viên đến từ các trường học trên địa bàn thành phố trong trang phục áo dài duyên dáng...
Bắt đầu lễ hội là màn xuất phát đồng thời từ 3 điểm là tuyến phố Hùng Vương, Quách Xuân Kỳ và Nguyễn Du, tập kết và biểu diễn tại ngã tư cầu Nhật Lệ 1, sau đó tiếp tục diễu hành qua cầu Nhật Lệ 1 và điểm dừng chân cuối cùng là Quảng trường biển Bảo Ninh cùng những màn trình diễn hấp dẫn nhất.
Trong khoảng 2 giờ đồng hồ (từ 17-19 giờ) với màn diễu hành và những tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem, cổ vũ.
Tiếp đó, tại Quảng trường biển Bảo Ninh, lễ hội chèo cạn-múa bông cũng diễn ra với sự tham gia của 300 nghệ nhân trên địa bàn xã Bảo Ninh biểu diễn. Đây là một hoạt động nhằm lưu giữ nét văn hóa truyền thống đặc trưng, biểu dương sức mạnh của cư dân vùng biển, đồng thời nuôi dưỡng niềm tin, ý chí vượt qua bao thử thách, gian lao để làm chủ vùng biển và vươn lên làm giàu từ biển.
Lễ hội chèo cạn-múa bông là hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện tín ngưỡng, nét văn hóa truyền thống bao đời của người dân vùng biển Đồng Hới nói chung và của xã Bảo Ninh nói riêng, với ý nghĩa cầu cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa; mùa màng bội thu, “ngót mái, êm chèo”.
Sau khi đại diện lãnh đạo thành phố thực hiện nghi lễ dâng hương, các lời ca, điệu chèo, điệu hò khoan, làn điệu mái ba, mái nện, những câu hò xưa cùng với các điệu chèo cạn, múa bông… của các nghệ nhân đã tái hiện sinh động sinh khí, tinh thần hào sảng của người dân làng biển; thể hiện tín ngưỡng, lòng biết ơn đến các vị thần linh vùng sông nước, với các thế hệ tiền nhân đi trước, những người có công trong việc phát triển nghề cá.
Thông qua các lễ hội, nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là nét văn hóa đặc trưng của quê hương Đồng Hới; đồng thời giúp nhân dân cũng như du khách đến với Đồng Hới cảm nhận rõ hơn về nét văn hóa đặc trưng của quê hương, sự phát triển toàn diện về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch Đồng Hới nói riêng, quê hương Quảng Bình nói chung.