Sôi động cảnh trai tráng thủ đô tham gia nghi lễ kéo co ngồi

Tại lễ hội Đền Trấn Vũ, tham gia nghi lễ kéo co ngồi, trai tráng 3 mạn ở Hà Nội chân co, chân duỗi kéo co trên nền đất.

Ngày 11-4 (tức ngày mùng 3 tháng ba âm lịch), đã diễn ra nghi lễ kéo co ngồi - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ lễ hội Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội).

 Sự kiện thu hút nhiều người dân đến tham gia, cổ vũ. Ảnh: THANH TÙNG.

Sự kiện thu hút nhiều người dân đến tham gia, cổ vũ. Ảnh: THANH TÙNG.

Lễ hội Đền Trấn Vũ được tổ chức thường niên vào ngày mùng 3 tháng 3 (âm lịch) hàng năm, mang bản sắc văn hóa truyền thống, nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ, khát vọng của con người, mong muốn có cuộc sống an bình, tốt đẹp.

Lễ hội cũng là nét sinh hoạt văn hóa xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của con người, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, luôn hướng về nguồn cội; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ tương lai.

Về dự lễ hội Đền Trấn Vũ, nhân dân, du khách thập phương có dịp chiêm ngưỡng pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ – pho tượng đồng đúc liền khối được chế tác khoảng thế kỷ 18, cao hơn 4m, nặng khoảng hơn 4.000kg.

 Người dân ba mạn: Mạn Chợ, mạn Đường và mạn Đìa nhiệt tình cỗ vũ cho đội mình.. Ảnh: THANH TÙNG.

Người dân ba mạn: Mạn Chợ, mạn Đường và mạn Đìa nhiệt tình cỗ vũ cho đội mình.. Ảnh: THANH TÙNG.

Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015 và đã đi vào truyền thuyết, gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Cùng với Bảo vật quốc gia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, hiện nay, tại Đền Trấn Vũ còn lưu 23 đạo sắc phong có từ niên đại Cảnh Hưng 44 đến thời Nguyễn (từ năm 1740 đến năm 1940) đã được UBND TP Hà Nội công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm.

Một trong những giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội truyền thống Đền Trấn Vũ là nghi lễ kéo co ngồi - tập quán xã hội, tín ngưỡng có từ lâu đời trong hội làng Cự Linh, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm xưa (nay là cụm Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên).

 Các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo. Ảnh: THANH TÙNG.

Các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo. Ảnh: THANH TÙNG.

Theo sử sách, nghi thức kéo co ngồi được tổ chức trong lễ hội đền Trấn Vũ vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm với ba mạn tham gia: Mạn Chợ, mạn Đường và mạn Đìa.

Điểm độc đáo của nghi lễ này là các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo, người kéo co ngồi chân co chân duỗi và ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây.

Thông qua trò chơi và nghi lễ kéo co ngồi, người dân cầu cho mưa thuận, gió hòa và mùa vụ bội thu.

Ngày 19-12-2014, nghi thức kéo co ngồi Đền Trấn Vũ được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tháng 12-2015, kéo co truyền thống châu Á đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dưới tên Nghi lễ và trò chơi kéo co, do bốn quốc gia: Campuchia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam cùng đệ trình.

 Người kéo co ngồi chân co chân duỗi và ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây. Ảnh: THANH TÙNG.

Người kéo co ngồi chân co chân duỗi và ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây. Ảnh: THANH TÙNG.

Theo hồ sơ đề nghị của Việt Nam, UNESCO công nhận Nghi lễ và trò chơi kéo co là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho bốn tỉnh, thành phố: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, trong đó có kéo co ngồi Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn (quận Long Biên, thành phố Hà Nội).

Đại diện Ban tổ chức cho biết việc tổ chức trình diễn nghi lễ kéo co ngồi - di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Lễ hội Đền Trấn Vũ nhằm đưa đến cho nhân dân, khách thập phương xa gần cùng chiêm ngưỡng nghi lễ cổ của ông cha.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/soi-dong-canh-trai-trang-thu-do-tham-gia-nghi-le-keo-co-ngoi-post785036.html