Sôi nổi cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng

Qua 9 lần tổ chức, cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng tỉnh Phú Yên đã trở thành sân chơi lý thú, bổ ích cho giới trẻ. Cuộc thi là cơ hội để thanh thiếu niên - nhi đồng trong tỉnh phát huy năng lực sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Qua đó thúc đẩy phong trào học tập nghiên cứu sáng tạo ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Ban giám khảo chấm chung khảo các sản phẩm dự thi. Ảnh LỆ VĂN

Ban giám khảo chấm chung khảo các sản phẩm dự thi. Ảnh LỆ VĂN

Năm nay, cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng (TTN-NĐ) tỉnh Phú Yên lần thứ 9 (2023-2024) do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật (Liên hiệp hội), Sở GD&ĐT, Sở KH&CN, Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức đã thu hút 81 mô hình, giải pháp và phần mềm tham gia ở 5 nội dung, gồm: Đồ dùng dành cho học tập, tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế… So với năm trước, cuộc thi lần này có nhiều giải pháp tham gia và chất lượng cũng tăng lên đáng kể.

Nhiều sản phẩm hữu ích

Thành phần tham gia cuộc thi, phần đông là học sinh tiểu học, THCS và THPT. Từ cuộc thi, rất nhiều ý tưởng sản phẩm, mô hình sáng tạo đã được ứng dụng, hiện thực hóa trong thực tiễn sản xuất và đời sống. Đáng chú ý, những sản phẩm về bảo vệ môi trường, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều.

Xuất phát từ việc giúp đỡ người khuyết tật di chuyển và có cuộc sống bình thường, ba em học sinh là Nguyễn Long Nhật (lớp 10A2), Lê Xuân Bách (lớp 10A1) và Đinh Long Thưởng (lớp 11A1), Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa) đã cùng nhau nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm robot “AI FBM” dành cho người khuyết tật mất khả năng nói, nhìn. Sản phẩm này nhằm khắc phục một phần khó khăn cho người khuyết tật hòa nhập cuộc sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội, giảm thiểu những rào cản giúp họ hòa nhập xã hội.

“Đây là phần mềm được cài đặt và hoạt động trên thiết bị di động, có tính ứng dụng cao dành cho những người khuyết tật, người già lãng tai, người bệnh nhận thức được nhưng mất khả năng vận động…, giúp người chăm sóc và người được chăm sóc hiểu nhau nhanh hơn, việc chăm sóc diễn ra hiệu quả, tạo mối quan hệ thân thiết hơn, không phân biệt giữa người khiếm thính và người bình thường”, ông Đào Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý KH&CN (Sở KH&CN), thành viên ban giám khảo nhận xét.

Cũng vận dụng kiến thức được học, kết hợp với tự tìm hiểu, em Võ Huỳnh Hoàng Nam, học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh (TX Sông Cầu) đã sáng tạo và đưa ra giải pháp “DR Aqua - hệ thống giám sát môi trường nước trong nuôi tôm hùm bằng công nghệ AI” để dự báo và cảnh báo người dân về việc ô nhiễm nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản. Mô hình tích hợp internet vạn vật kết nối, công nghệ AI, giúp người dùng có thể tương tác với các thiết bị điện qua điện thoại thông minh.

Thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học, kỹ thuật trong giới trẻ

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, các yêu cầu lớn được đặt ra ở cuộc thi năm nay là: Tạo sân chơi khoa học, bổ ích, giúp học sinh trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, thực hiện ước mơ trở thành nhà sáng chế, nhà khoa học trong tương lai; tạo cơ hội, điều kiện, môi trường cho TTN-NĐ trong tỉnh giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ; tăng cường trao đổi hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ giữa các đơn vị, địa phương trong tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho những tài năng trẻ phát triển ý tưởng, mô hình, sản phẩm sáng tạo của mình; lựa chọn những đề tài tiêu biểu, xuất sắc để trao giải thưởng cuộc thi và gửi tham gia cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ toàn quốc. Đây cũng là những mục đích mà ban tổ chức muốn hướng tới để cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ tỉnh Phú Yên đạt kết quả cao nhất.

Ông Phạm Huy Văn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, đơn vị đồng tổ chức cho biết: “So với các năm trước, năm nay các mô hình, giải pháp và phần mềm tham gia cuộc thi có số lượng và chất lượng nhiều hơn. Nhiều địa phương lâu nay không tham gia hoặc tham gia ít đều tổ chức sơ tuyển và tuyển chọn các sản phẩm có chất lượng để dự thi cấp tỉnh. Đặc biệt, nhiều giải pháp, mô hình mang tính nhân văn và có ý nghĩa để phục vụ cộng đồng”.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, những năm gần đây, ngay sau khi triển khai và phát động cuộc thi cấp tỉnh, ban tổ chức cũng đã chủ động phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, quảng bá cuộc thi về cơ sở với nhiều hình thức phong phú đa dạng. Việc làm này không chỉ góp phần lan tỏa sâu rộng phong trào nghiên cứu sáng tạo trong TTN-NĐ, mà còn góp phần giúp các địa phương lựa chọn được nhiều đề tài chất lượng tham gia cuộc thi cấp tỉnh.

Cuộc thi sáng tạo TTN-NĐ tỉnh ngày càng khẳng định vị trí là một sân chơi bổ ích, trí tuệ, khoa học cho học sinh, giúp các em không chỉ thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo, mà còn có ý nghĩa nhân văn khi gửi gắm trong mỗi sản phẩm ước mơ, khát vọng của bản thân.

Ông Nguyễn Văn Khoa,

Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/319022/soi-noi-cuoc-thi-sang-tao-thanh-thieu-nien-nhi-dong.html