Sôi nổi, trách nhiệm, rõ giải pháp

Theo dõi qua truyền hình trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề văn hóa, thể thao và du lịch, nhiều cử tri đánh giá cao phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ và trách nhiệm; các đại biểu chất vấn ngắn gọn, 'đúng và trúng' những vấn đề cử tri quan tâm; 'tư lệnh' ngành trả lời thẳng thắn, tâm huyết, đưa ra được các giải pháp khả thi.

Cầu thủ NGUYỄN THẾ THẮNG (CLB Bóng đá Bắc Ninh): Nhiều giải pháp để có quyết sách phù hợp hơn

Phiên chất vấn đã nhận được 45 lượt ý kiến phát biểu, trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 8 ý kiến tranh luận, còn 34 đại biểu đăng ký chất vấn nhưng chưa được chất vấn cho thấy, văn hóa, thể thao và du lịch là nhóm vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của đại biểu và đông đảo cử tri… Với những chất vấn ngắn gọn, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, đi sâu vào các vấn đề, như: giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao… Đồng thời, gợi ý nhiều giải pháp để Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có quyết sách phù hợp hơn trong quản lý, điều hành thời gian tới.

Trước những chất vấn thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, các thành viên của Chính phủ… đã trả lời mạch lạc, cụ thể, đầy đủ trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao; đưa ra giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.

Đáng chú ý, trong phần trả lời chất vấn về các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 223/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”, Bộ đã tập trung phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao, đề xuất để ban hành chính sách liên quan, trong đó có vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Những đối tượng này được thụ hưởng 7 chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành thời gian qua (tiền lương, bảo hiểm, chế độ thưởng bằng hiện vật, chế độ dinh dưỡng đặc thù…). Đồng thời, người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết: tới đây, Bộ sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ tập trung nghiên cứu về khoa học thể thao, bồi dưỡng nhân tài. Cần có cách làm mới, khoa học hơn trong phát hiện năng khiếu, ứng dụng gen để đào tạo; tìm chọn ra các huấn luyện viên ở các độ tuổi khác nhau….

Đặc biệt, Chủ tọa điều hành linh hoạt, khoa học, phát huy tinh thần dân chủ trong từng nội dung chất vấn… Phát biểu kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực này, Chủ tịch Quốc Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh những nội dung quan trọng đặt ra sau chất vấn và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng liên quan quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Cụ thể là, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù; khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch.

Biên tập viên ĐỖ KIM THOA - Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Chương Mỹ, Hà Nội: “Trúng và đúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm

Có thể nói, trong thời gian 2,5 ngày chất vấn đối với 4 bộ trưởng, trưởng ngành về các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kiểm toán Nhà nước, tôi cho rằng, các vấn đề Quốc hội lựa chọn chất vấn “trúng và đúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm.

Là người làm trong ngành văn hóa, thông tin, tôi đặc biệt quan tâm đến phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Phiên chất vấn diễn ra khá sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm với tinh thần xây dựng cao… Qua theo dõi trực tiếp qua truyền hình, tôi đánh giá cao các ĐBQH đã có những câu hỏi rất sâu sắc, sát với thực tiễn. Điều này cho thấy, các đại biểu có sự nghiên cứu kỹ báo cáo, nêu câu hỏi, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho thấy, Bộ trưởng nắm chắc thực trạng lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, không vòng vo, né tránh; thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao.

Riêng đối với vấn đề làm thế nào để bảo vệ quyền trẻ em khi có tình trạng tại các phiên chợ, trẻ em tổ chức biểu diễn, nhảy múa văn nghệ để thu tiền, xin tiền của khách? Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định: đây là việc làm không đúng; đồng thời, các phiên chợ không phải là địa điểm biểu diễn nghệ thuật. Nếu xảy ra ở vùng nào thì địa phương đó phải quản lý… Thừa nhận một phần trách nhiệm thuộc về Bộ, song Bộ không phải cơ quan quản lý hoạt động này. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị các cơ quan có liên quan tuyên truyền, giáo dục về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…

Tôi cũng rất tán đồng với giải pháp phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đưa ra là, thời gian tới cần liên kết, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh – điểm đầu tàu để liên kết giữa đồng bằng sông Cửu Long với miền Đông Nam Bộ; liên kết các sản phẩm du lịch thông qua kết nối tour, tuyến và xây dựng các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng được du khách… Theo Bộ trưởng, cách tiếp cận này sẽ dần dần thúc đẩy vùng có nhiều tài nguyên về du lịch chưa được đánh thức. Đồng thời, Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng về lưu trú, các điểm du lịch và doanh nghiệp lớn đầu tư và tạo ra được các sản phẩm độc đáo.

Riêng đối với giải pháp để nâng cao trình độ nhân lực du lịch chất lượng cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu ngắn gọn và nhấn mạnh: nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện nay đang thiếu; trong đó, nhân lực làm tại các cơ sở lưu trú chiếm 70%, 20% là nhân lực lữ hành, còn lại 10% là làm tại các đơn vị khác. Hiện nay, chúng ta đã có 8 Trường Cao đẳng Du lịch theo từng vùng, đào tạo ra thì các doanh nghiệp đều nhận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tự đào tạo như Sài Gòn Tourists, Hà Nội Tourists… Do đó, cần tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân lực làm du lịch, sau đó tổ chức thi tay nghề, nhân lực cần được tiếp cận theo chuẩn nghề trong ASEAN…

Cầu thủ TRẦN QUỐC THÀNH - CLB Bóng đá HG La Giang: Rõ ràng, cầu thị, trách nhiệm cao

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm với tinh thần xây dựng cao. Qua quá trình chất vấn, các ĐBQH đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế; chất vấn ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, có tranh luận thẳng thắn; với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân.

Tôi đánh giá cao với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về các vấn đề được đặt ra, nhất là các nội dung liên quan đến công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng… Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn rõ ràng, cầu thị, trách nhiệm cao; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Thừa nhận tiêu cực trong thể thao là vấn đề nhức nhối của ngành, cụ thể là vấn đề bữa ăn của vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang tập huấn không được bảo đảm và vụ việc ở đội tuyển thể dục dụng cụ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: khi phát hiện ra, Bộ đã kiên quyết xử lý không có ngoại lệ, làm nghiêm theo quy định. Bộ đã xử lý kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm, đủ điều kiện thì sẽ xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật

Diệp Anh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/soi-noi-trach-nhiem-ro-giai-phap-i374744/