'Soi vào nghệ thuật sẽ thấy tâm hồn mình'

Là một trong những nghệ sĩ trẻ nổi bật của nghệ thuật đương đại Việt Nam, những năm qua, QUÁCH BẮC khẳng định phong cách bằng lối đi riêng, giàu cá tính sáng tạo. 'Tôi luôn cố gắng kể lại hiện thực bằng thế giới quan của mình. Chính cách mà mỗi người kể lại cuộc sống theo cách riêng ấy mà làm giàu hơn nghệ thuật đương đại Việt Nam'.

Nghệ thuật và cuộc sống

- Các triển lãm của Quách Bắc đều gây tiếng vang trong giới chuyên môn. Không biết cảm hứng sáng tạo của anh đến từ đâu?

- Cảm hứng của tôi đến từ quá khứ, lịch sử, tình yêu, lòng vị tha… - những vấn đề muôn thuở của nghệ thuật. Như các nghệ sĩ khác, tôi có nhiều giai đoạn sáng tác khác nhau, tập trung vào chủ đề nhất định. Trước đây, tôi quan tâm đến những ẩn dụ về đời sống, thân phận con người mang hơi hướng bi kịch, thể hiện ở các triển lãm Bầu trời danh tiếng (2016), Rơi vào đường chân trời (2019), hay những tra vấn, hoài nghi, liên tưởng, mơ mộng về thiên nhiên và nhân tạo với triển lãm Phong cảnh ướt (2020). Thời gian gần đây tôi quan tâm những chủ đề về chủ nghĩa duy vật văn hóa, truyền thông bình dân.

Nghệ sĩ Quách Bắc. Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ Quách Bắc. Ảnh: NVCC

- Nhiều người đặt câu hỏi về cách thể hiện tác phẩm trong triển lãm mới nhất của anh, “Tạm biệt nghệ thuật”. Tại sao lại là lối vẽ ảnh thực phóng to những tờ giấy chứng nhận tác phẩm và gọi chúng là nghệ thuật?

- Từ trước đến nay, vấn đề thương mại, trao đổi hàng hóa thường được mọi người giữ kín, coi là tế nhị. Giờ đây, tôi phơi bày quá trình ấy như một thái độ, khiến bản thân nghệ sĩ, gallery thương mại phải tự vấn công việc của mình, giống như việc tôi muốn họ phải tự khoe đồ đạc trong nhà mình.

Với triển lãm Tạm biệt nghệ thuật (từ 15 - 21.7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), tôi dùng phương pháp thủ công của hội họa để vẽ lại tờ giấy chứng nhận được in khổ A4. Giấy chứng nhận là của phòng tranh, đơn vị bán cấp cho người sưu tập, chứng thực tác phẩm của họa sĩ. Việc biến nó trở thành phiên bản khác, độc lập, đặt ra câu chuyện giữa 3 bên: nghệ sĩ, phòng tranh và người mua; đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa sáng tạo và thương mại, đồng thời khơi gợi suy tư về hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ của nghệ sĩ.

- Trong thời đại hiện nay, trước ngồn ngộn chủ đề, thông tin về cuộc sống, xã hội, theo anh, điều gì đang đặt ra cho mỗi nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo?

- Rất nhiều bạn bè, người quan tâm, theo dõi nghệ thuật tò mò về tên triển lãm, tại sao lại là "Tạm biệt nghệ thuật"? Tạm biệt nghệ thuật là tạm biệt điều gì? Khi nói lời tạm biệt, bạn sẽ đi đâu và nghệ thuật của bạn sẽ về đâu?... Trong cuộc sống và nghệ thuật, tôi luôn muốn trả lời một câu hỏi bằng cách đặt ra nhiều câu hỏi khác. Những câu hỏi đấy chính là băn khoăn và hoài nghi của tôi về nghệ thuật và về cuộc sống. Rằng liệu nghệ thuật có bị nhấn chìm bởi đại dương thông tin vô nghĩa và không quan trọng ngày hôm nay? Liệu chúng ta có trở thành một nền văn hóa phù phiếm, mải mê chạy theo những thú vui giải trí, đơn thuần? Và liệu đó có phải là dấu hiệu suy tàn những giá trị cao cấp trong thời đại trỗi dậy của truyền thông?

Chủ nghĩa tiêu thụ ngày nay hơn bao giờ hết đang phục vụ nhu cầu của con người, khiến con người có thể chạm tay vào mọi giá trị một cách dễ dàng, song cũng chính vì vậy mà các giá trị trở nên tầm thường bởi sự dễ dàng có thể chạm đến. Tất cả điều đó đều là thách thức đối với nghệ thuật, với mỗi nghệ sĩ.

Chạm vào cõi sâu thẳm

- Lấy cảm hứng từ con người, thân phận, câu chuyện văn hóa, truyền thông bình dân… anh nhận thấy nghệ thuật đương đại diễn tả những điều ấy có dễ hơn không so với các dòng nghệ thuật khác?

- Thực ra tôi cũng không biết nữa. Nghệ thuật rất rộng, từng loại hình có đặc điểm, ngôn ngữ biểu hiện riêng mà mỗi nghệ sĩ có lẽ chỉ chạm đến một góc thôi. Quan trọng nhất vẫn là vấn đề tác phẩm hay hay dở.

Trong triển lãm "Tạm biệt nghệ thuật", Quách Bắc đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa sáng tạo và thương mại. Ảnh: Chau & Co Gallery

Trong triển lãm "Tạm biệt nghệ thuật", Quách Bắc đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa sáng tạo và thương mại. Ảnh: Chau & Co Gallery

- Trong bối cảnh truyền thông số phát triển, bão hòa thông tin, nghệ thuật có phải một nhánh khác biệt để con người tránh khỏi cơn bão tiêu cực, hướng đến giá trị cao cấp hơn như anh nói ở trên?

- Tôi cũng mong là như thế! Nghệ thuật quan trọng hơn cả phải gợi ẩn ức nào đó cho người xem, chạm vào sự nhạy cảm, vào cõi sâu thẳm, lắng đọng suy tư của con người. Nghệ thuật là chỗ dựa tinh thần của con người, như một tảng băng tinh khiết rơi vào dòng sông đen ngòm, nó sẽ tan ra, có thể biến mất bởi dòng chảy đen ngòm ấy nhưng nó vẫn là cái đẹp đẽ còn sót lại, là cái tạo nên hy vọng.

- Có phải đó cũng là dụng ý của anh khi lựa chọn con đường thực hành nghệ thuật ý niệm?

- Loại hình nghệ thuật nào cũng có ưu điểm, nhược điểm và nghệ sĩ dù chọn ngôn ngữ nào, phương tiện nào cũng nên làm chủ chất liệu ấy. Nghệ thuật ý niệm - con đường mà tôi theo đuổi - vốn thúc đẩy tư duy người xem chứ không phải khơi gợi tính thẩm mỹ. Ví dụ, bạn đứng trước khung cảnh đẹp, nghe bản nhạc hay, nó thúc đẩy cảm xúc của bạn, nhưng đứng trước nghệ thuật ý niệm, nó tạo ra sự rung động lý tính, quá trình suy tư.

Thực hành nghệ thuật ý niệm, tôi không chọn cách làm hài lòng khán giả bằng việc thỏa mãn nhu cầu thẫm mỹ của họ, hay chạm vào sự nhạy cảm của họ bằng các mánh khóe thị giác. Thay vào đó tôi khơi gợi cho họ một vài thắc mắc, băn khoăn hay nghi vấn, để họ có thể tham gia vào tác phẩm, để họ nói về nó, nghĩ ngợi về nó nhiều hơn. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ mỗi người đón nhận tác phẩm theo cách khác nhau và ý nghĩa thực sự của tác phẩm phục thuộc vào cách mà họ gieo nghĩa. Cách họ gieo nghĩa lại phụ thuộc vào quá khứ, tâm lý, lứa tuổi, trình độ nhận thức… vốn bất ổn, giống như khí quyển là những thứ luôn biến đổi.

- Nhìn lại hành trình gắn bó với nghệ thuật, anh thấy mình nhận được gì?

- Sử dụng lăng kính nghệ thuật nhìn vào cuộc sống giúp tôi trưởng thành hơn. Có câu nói khi bạn soi gương, bạn sẽ thấy gương mặt mình, còn khi soi vào nghệ thuật bạn sẽ thấy tâm hồn mình. Người làm nghệ thuật chúng tôi thấy bản thân mình trong tác phẩm còn người đời lại thấy chúng tôi trong cuộc sống. Đối với một nghệ sĩ, mỗi thay đổi trong nghệ thuật đánh dấu sự thay đổi trong nhận thức của anh ta. Tôi là một nghệ sĩ hậu Đổi mới. Tôi luôn cố gắng kể lại hiện thực bằng thế giới quan của mình, những nghệ sĩ khác cũng kể lại hiện thực theo cách của họ. Chính việc kể lại cuộc sống theo cách riêng ấy mà làm giàu hơn nghệ thuật đương đại Việt Nam.

- Xin cảm ơn anh!

Lê Thư thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/soi-vao-nghe-thuat-se-thay-tam-hon-minh-i383314/