SỚM CÓ HƯỚNG DẪN VỚI CÁC VƯỚNG MẮC ĐỂ TRIỂN KHAI NHANH, HIỆU QUẢ HƠN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Đây là kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ngày 10/5. Cụ thể, các bộ, ngành Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn với những vấn đề tồn tại, vướng mắc để địa phương triển khai nhanh 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đạt hiệu quả cao hơn.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Tổ trưởng Tổ công tác Tạ Thị Yên chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Tổ trưởng Tổ công tác Tạ Thị Yên chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tổ công tác của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” do Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên làm Tổ trưởng.

Dự cuộc làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Sóc Trăng...

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên chủ trì cuộc làm việc

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên chủ trì cuộc làm việc

Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng - đơn vị chủ công thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021-2030 cho biết, hiện nay Chương trình có 10 dự án và 14 tiểu dự án với hơn 100 chương trình, chính sách có liên quan. Do đó, khối lượng văn bản, công việc rất lớn, tuy nhiên, qua 2 năm triển khai, nhiều văn bản còn thiếu thông tư hướng dẫn; một vài nội dung còn chưa rõ, chờ hướng dẫn nên việc triển khai dự án, giải ngân còn chậm.

Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cũng nêu rõ, đối với vốn sự nghiệp từ 100 triệu đồng trở lên, do quy định chủ dự án không được thực hiện hình thức chỉ định thầu, nên các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Chính sách vốn vay tín dụng cũng khó triển khai, vì phần lớn đối tượng đã vay vốn theo các chương trình, chính sách khác. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, nhưng phân bổ vốn năm sau lại nhiều hơn năm trước, dẫn tới thiếu đối tượng thụ hưởng và thừa vốn.

Đại diện Tổ công tác phát biểu tại cuộc làm việc

Đại diện Tổ công tác phát biểu tại cuộc làm việc

Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng nêu rõ, đối với dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, khó khăn, cần điều chỉnh theo hướng cho phép mở rộng nội dung thực hiện đối với các tỉnh không có huyện nghèo, gồm: hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm... Bởi, tại các địa phương này, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều xuống cấp, lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Riêng Chương trình xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, kết quả thực hiện tại địa phương đạt cao do Chương trình được triển khai sớm, ít vướng mắc trong các khâu văn bản. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị, cần đặc biệt quan tâm đến cơ cấu lại nền nông nghiệp, xây dựng kế hoạch phát triển nền nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất bền vững; chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, để từng bước giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của bà con nông dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu tại cuộc làm việc

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu tại cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn ngày càng được hoàn thiện. Thu nhập của người dân tăng từng năm. Hệ thống y tế, giáo dục được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm. Tổng nguồn vốn huy động từ 2021 -2023 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gần 10.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, với đặc thù là một trong những tỉnh nghèo, đồng bào dân tộc chiếm trên 35%, do đó, việc áp dụng quy định vốn đối ứng theo tỷ lệ 1:1 đang gây khó cho địa phương.

Nhấn mạnh việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho thấy, các Chương trình đã và đang mang lại ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Quốc hội cần đôn đốc, giám sát các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành những văn bản hướng dẫn có liên quan để địa phương triển khai nhanh, hiệu quả hơn các Chương trình, tránh xảy ra sai phạm.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng trao đổi bên lề cuộc làm việc

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng trao đổi bên lề cuộc làm việc

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Tổ trưởng Tổ công tác Tạ Thị Yên lưu ý tỉnh Sóc Trăng quan tâm đến 11 vấn đề. Trong đó, một số nội dung trọng tâm, như: tình cần sớm ban hành các văn bản còn thiếu để chỉ đạo sở, ngành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp; rà soát các công trình dự án thuộc phạm vi đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo nguồn vốn thực hiện các chương trình; tăng cường công tác kiểm tra cấp huyện và cấp xã về sử dụng vốn, huy động vốn trong dân,…

Ghi nhận, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu cũng như khó khăn, vướng mắc của địa phương trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổ trưởng Tổ công tác Tạ Thị Yên nêu rõ, đây là cơ sở để Tổ công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá, báo cáo với Đoàn giám sát trong quá trình đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Cùng với đó, Tổ công tác sẽ kiến nghị, báo cáo Quốc hội phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành có liên quan sớm nghiên cứu, điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho phù hợp, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75682