Sớm có khung pháp lý mới hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu

Với mục tiêu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam. Nghị định sẽ tạo ra một khung pháp lý hoàn chỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình.

Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang là một trong những nông sản thành công khi bán qua sàn TMĐT nhờ xây dựng và làm tốt thương hiệu sản phẩm. Ảnh: TL

Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang là một trong những nông sản thành công khi bán qua sàn TMĐT nhờ xây dựng và làm tốt thương hiệu sản phẩm. Ảnh: TL

Đây là thông tin từ tài liệu Hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến, phát triển thị trường năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng ngày 21-1 tại TPHCM.

Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu của nghị định này là để hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước; Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, đơn vị tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; Hỗ trợ các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đưa đề xuất chính sách tuân thủ Luật pháp, quy định hiện hành của Việt Nam và phù hợp với Luật pháp, cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết của Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng trong WTO.

Ngoài thông tin, phía Bộ NN&PTNT cũng cho biết, trong năm 2025 ngành nông nghiệp đặt ra các mục tiêu như tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định đạt trên 99%; Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt 95,0%; Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát đạt yêu cầu an toàn thực phẩm đạt 99,0%; Xây dựng và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu về chất lượng, an toàn thực phẩm, hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực.

Những mục tiêu nói trên là cơ sở để nông lâm thủy sản xuất trong nước an toàn hơn trước khi đưa ra thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thị trường đưa ra những rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, bên cạnh đề xuất xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam, Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ Logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030”.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỉ đô la, tăng 46,8%19. Trong đó xuất khẩu nông sản chính 32,8 tỉ đô la, tăng 22,4%; chăn nuôi 533,6 triệu đô la, tăng 6,5%; lâm sản chính 17,28 tỉ đô la, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỉ đô la, tăng 12,2%. Có 7 mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỉ đô la Mỹ, tăng 1 sản phẩm so với năm 2023.

Nam Nguyên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/som-co-khung-phap-ly-moi-ho-tro-nong-dan-xay-dung-thuong-hieu/