Sớm đề xuất Chính phủ giao cơ quan chủ quản các dự án đường cao tốc
Ngày 7-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Cao Bằng, Gia Lai về việc giao cơ quan chủ quản đầu tư 5 tuyến đường bộ cao tốc gồm: Bắc Kạn - Cao Bằng, Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 2), Vinh - Thanh Thủy, Quảng Ngãi - Kon Tum, Quy Nhơn - Pleiku.
Đồng chí Nguyễn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh dự tại điểm cầu Thái Nguyên.

Đồng chí Nguyễn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh dự tại điểm cầu Thái Nguyên.
Dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng dài 87,3km, trong đó đoạn qua Thái Nguyên dài 58,75km, qua Cao Bằng 28,55km. Cao tốc có tốc độ thiết kế 80km/h, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng 22m, mặt đường rộng 20,5m. Trên tuyến có 3 hầm, hơn 80 cầu vượt, 9 nút giao liên thông. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 29.890 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Cao Bằng khoảng 11.300 tỷ, đoạn qua tỉnh Thái Nguyên khoảng 18.500 tỷ đồng.
Cao tốc khi hoàn thành sẽ giúp các tỉnh thành trên tuyến kết nối với cửa khẩu quốc tế để giao thương hàng hóa với Trung Quốc. Hiện nay, tuyến đường này đã khai thác đoạn từ Hà Nội đến Thái Nguyên với 4 làn xe; đoạn từ Thái Nguyên đến Chợ Mới 2 làn xe, dự kiến mở rộng 4 làn xe trước năm 2030. Đoạn Chợ Mới đến Bắc Kạn dài 28,8km, 4 làn xe đang được triển khai.
Trước đó, UBND tỉnh Bắc Kạn (cũ) đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất xem xét, giao cho UBND tỉnh Thái Nguyên (mới) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng. Đề xuất trên cơ sở đánh giá việc tỉnh Tái Nguyên (mới) có thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng do tuyến có chiều dài phần lớn trên địa bàn tỉnh (58,75/87,3km).
Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đã cơ bản hoàn thành theo Thông báo kết luận số 333 ngày 18/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Biên bản thống nhất ngày 10/11/2023 giữa UBND tỉnh Bắc Kạn (cũ) và UBND tỉnh Cao Bằng.
Về kinh nghiệm thực hiện các dự án liên vùng, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều dự án liên vùng đi qua địa bàn nhiều tỉnh. Và đặc biệt, quy mô kinh tế của tỉnh Thái Nguyên (mới) sẽ đảm bảo khả năng cân đối ngân sách địa phương bố trí cho dự án hơn trước đây (nhất là công tác giải phóng mặt bằng).
Phát biểu tại Hội nghị, trên cơ sở ý kiến của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và địa phương trực tiếp liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng nghiên cứu, kịp thời có văn bản hướng dẫn các địa phương đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đang triển khai; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thống nhất cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện giao cơ quan chủ quản các dự án đường cao tốc.
Hiện, một số văn bản quy định của pháp luật chưa thống nhất, mâu thuẫn trong quá trình thực thi, vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương khi gặp vướng mắc cần trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ, cần thiết báo cáo, đề xuất Chính phủ nhằm kịp thời có phương án giải quyết.