Sớm giải quyết vướng mắc địa giới hành chính giữa 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum (Kỳ 2: Quảng Nam kiến nghị Bộ Nội vụ giải quyết dứt điểm vướng mắc)

Dựa trên cơ sở thực tiễn và nguyện vọng của bà con nhân dân khu vực chồng lấn về địa giới hành chính (ĐGHC) với hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, ngày 23-5-2024, UBND tỉnh Quảng Nam có Báo cáo số 101 gửi Bộ Nội vụ về việc giải quyết dứt điểm các vướng mắc về ĐGHC.

Dựa trên cơ sở thực tiễn và nguyện vọng của bà con nhân dân khu vực chồng lấn về địa giới hành chính (ĐGHC) với hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, ngày 23-5-2024, UBND tỉnh Quảng Nam có Báo cáo số 101 gửi Bộ Nội vụ về việc giải quyết dứt điểm các vướng mắc về ĐGHC.

Sớm giải quyết vướng mắc địa giới hành chính giữa 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum ( Kỳ 1: Hàng trăm hộ dân Quảng Nam “sống khổ” trên đất Kon Tum)

Do bị chồng lấn địa giới hành chính (ĐGHC), hơn 30 năm qua cuộc sống của 335 hộ dân có hộ khẩu tỉnh Quảng Nam đang sinh sống trên đất 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn.

Tổ chức lấy ý kiến dân

Theo hồ sơ được xác lập theo Chỉ thị 364 thì ngoài 238 hộ, 1.034 khẩu (100% là dân tộc thiểu số) trước đây thuộc xã Trà Vinh thuộc huyện Nam Trà My hiện đang vướng mắc ĐGHC với xã Đăk Nên (Kon Tum), Quảng Nam còn có 97 hộ dân (100% là người dân tộc Kor) của thôn 1 xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My nằm trong khu vực chồng lấn ĐGHC với xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, vấn đề về ĐGHC giữa các địa phương đã nhiều lần được nêu ra, bàn bạc nhưng chưa có “tiếng nói chung”. Mới đây, ngày 8-9-2023, Thường trực Tỉnh ủy và các ngành, địa phương 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã làm việc tìm hướng giải quyết. Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh thống nhất khảo sát lấy ý kiến nhân dân ở khu vực chồng lấn và báo cáo đề xuất Bộ Nội vụ chủ trì giải quyết vướng mắc. Ngày 3-1-2024, Tổ khảo sát của tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Tổ khảo sát và các ngành, địa phương liên quan của tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lấy ý kiến nhân dân khu vực chồng lấn. Theo đó, có 100% các hộ dân thống nhất đề nghị điều chỉnh phần diện tích 786,9 ha đất nằm trong khu vực chồng lấn ĐGHC với xã Trà Thanh về xã Trà Giáp quản lý.

Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Kon Tum cũng đã thành lập Tổ khảo sát liên ngành để tổ chức khảo sát thực địa và lấy ý kiến nhân dân tại khu vực tranh chấp. Tổ khảo sát liên ngành của 2 tỉnh đã triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân, khảo sát thực địa. Kết quả có trên 99% hộ dân xã Trà Vinh đề nghị điều chỉnh ĐGHC phần diện tích nằm trên địa phận xã Đăk Nên theo Chỉ thị 364 về lại xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My.

Tổ khảo sát liên ngành 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum khảo sát thực địa tại khu vực chồng lấn ĐGHC.

Tổ khảo sát liên ngành 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum khảo sát thực địa tại khu vực chồng lấn ĐGHC.

Kiến nghị Bộ Nội vụ vào cuộc giải quyết dứt điểm

Báo cáo số 101 gửi Bộ Nội vụ về việc giải quyết dứt điểm các vướng mắc về ĐGHC, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Nguyên nhân dẫn đến 2 xã thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam đã bị chồng lấn ĐGHC với tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum khi thực hiện lập hồ sơ theo Chỉ thị 364 đó là: Trong quá trình thi công hồ sơ, bản đồ ĐGHC - Xí nghiệp Trắc địa 204 thuộc Tổng Cục địa chính đã đo vẽ bản đồ bằng phương pháp chuyển vẽ nội nghiệp trong phòng và không tiến hành kiểm tra tại thực địa. Bên cạnh đó, thời điểm thực hiện Chỉ thị 364, các phương tiện máy móc đo đạc còn sơ sài, sai số lớn, kết quả đo đạc có độ chính xác không cao. Cùng đó, cán bộ, công chức khu vực miền núi trình độ còn hạn chế, chủ quan trong công tác kiểm tra, giám sát lập hồ sơ, bản đồ. Do đó, sau khi xác lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 thì đường ĐGHC không trùng khớp với thực tế quản lý, canh tác, sinh sống tại địa phương.

Cụ thể, theo hồ sơ, bản đồ ĐGHC 364 thì toàn bộ thôn 3 với 238 hộ, 1.034 khẩu (100% là dân tộc thiểu số) gồm 7 làng trước đây thuộc xã Trà Vinh lại đang sinh sống và canh tác trên địa phận của xã Đăk Nên. Khu dân cư cách xa nhất từ đường ĐGHC theo Chỉ thị 364 là khoảng 8 km và gần nhất từ đường ĐGHC 364 là 4 km. Tổng diện tích khu vực chồng lấn là 6.198,17 ha đất tự nhiên, diện tích thực tế khu vực có dân cư xã Trà Vinh đang sinh sống là 3.001,6 ha. Giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi, tổng diện tích tự nhiên tại khu vực chồng lấn là 789,6 ha. Tại khu vực này, có 97 hộ dân (100% là người dân tộc Kor) của thôn 1 (xã Trà Giáp) sinh sống, canh tác, chôn cất mồ mả ổn định từ bao đời nay, nhưng theo bản đồ 364 thì thuộc lại địa phận của xã Trà Thanh…

Khu vực chồng lấn ĐGHC giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Khu vực chồng lấn ĐGHC giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Từ thực tế quản lý cùng nguyện vọng của bà con Nhân dân khu vực có vướng mắc về ĐGHC, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị lên Bộ Nội vụ điều chỉnh phần diện tích thực tế khu vực có 238 hộ dân xã Trà Vinh sinh sống với diện tích 3.001,63 ha thuộc địa phận của xã Đắk Nên về xã Trà Vinh; điều chỉnh địa giới hành chính diện tích 789,6 ha khu vực 97 hộ của thôn 1 (xã Trà Giáp) đang sinh sống trên địa phận xã Trà Thanh về xã Trà Giáp quản lý. Cũng tại Báo cáo do Phó Chủ tịch tỉnh Hồ Quang Bửu ký này, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm chủ trì giải quyết dứt điểm vướng mắc về ĐGHC giữa tỉnh Quảng Nam với 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi.

Thiết nghĩ, kiến nghị của tỉnh Quảng Nam về vấn đề này là có cơ sở và hợp với nguyện vọng của người dân. Rất mong Bộ Nội vụ vào cuộc xử lý dứt điểm, có như thế, chính quyền địa phương mới có cơ sở pháp lý để đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu vực này; người dân mới ổn định cuộc sống.

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Ngãi lại cho rằng, căn cứ hồ sơ, bản đồ ĐGHC và mốc ĐGHC xác định, 97 hộ của xã Trà Giáp sang sinh sống, canh tác trên địa phận huyện Trà Bồng (Tây Trà cũ). Đây là vấn đề xâm canh, xâm cư giữa các địa phương với nhau. Do đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị giữ nguyên tuyến ĐGHC giữa tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam theo Chỉ thị số 364 và không đặt vấn đề về điều chỉnh tuyến ĐGHC này. Hiện tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai, thực hiện dự án tuyến đường kết nối từ Thôn Cát (xã Trà Thanh) đến khu vực xâm canh, xâm cư của người dân thôn 1 (xã Trà Giáp) dài 7km, thực hiện từ năm 2023 - 2025. Tuyến đường hoàn thành, người dân khu vực này về xã Trà Thanh sẽ thuận lợi hơn nhiều so với về xã Trà Giáp. Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị tỉnh Quảng Nam chuyển 97 hộ dân của thôn 1 (xã Trà Giáp) hiện đang cư trú trên địa phận xã Trà Thanh về xã Trà Thanh quản lý, cam kết đảm bảo thực hiện tốt tất cả các chính sách cho người dân.

Lê Vương

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/som-giai-quyet-vuong-mac-dia-gioi-hanh-chinh-giua-3-tinh-quang-nam-quang-ngai-va-kon-tum-ky-2-quang-nam-kien-nghi-bo-noi-vu-giai-quyet-dut-diem-vuong-mac-post295808.html