Sớm gỡ vướng về địa giới hành chính giữa Quảng Nam với Quảng Ngãi, Kon Tum

Trước việc địa giới hành chính (ĐGHC) giữa Quảng Nam với 2 tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum có nhiều vướng mắc, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Nội vụ, đề nghị hỗ trợ và đưa ra giải pháp để gỡ vướng.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị tỉnh Quảng Nam chuyển 97 hộ dân của của thôn 1, xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My hiện đang cư trú trên địa phận xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng về xã Trà Thanh quản lý.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum tồn tại vướng mắc về ĐGHC giữa xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và xã Đắk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum).

Khu vực thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đang có vướng mắc về địa giới hành chính với xã Đắk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum).

Khu vực thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đang có vướng mắc về địa giới hành chính với xã Đắk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum).

Trà Vinh có 472 hộ, 1.998 nhân khẩu sinh sống ổn định từ bao đời nay trên địa bàn của 3 thôn (xã Trà Vinh trước đây có 4 thôn, sau khi thực hiện chủ trương sắp xếp thôn thì còn lại 3 thôn). Sau khi xác lập hồ sơ, bản đồ ĐGHC theo Chỉ thị 364 thì có vướng mắc về ĐGHC, đường ĐGHC theo Chỉ thị 364 không trùng khớp với thực tế quản lý, canh tác, sinh sống tại địa phương. Theo hồ sơ, bản đồ ĐGHC 364, toàn bộ thôn 3 với 238 hộ, 1.034 khẩu (100% là dân tộc thiểu số) gồm 7 làng đang sinh sống và canh tác trên địa phận của xã Đắk Nên, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Khu dân cư cách xa nhất từ đường ĐGHC theo Chỉ thị 364 là khoảng 8km và gần nhất từ đường ĐGHC 364 là 4km. Tổng diện tích khu vực chồng lấn hơn 6.198ha đất tự nhiên, với chiều dài toàn tuyến vướng mắc trên 10km; diện tích thực tế khu vực có dân cư xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My sinh sống được khoanh vẽ là hơn 3.000ha.

Còn ĐGHC giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi hiện tồn tại vướng mắc về ĐGHC giữa xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam và xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Tổng diện tích tự nhiên tại khu vực vướng mắc là 789,6ha. Tại khu vực này có 97 hộ dân (100% là người dân tộc Kor) của thôn 1, xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My sinh sống, canh tác, chôn cất mồ mả ổn định từ bao đời nay; nhưng hồ sơ ĐGHC theo Bản đồ 364 thì thuộc địa phận của xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Trong những năm qua, khu vực này đã được tỉnh Quảng Nam đầu tư điện lưới quốc gia, 1 trường tiểu học, 1 trường mẫu giáo được xây dựng kiên cố; 1 nhà sinh hoạt cộng đồng; 2 công trình nước tự chảy; giao thông đi lại giữa các tổ trong thôn là đường mòn.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc giải quyết vướng mắc về ĐGHC là vấn đề khó. Tỉnh Quảng Nam đã chủ động tổ chức các đoàn công tác làm việc với tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các địa phương...

Mới đây, ngày 23/5, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ, trong đó, đối với tuyến ĐGHC giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum, kiến nghị điều chỉnh phần diện tích thực tế khu vực có dân cư xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) sinh sống với diện tích hơn 3.000ha thuộc địa phận của xã Đắk Nên, huyện Kon Plong (Kon Tum) về xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My. Đối với tuyến ĐGHC giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam đề nghị điều chỉnh ĐGHC phần diện tích tự nhiên (diện tích điều tra khoanh vẽ là 789,6ha) khu vực 97 hộ của thôn 1, xã Trà Giáp đang sinh sống trên địa phận xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi về xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam quản lý.

Một diễn biến mới có liên quan, ngày 28/5, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hồ sơ, bản đồ ĐGHC và mốc ĐGHC các cấp có liên quan giữa tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam đã được UBND các xã, các huyện có liên quan của 2 tỉnh và UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký xác nhận tính pháp lý vào hồ sơ, bản đồ ĐGHC và mốc ĐGHC. Hồ sơ, bản đồ ĐGHC các cấp của tỉnh Quảng Ngãi đã được nghiệm thu ngày 18/11/1995, được công nhận đưa vào lưu trữ, quản lý, khai thác sử dụng từ năm 1996.

Ngày 4/12/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 1792/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác khảo sát khu vực giáp ranh giữa xã Trà Thanh, xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi và xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam và tổ chức lấy ý kiến cử tri. Qua khảo sát, hiện có 97 hộ xâm canh, xâm cư trên diện tích khoảng 789,6ha. Để đảm bảo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, cơ quan chức năng đã tổ chức thực hiện lấy ý kiến cử tri của xã Trà Thanh và xã Sơn Trà về tuyến địa giới này; kết quả 100% hộ gia đình của xã Trà Thanh và 100% hộ gia đình của xã Sơn Trà thống nhất giữ nguyên đường địa giới theo đúng Chỉ thị 364 và chuyển 97 hộ dân của của thôn 1, xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My hiện đang cư trú trên địa phận xã Trà Thanh về xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng quản lý.

Ngày 10/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có Thông báo Kết luận số 1237-TB/TU, theo đó kết luận giữ nguyên tuyến ĐGHC giữa tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam tại khu vực giáp ranh giữa xã Trà Thanh và xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng với xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My theo Chỉ thị số 364-CT ngày 6/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi thông tin thêm, hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai, thực hiện dự án tuyến đường kết nối từ thôn Cát, xã Trà Thanh đến khu vực xâm canh, xâm cư của người dân thôn 1, xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Chiều dài tuyến khoảng 7km, thời gian thực hiện từ năm 2023-2025. Sau khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường giao thông, việc đi lại của người dân khu vực này về xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng sẽ thuận lợi hơn nhiều so với xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My. Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị tỉnh Quảng Nam chuyển 97 hộ dân của của thôn 1, xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My hiện đang cư trú trên địa phận xã Trà Thanh về xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng quản lý.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/som-go-vuong-ve-dia-gioi-hanh-chinh-giua-quang-nam-voi-quang-ngai-kon-tum-i732748/