Sớm hoàn thiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
Sáng 10.4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng đại diện một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên về thực hiện chính sách, pháp luật đối với nhà giáo. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc.
Tỉnh Điện Biên hiện có 12 đơn vị có tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó 3 trường cao đẳng; 9 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện.
Giai đoạn 2016 - 2022, số lượng nhà giáo GDNN của Điện Biên tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ do sắp xếp, tổ chức lại và sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các Trung tâm GDNN-GDTX để thực hiện giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII. Hiện tổng số nhà giáo GDNN trên địa bàn tỉnh là 233 người, trong đó trình độ trên đại học là 120 người, đại học 104 người.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Điện Biên Vũ Văn Đức, những năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN đã được nâng cao về chất lượng; năng lực quản lý về giáo dục nghề nghiệp (cấp tỉnh, huyện, cơ sở đào tạo) từng bước được nâng lên, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN được tăng cường, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN góp phần khẳng định vai trò của GDNN trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cơ chế, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN từng bước được điều chỉnh, bổ sung và thực hiện kịp thời, đúng quy định, góp phần hỗ trợ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý yên tâm, tận tâm với nghề và cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo đất nước.
Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN chưa tương xứng, chưa thu hút được nhân tài, người có kỹ năng quản lý và kinh nghiệm vào làm việc trong lĩnh vực GDNN; chưa thu hút đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao như nghệ nhân, chuyên gia, người đào tạo là người của doanh nghiệp… tham gia đào tạo các cấp trình độ GDNN.
Chưa có chính sách đặc thù đối với nhà giáo, cán bộ quản lý làm việc tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt, như trường cao đẳng có tỷ lệ học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số cao. Chưa có chính sách động viên, khen thưởng, vinh danh đối với cán bộ quản lý GDNN; chưa có cơ quan chuyên trách đào tạo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý về lĩnh vực GDNN.
Để tạo nguồn đội ngũ nhà giáo GDNN chất lượng cao, ông Vũ Văn Đức cho rằng, cần quy định chính sách hỗ trợ đào tạo người có nguyện vọng trở thành nhà giáo, thu hút người giỏi tham gia đào tạo để trở thành nhà giáo. Theo đó, cần miễn, giảm học phí toàn bộ quá trình đào tạo; trợ cấp sinh hoạt phí trong quá trình đào tạo; có chính sách riêng đối với trường hợp học sinh tốt nghiệp THPT xuất sắc, sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi; nhà giáo vừa được đào tạo tại cơ sở đào tạo, vừa được thực hành nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể nhằm hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo GDNN, nhất là nhà giáo GDNN thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực đặc thù, công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; nhà giáo tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật, người dạy nghề tại doanh nghiệp…
Ngoài ra, cần có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để thu hút nghệ nhân, chuyên gia, nhà khoa học, người lao động giỏi, người dạy nghề, người đào tạo tại doanh nghiệp, cán bộ quản lý trong và ngoài nước vào làm việc tại cơ sở GDNN.
Trao đổi với Đoàn khảo sát, đại diện các cơ sở GDNN của tỉnh Điện Biên phản ánh những khó khăn của GDNN nói chung, nhà giáo GDNN nói riêng. Trong đó, do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự thay đổi của nhu cầu xã hội và cả các quy đinh pháp luật mới, các cơ sở GDNN gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhiều ngành nghề đào tạo bị xóa sổ. Giáo viên phải đào tạo chuyển đổi để có thể đáp ứng yêu cầu công việc. Tình trạng giảng viên trình độ thạc sĩ phải đi học trung cấp hoặc cao đẳng nghề để đủ điều kiện dạy nghề mới không còn là hiếm…
Đoàn khảo sát ghi nhận những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm tại cuộc làm việc. Đây sẽ là những thông tin hữu ích cho Đoàn cũng như các đại biểu Quốc hội trong quá trình góp ý xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà giáo nói chung, GDNN và nhà giáo GDNN nói riêng.
Cũng trong sáng 10.4, một tổ công tác của Đoàn khảo sát đã thăm và làm việc với Trường Mầm non 7/5 TP. Điện Biên Phủ và nhóm trẻ Việt Mỹ, nhằm tìm hiểu về thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ mầm non 3 - 5 tuổi.