Sớm khắc phục kè chống xói lở 3 lần sạt, trượt ở Đồng Tháp
Dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực Chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp có tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Sau 3 năm hoàn thiện, kè xảy ra 3 lần sạt, trượt gây lo lắng cho người dân trong khu vực.
Dù đã sạt và trượt nhiều lần, nhưng đến nay, Đồng Tháp vẫn loay hoay tìm giải pháp khắc phục sự cố kè chống xói lở bờ sông Tiền.
Nơm nớp nỗi lo sạt lở
Giữa tháng 4 này là lần thứ 3 phóng viên Báo Nhân Dân trở lại khu vực sạt lở kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực Chợ Bình Thành. Mỗi khi đến đây, chúng tôi cảm nhận được trên nét mặt các hộ dân đều tỏ rõ sự lo lắng. Không lo sao được khi bờ kè dù đã 2 lần khắc phục mà lại tiếp tục sạt lở. Mối nguy hiểm của lần sạt lở này hiện rõ hơn bao giờ hết. Ở nhiều đoạn kè xuất hiện những vết nứt gãy. Có đoạn dài hơn 40 m bị sụt lún nghiêm trọng, mỗi khi mưa, cát ở đoạn này tiếp tục lún, rất mất an toàn trong việc đi lại.
Liền kề khu vực kè sạt lở là hàng chục nhà dân, hầu hết đều là nhà tường. Có nhà được cất kiên cố hàng chục năm nay, có nhà chỉ mới cất chưa tới 4 năm. “Thấy tỉnh quan tâm xây bờ kè giúp dân nên ở xóm ai cũng mừng. Khi kè xây xong, có đường đi thuận lợi, đẹp nên bà con tranh thủ xây nhà mới. Nào ngờ kè đưa vào hoạt động chưa bao lâu thì đã bị sụt lún. Nhà tôi làm được hơn 3 năm nay với chi phí gần 800 triệu. Mỗi đêm nằm ngủ mà không yên giấc, vì thấy kè sụt lún cạnh nhà mình, nguy hiểm rình rập, vừa lo an toàn tính mạng, vừa sợ ngôi nhà bị hư hại do sạt lở kè gây nên”, anh Lê Quốc Tuấn (sinh năm 1993) nói trong lo lắng.
Sạt lở kè không chỉ khiến người dân ngay khu vực sự cố ăn không ngon, ngủ không yên, mà những hộ dân có nhà gần đó cũng nơm nớp lo sạt lở khi hiện tượng sạt lở kè đang tiếp tục lan rộng ra. Nhiều đoạn kè gần khu vực sạt, trượt cũng bị nứt, tạo nên những “hàm ếch” bên dưới các lớp bê-tông vốn là đường đi lại của người dân. Chị Trần Thị Bảy (sinh năm 1967) cho biết: “Nhà tôi cách xa chỗ đang lở khoảng 70 m mà có an tâm được đâu, vì mấy nay kè trước nhà thấy bị nứt. Ngoài ra, thấy kè sửa đi sửa lại mấy lần mà vẫn tiếp tục bị sạt, nên sợ không bao lâu sẽ đến nhà mình”.
Chúng tôi tìm đến bờ kè đúng vào lúc nhiều học sinh tan trường, đi ngang qua khu vực sụt lún để về nhà. Trên đường đi, nhiều lần các em phải xuống xe, dắt bộ. Người dân nơi đây cho biết, đã không biết bao lần chứng kiến các xe đạp chạy ngang qua bị ngã té cạnh kề các cây sắt nhọn đang chĩa thẳng lên. Ngoài ra, nhiều trẻ em ở khu vực này và học sinh nơi khác thường đến vui đùa nên có nguy cơ đuối nước bất cứ lúc nào do nhiều ngày qua, phần kè bị sạt không được căng dây cảnh báo.
Loay hoay khắc phục
Dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư với tổng chiều dài 850 m; thời gian thực hiện từ năm 2016-2020, tổng mức đầu tư được duyệt là 90,061 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ đầu tư dự án; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là đại diện chủ đầu tư thực hiện quản lý, giám sát dự án. Đơn vị khảo sát địa hình, địa chất, thiết kế thi công là Liên danh Viện Kỹ thuật biển và Viện Khoa học thủy lợi miền nam. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần Nhân Bình. Đơn vị Kiểm định độc lập là Công ty TNHH tư vấn Trường Đại học Thủy lợi - Chi nhánh miền nam.
Dự án có 2 gói thầu xây lắp là gói thầu số 6 và số 7. Đối với gói thầu số 6, xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở, thực hiện thi công ở chân kè từ cao trình +0,5m trở xuống lòng sông (khởi công ngày 1/9/2016, hoàn thành ngày 29/12/2017, đã xóa bảo hành ngày 18/2/2022). Gói thầu này được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Gói thầu số 7: Kè bê-tông cốt thép bảo vệ bờ, thực hiện thi công phần trên bờ từ cao trình +0,5m trở lên trên bờ (khởi công ngày 25/9/2017, hoàn thành ngày 31/12/2020, chưa xóa bảo hành), áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi.
Công trình trên đã được Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thanh tra và Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành IV đã kiểm toán vào năm 2018. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, dự án xảy ra 3 lần sạt, trượt công trình. Sự cố sạt kè đầu tiên vào ngày 9/5/2019. Theo đó, tại gói thầu số 7 xảy ra sạt lở chiều dài 40 m, sâu vào bờ 9 m.
“Sau khi sự cố công trình xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp giao tổ điều tra sự cố kiểm định kết quả thực hiện”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cho biết.
Theo báo cáo của tổ điều tra sự cố do Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Lê Phương Loan ký, bên cạnh những nguyên nhân do yếu tố khách quan, còn tồn tại những sai sót do lỗi chủ quan của thiết kế, thi công và đơn vị giám sát cần phải rà soát khắc phục các khiếm khuyết. Chủ đầu tư đã yêu cầu Công ty cổ phần Nhân Bình khẩn trương khắc phục sửa chữa các tồn đọng trước khi xóa bảo hành và đã cơ bản hoàn thành trong tháng 5/2020.
Chưa tròn 1 năm kể từ khi khắc phục sự cố sạt kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực Chợ Bình Thành thì vào ngày 4/4/2021, khu vực này tiếp tục bị sạt trượt chân kè. Theo đó, tại gói thầu số 6, một phần thảm đá, vải địa và bao tải cát tiếp giáp dầm khóa chân kè đã bị trượt ra lòng sông, cách dầm khóa chân kè khoảng 40 m.
Ngay khi xảy ra sự việc, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công, đơn vị lặn cùng có mặt tại hiện trường để có giải pháp xử lý. Trước sự cố trên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn giao chủ đầu tư thuê tư vấn độc lập kiểm định, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, đồng thời chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan có giải pháp trước mắt ổn định khu vực bị sạt trượt, bảo đảm không ảnh hưởng đến khu vực chung quanh và hạng mục công trình phía trên.
Theo kết quả đánh giá của Đơn vị kiểm định độc lập (Công ty TNHH Tư vấn Trường Đại học Thủy lợi - Chi nhánh miền nam), nguyên nhân sự cố là do địa tầng nền đất yếu có bề dày lớn và sức chịu tải nhỏ…
Sự cố gần đây nhất, đó là qua kiểm tra xóa bảo hành gói thầu số 7 ngày 21/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện tại vị trí sạt trượt có dấu hiện răn nứt, lún nghiêng đỉnh kè, nên ngày 1/4 vừa qua, có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục như: tháo dỡ giảm tải đỉnh kè, gia cường chân mái…
Mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất cần phải xử lý ổn định phần chân kè trước khi xây dựng phần lan can, vỉa hè thuộc phần đỉnh kè; đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc cụ thể với tư vấn thiết kế là Viện Kỹ thuật biển, tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành có kinh nghiệm thống nhất phương án xử lý để có văn bản chính thức đề xuất các phương án xử lý trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến, thời hạn hoàn thành trong 7 ngày làm việc.
Dù tỉnh Đồng Tháp đã nhiều lần tổ chức họp, tìm giải pháp khắc phục sự cố sạt, trượt, thế nhưng kè chống xói lở trên vẫn tiếp tục xảy ra sự cố, và lần sau nghiêm trọng hơn. Do đó, tỉnh không thể cứ loay hoay trong việc khắc phục sự cố trên. Bên cạnh đó, cần sớm làm rõ những sai phạm, thiếu sót của các đơn vị liên quan trong việc để xảy ra sự cố cả 2 gói thầu của dự án.