Sớm vào cuộc để vỉa hè thông thoáng

Thời gian qua, nhiều thành phố trong cả nước ráo riết thực hiện các chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ nhằm lập lại mỹ quan, trật tự và bảo đảm an toàn cho người đi bộ. Tại Quảng Trị, vấn đề này chưa được quan tâm thực hiện, nhất là ở TP. Đông Hà. Vì vậy, cần sớm có các giải pháp phù hợp để góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Vấn đề quan trọng nhất đối với vỉa hè lâu nay luôn là vấn đề nhạy cảm vì liên quan đến an sinh xã hội, sinh kế của nhiều người dân. Vỉa hè là nơi “góp phần nuôi sống” phần lớn những người có thu nhập thấp, thất nghiệp, không có ngành nghề cụ thể và những lao động phổ thông.

Tuy nhiên, không thể vì thế mà để việc mua bán, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường xảy ra tràn lan gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và có nơi còn gây ô nhiễm môi trường. Tại nhiều đường phố ở Đông Hà như Ngô Quyền, Hàm Nghi, Đặng Dung, Nguyễn Trãi…, người dân làm hàng quán bán tạp hóa, họp chợ tạm ngay trên vỉa hè, dẫn đến không có lối dành riêng cho người đi bộ, gây mất an toàn giao thông.

Đường Hàm Nghi là tuyến phố có mật độ giao thông đông đúc nên các hộ dân sinh sống ở mặt tiền mở hàng quán kinh doanh, đặt bảng quảng cáo, mái che… lấn chiếm luôn lòng đường, vỉa hè. Các hàng quán di động vỉa hè cũng mọc lên, kéo theo tình trạng khách dừng, đỗ xe máy, ô tô không đúng quy định để mua hàng gây ách tắc giao thông.

Thêm vào đó, thói quen “tiện thể” của người dân như ngồi trên xe hay tạt vào lề đường mua hàng hóa… càng khiến trật tự giao thông thêm lộn xộn, vỉa hè không được sử dụng đúng mục đích. Tại con đường này, thi thoảng lực lượng trật tự có mặt hướng dẫn người dân kinh doanh dọn dẹp lại vỉa hè gọn gàng. Nhưng khi lực lượng trật tự đi khỏi thì đâu lại vào đấy, mọi người lại tràn ra lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Tình trạng đó khiến nhiều người muốn đi bộ phải di chuyển xuống lề đường.

Công năng của vỉa hè phải xác định là dành cho người đi bộ, là không gian di chuyển, chuyển tiếp giữa đường giao thông và các công trình nhà ở, công trình công cộng. Thế nhưng, ngoài sự lấn chiếm của các hộ kinh doanh, nhiều người dân đang dùng vỉa hè để làm nơi đậu, đỗ xe. Trong những năm qua, số lượng xe ô tô trên địa bàn tỉnh tăng nhanh dẫn đến nhu cầu đậu, đỗ xe càng cấp thiết, trong khi không có không gian dành riêng hay bãi đỗ xe công cộng thì việc đậu, đỗ ở lòng đường hoặc lấn chiếm vỉa hè sẽ tất yếu xảy ra.

Để nhanh chóng thiết lập lại trật tự vỉa hè, xây dựng hình ảnh thành phố văn minh, các ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ. Cần phân định rạch ròi ranh giới của vỉa hè, cấm kinh doanh xâm chiếm vỉa hè; quy định nơi nào được đỗ xe máy, nơi nào dành cho người đi bộ. Các tuyến phố cần quy định đỗ xe theo đúng vị trí, khu vực, không được tùy tiện, không được đỗ xe trên vỉa hè với bất cứ lý do gì.

Cần có chế tài xử phạt nghiêm minh với những trường hợp vi phạm. Với sự hỗ trợ của công nghệ thì việc xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè và dừng, đỗ ô tô, xe máy sai quy định là không khó. Một vấn đề nữa rất cấp bách là chính quyền các đô thị cần quy hoạch, xây dựng các bãi đỗ xe công cộng, có thu phí. Một số tuyến đường chật hẹp có thể cho phép ô tô vào theo giờ quy định trong ngày hoặc cấm ô tô…

Sẽ có nhiều ý kiến được đưa ra như không cho đỗ xe máy trên vỉa hè thì để xe ở đâu? Thực tế, khi có chế tài quy định chặt chẽ như các tỉnh, thành khác đang làm, khi không còn sự “tiện thể” thì người tham gia giao thông cũng như các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức sẽ có giải pháp để xử lý vấn đề của riêng họ. Chính quyền cũng có nhiều động lực hơn để sắp xếp tổ chức hợp lý những nơi ô tô, xe máy được dừng đỗ và quan trọng nhất là lấy lại được không gian vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ.

Việc các thành phố như Huế, Đà Nẵng, Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thời gian qua kiên quyết lập lại trật tự vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ là bài học cho chúng ta suy ngẫm. TP. Đông Hà đang phấn đấu trở thành đô thị loại II trong thời gian sớm nhất thì vấn đề ổn định trật tự nơi công cộng, nhất là văn minh, văn hóa vỉa hè cần quan tâm hàng đầu.

Trước hết, người đứng đầu chính quyền cần phải có trách nhiệm cụ thể hơn; các tổ chức, đoàn thể phối hợp để vận động người dân ở các khu phố, tuyến phố tự giác ký cam kết không sử dụng vỉa hè sai mục đích, giữ trật tự an toàn giao thông, đô thị và công cộng.

Có làm được như vậy, vỉa hè mới thông thoáng để trở thành nơi đúng nghĩa là dành cho người đi bộ. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay từ sớm với các giải pháp khoa học, phù hợp, đồng bộ để góp phần nâng cao ý thức người dân. Mỗi người dân cũng cần phát huy hơn nữa ý thức tự giác trong việc tôn trọng các không gian công cộng, hình thành văn hóa giao thông và văn minh đô thị.

Tuệ Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/som-vao-cuoc-de-via-he-thong-thoang/177363.htm