Sớm xử lý điểm sạt lở, sụt lún ở Pá Mỳ

ĐBP - Từ cuối tháng 5/2022, trên địa bàn bản Pá Mỳ 1, xã Pá Mỳ (huyện Mường Nhé) xuất hiện một vết nứt lớn với chiều dài khoảng 330m, bề rộng vết nứt ban đầu 10cm - 20cm nhưng tiếp tục nứt rộng hơn, đe dọa cuộc sống của hàng trăm học sinh, người dân và cán bộ y tế xã Pá Mỳ. Chính quyền xã Pá Mỳ đã kiểm tra, báo cáo cơ quan chức năng huyện Mường Nhé; đồng thời triển khai phương án ban đầu đảm bảo an toàn cho học sinh, người dân sinh sống ngay cạnh khu vực vết nứt. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân và học sinh, cần sớm có biện pháp, phương án xử lý dứt điểm.

Bên dưới vết nứt là 19 hộ dân sinh sống, Trạm Y tế xã Pá Mỳ và Trường PTDT bán trú tiểu học Pá Mỳ.

Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND huyện Mường Nhé và đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực địa vết nứt tại bản bản Pá Mỳ 1. Theo đó, từ đầu mùa mưa, trên địa bàn xã Pá Mỳ có mưa lớn kéo dài nhiều ngày, tại tuyến đường Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ (Km17+127.69 - Km17+168.27) trên mái ta luy dương xuất hiện vết nứt lớn với chiều dài khoảng 330m, gồm các đoạn đứt quãng 50m, 80m và 200m, bề rộng vết nứt từ 10 - 20cm và đang phát triển dần, có khả năng cao hình thành cung trượt với diện tích khoảng 1,7ha.

Vết nứt cao hơn so với mặt đường khoảng 82m đối với cao độ mặt đường tuyến Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ. Khoảng cách từ vị trí vết nứt đến tim đường lần lượt là 48m (vị trí thứ nhất), 200m (vị trí thứ hai), 190m (vị trí thứ ba) tính tại vị trí giữa của đoạn bị nứt. Mặt khác đoạn tuyến từ Km0+400 thuộc dự án đường vào bản Pá Mỳ 3 (nhóm I, xã Pá Mỳ) đã bị sạt lở phía mái ta luy dương, rãnh dọc bê tông bị đẩy đứt gẫy với chiều dài khoảng 30m.

Hiện nay, bên dưới vết nứt có Trường PTDT bán trú tiểu học Pá Mỳ với 326 học sinh và 27 cán bộ quản lý và giáo viên; Trạm y tế xã Pá Mỳ với 10 cán bộ công nhân viên và 19 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sinh sống. Thông tin từ chính quyền xã Pá Mỳ cho biết, hiện sau mỗi trận mưa, vết nứt và tình trạng sụt lún ngày càng lớn, có đoạn vết nứt đã rộng đến 70cm và sâu hơn 2m.

Trước tình trạng trên, nhiều hộ dân sống ngay cạnh khu vực này rất lo lắng và mong chính quyền các cấp sớm có biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn. Ông Chu Văn Long, người dân bản Pá Mỳ 1, xã Pá Mỳ cho biết: Gia đình tôi sinh sống và bán hàng tạp hóa ở khu vực này từ rất lâu. Tuy nhiên, từ khi phát hiện có vết nứt, tôi chỉ dám bán hàng ban ngày, còn ban đêm phải đi ngủ nơi khác. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục để người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Cơ quan chuyên môn và đoàn công tác liên ngành tỉnh nhận định, với thực trạng trên tại vị trí chân ta luy nền đường Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ đang thi công đã bị sạt lở đất, đá có nguy cơ rất cao gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng công cộng, trường học và nhà ở của người dân. Trong khi đó, khu vực vết nứt có độ dốc lớn, lớp phủ thực vật không có, địa chất rời rạc, bở rời dẫn đến sạt lở, lún. Hiện trạng sụt lún, sạt lở xảy ra ở các điểm tiếp tục có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của các hộ dân sinh sống, điểm trường, trạm y tế khu vực phía dưới, đặc biệt trong thời gian tới khi chịu nhiều ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài.

Theo ông Trần Mỹ Nam, Chủ tịch UBND xã Pá Mỳ, biện pháp trước mắt là xã đã tuyên truyền, vận động người dân di dời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản của các hộ dân tại khu vực bị ảnh hưởng. Yêu cầu người dân khẩn trương di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm đến ở, sinh hoạt tại nhà của người thân trong khu vực an toàn; trường hợp không có nhà của người thân, xã sẽ sắp xếp, di chuyển người dân đến ở, sinh hoạt tại Trường PTDT bán trú THCS Pá Mỳ (do học sinh đang trong thời gian nghỉ hè). Cắt cử, huy động lực lượng tham gia vận chuyển, bảo vệ tài sản của người dân đến nơi ở tạm đảm bảo an toàn.

Đến nay, trong tổng số 19 hộ dân thì có 6 hộ là giáo viên đã nghỉ hè về quê, 5 hộ có nhà người thân ở khu vực an toàn, còn 8 hộ dân không có người thân ở khu vực an toàn đã được bố trí ở tại Trường PTDT bán trú THCS Pá Mỳ. Đồng thời, xã tổ chức cắm biển cảnh báo, cấm người dân vào khu vực sụt lún, sạt lở; cử người thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình biến động của vết nứt, nhất là sau mỗi trận mưa. Cùng với đó, xã phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư dự án đường Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ) thực hiện thanh thải đất đổ thải tại khe tụ thủy và khu vực ta luy âm nơi người dân sinh sống; tiến hành khảo sát, lập phương án lắp đặt cống, mương dẫn dòng đảm bảo không ảnh hưởng đến các hộ gia đình và hạ tầng các công trình.

Tuy nhiên những biện pháp trên chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt. Về lâu dài, đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị với UBND tỉnh bố trí kinh phí và giao UBND huyện Mường Nhé làm chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng khu vực xảy ra hiện tượng sụt lún, sạt lở đất làm cơ sở cho việc xem xét xây dựng sắp xếp ổn định dân cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng. Nếu phải thực hiện di dời các hộ đang sinh sống trong khu vực sạt lở đi nơi khác, đề nghị UBND tỉnh bổ sung danh mục dự án, mức vốn vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Với thực trạng trên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần sớm có phương án khắc phục, xử lý dứt điểm, đảm bảo an toàn cho người dân, học sinh. Bởi hiện nay đang mùa mưa, sau mỗi trận mưa, vết nứt lại rộng hơn, sâu hơn, tiềm ẩn nguy cơ cao sạt lở đất đá.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/197839/som-xu-ly-diem-sat-lo-sut-lun-o-pa-my