Sớm xử lý những bất cập trên quốc lộ 5
Khởi công xây dựng 16 công trình giao thông trọng điểm trong tháng 2-2020
(HNM) - Quốc lộ 5 đoạn chạy qua địa phận Hà Nội hiện đang tồn tại những bất cập với nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và mất an toàn giao thông. Khắc phục tình trạng này, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đang khẩn trương xử lý các bất cập, cải tạo hạ tầng giao thông, đồng thời nghiên cứu tổ chức lại giao thông trên toàn tuyến bảo đảm khoa học, phù hợp và an toàn.
Một ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, anh Nguyễn Thanh Tùng (trú tại tòa K1, Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên) khi tham gia giao thông bằng xe máy trên tuyến quốc lộ 5 đến đoạn rẽ vào Nhà máy Sữa Hà Nội và Cụm công nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm) chỉ thiếu chút nữa là va chạm với ô tô đi cùng chiều. “Đường đông, lưu lượng phương tiện lớn, trong đó có rất nhiều ô tô tải, xe container đi từ quốc lộ 5 rẽ vào, rất may mà tôi tránh kịp. Mấy năm nay, điểm giao cắt này rất hay xảy ra tai nạn giao thông”, anh Tùng chia sẻ.
Quốc lộ 5 đoạn thuộc địa phận Hà Nội do thành phố quản lý dài hơn 11km. Điểm đầu tuyến là Km0+00 tại nút giao trung tâm quận Long Biên, điểm cuối tuyến là Km11+135 giáp địa phận tỉnh Hưng Yên, gồm 3 tuyến đường nối tiếp nhau là đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên), đường Nguyễn Đức Thuận và đường Nguyễn Bình (huyện Gia Lâm). Tuyến đường đã được cải tạo, sửa chữa từ lâu, hiện nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng. Qua khảo sát, phía bên phải tuyến hướng từ Hà Nội đi Hải Phòng có 16 điểm giao cắt với đường sắt. Trong đó, các điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông như tại Km1+200 (lối rẽ vào đền Mai Phúc); Km1+550 (đường vào Trung đoàn 918); tại Km3+566 và Km3+582 (đều là lối mở tự phát ngang qua đường sắt).
Phía trái tuyến hướng từ Hải Phòng đi Hà Nội có những vị trí giao cắt nguy cơ mất an toàn giao thông như: Km9+300 (rẽ vào Nhà máy Sữa Hà Nội); Km2+550 (lối vào đường Chu Huy Mân); Km1+850 (ngõ 157 Nguyễn Văn Linh)…
Trao đổi thêm về thực trạng nêu trên, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Trình cho biết, một trong những khó khăn đối với địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là các lối đi tự mở và các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ; một số nút giao cắt đèn tín hiệu chưa được kết nối tín hiệu đường bộ với đường sắt như nút giao Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Đức Thuận - Ngô Xuân Quảng…
Theo ông Hoàng Văn Hùng, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội), năm 2019, ban đã phối hợp với chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng sửa chữa các vị trí mặt đường hư hỏng; duy tu, sơn kẻ lại các vạch sơn bị mờ; bổ sung, lắp đặt tôn lượn sóng tại các vị trí mất an toàn trên đường Nguyễn Văn Linh; sơn kẻ, tổ chức giao thông tại các nút giao Vũ Xuân Thiều - Nguyễn Văn Linh, Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng… Nhờ đó đã góp phần hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Ban cũng đã tổ chức đấu thầu và đang trình Sở Giao thông - Vận tải phê duyệt kết quả để sớm khởi công dự án cải tạo, sửa chữa đường Nguyễn Đức Thuận.
Tuy nhiên, về lâu dài, bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, các ngành chức năng, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông trên quốc lộ 5. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Trình thông tin, UBND quận vừa đề nghị Công ty Đường sắt Hà Hải bố trí lực lượng trực cảnh giới tại các lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông... Về phía UBND quận sẽ quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông đường sắt, kiên quyết không để phát sinh các đường ngang mở trái phép. Cùng với đó là bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ với đường sắt do địa phương quản lý...
Đặc biệt, đối với các điểm dừng chờ bất hợp lý, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đã kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị điều chỉnh sang vị trí khác phù hợp hơn; báo cáo UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án kết nối tín hiệu đường bộ với tín hiệu đường sắt trên địa bàn thành phố. Đối với các lối mở tự phát ngang qua đường sắt, đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với chính quyền địa phương để đóng lại…
Cũng để bảo đảm an toàn giao thông trên toàn tuyến, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức phân luồng giao thông cho các xe container hoạt động tránh các khung giờ cao điểm; lên phương án tách dòng các phương tiện để bảo đảm an toàn cho xe máy, xe thô sơ lưu thông…