Sơn chống nóng tường có hiệu quả?
Sơn chống nóng tường có hiệu quả không là câu hỏi của nhiều người khi tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt cho ngôi nhà, đặc biệt xây dựng khu vực thời tiết nắng nóng.
Cơ chế hoạt động của sơn chống nóng tường
Về bản chất khoa học, sơn chống nóng hoạt động dựa trên 2 nguyên lý chính là phản xạ nhiệt và độ phát xạ nhiệt thấp.
Trong đó, với nguyên lý phản xạ nhiệt, thành phần cấu tạo của sơn chống nóng gồm lớp sơn nước, lớp tạo màu, và lớp keo, được chế tạo màng liên kết với phụ gia phản quang có cấu trúc tinh thể ngăn cản truyền nhiệt và phản xạ tia hồng ngoại - thành phần chính mang theo nhiệt từ mặt trời. Bằng cách phản xạ nhiệt trở lại, bức tường hấp thụ ít nhiệt hơn, giúp giảm nhiệt độ bên trong nhà.
Sơn chống nóng có độ phát xạ nhiệt thấp, nghĩa là bề mặt tường sẽ tỏa nhiệt ra môi trường chậm hơn, hạn chế sự truyền nhiệt vào bên trong nhà.
Sơn chống nóng tường có hiệu quả không?
Nghiên cứu cho thấy, sơn chống nóng có thể mang lại hiệu quả nhất định, nhưng không phải giải pháp chống nóng tuyệt đối.
Thực tế, khả năng giảm nhiệt của sơn chống nóng tường chỉ khoảng 2 - 4 độ C, tùy thuộc vào loại sơn, độ dày lớp sơn, và điều kiện môi trường. Mức giảm 12 - 20 độ C thường được quảng cáo chỉ đạt được khi sơn nhiều lớp dày, khá tốn kém.
Hiệu quả của sơn chống nóng tường cũng giảm dần theo thời gian. Lớp sơn có thể bị bong tróc, bám bụi bẩn, khiến khả năng phản xạ suy giảm. Do đó, bạn cần sơn lại sau khoảng 3-5 năm để duy trì hiệu quả.
Hiệu quả sơn chống nóng tường có giảm nhiệt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như độ dày lớp sơn, chất lượng sơn, kết cấu tường, hướng nhà, vật liệu xây dựng, mái che, cửa sổ, thông gió... Có thể nói sơn chống nóng chỉ là một phần trong giải pháp chống nóng tổng thể.
Độ dày lớp sơn: Nhiều lớp sơn hơn đồng nghĩa với khả năng phản xạ và cách nhiệt tốt hơn. Tất nhiên chi phí sẽ tốn kém hơn.
Chất lượng sơn: Chọn loại sơn chính hãng, có đầy đủ chứng nhận chất lượng là điều quan trọng. Sơn kém chất lượng không chỉ kém hiệu quả chống nóng mà còn có thể chứa các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe.
Màu sắc sơn: Màu sáng, đặc biệt là màu trắng, có khả năng phản xạ ánh sáng tốt hơn, giúp giảm nhiệt hiệu quả hơn màu tối.
Kết cấu tường: Tường dày, được xây bằng vật liệu cách nhiệt tốt như gạch đặc, bê tông cốt thép sẽ có hiệu quả chống nóng tốt hơn tường mỏng, xây bằng gạch rỗng.
Hướng nhà: Tường hướng Tây chịu bức xạ nhiệt mạnh nhất trong ngày, nên cần được ưu tiên sử dụng sơn chống nóng.
Điều kiện môi trường: Độ ẩm cao, thông gió kém hạn chế khả năng giảm nhiệt của sơn.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/son-chong-nong-tuong-co-hieu-qua-ar858921.html