Sơn Động: Phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng vùng cao

Sơn Động có nhiều nông sản tiêu biểu. Huyện đang đồng hành với các chủ thể phấn đấu đến hết năm nay có ít nhất 20 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên mang nét đặc trưng vùng cao.

Vươn xa nhờ có “sao”

Tháng 11/2021, mật ong rừng Sơn Động của Hợp tác xã (HTX) Ong mật hữu cơ Sơn Động đạt OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho hay, sau khi được gắn “sao”, đầu ra cho sản phẩm thuận lợi hơn, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. HTX có hơn 5.500 đàn ong nội, nuôi ở những cánh rừng trên địa bàn các xã Tuấn Đạo, Yên Định, An Bá và thị trấn Tây Yên Tử cung cấp ra thị trường bình quân 70-75 tấn mật mỗi năm.

 Sản phẩm Mật ong rừng Sơn Động của HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động.

Sản phẩm Mật ong rừng Sơn Động của HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động.

Ong nuôi theo hướng hữu cơ cho chất lượng mật ổn định, thơm ngon, bán được giá. Đến nay mật ong của HTX đã bán tại nhiều đại lý, cửa hàng tân dược ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Khánh Hòa. Nhờ vậy tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao mức sống cho hơn 40 hộ tham gia HTX. HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động thành lập 2014 với 29 thành viên, đến nay đã tăng lên 44. Thu nhập của mỗi thành viên bình quân 3-5 triệu đồng/tháng, cá biệt có người thu 10 triệu đồng/tháng.

Tương tự, sau một thời gian hoàn thiện các điều kiện, trong đó có tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết sản xuất, xây dựng bao bì, mẫu mã, đầu năm 2024, Hương nến Bồng Am của HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động đã được chứng nhận 3 sao. Hiện HTX liên kết với 6 hộ tham gia sản xuất, mỗi ngày làm ra hơn 10 vạn thẻ hương, tiêu thụ thuận lợi.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, các chủ thể sản xuất ngày càng quan tâm đến chương trình OCOP với số lượng sản phẩm đăng ký tham gia phân hạng tăng theo từng năm. Tuy vậy, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện vẫn chú trọng xét duyệt chặt chẽ, lựa chọn những mặt hàng thực sự chất lượng. Năm 2023 có 10 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, trong đó 8 sản phẩm mới, 2 sản phẩm đánh giá lại. Kết quả chỉ có 7/10 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

Đến tháng 6 năm nay, Sơn Động có 18 sản phẩm OCOP 3 sao thuộc các nhóm, ngành: Đồ uống có cồn, thực phẩm tươi sống, thực phẩm qua chế biến.

Đợt 1 năm 2024 xét duyệt có 3 trong 4 sản phẩm đạt 3 sao. Như vậy đến nay, huyện có 18 sản phẩm đạt OCOP 3 sao thuộc các nhóm, ngành: Đồ uống có cồn, thực phẩm tươi sống, thực phẩm qua chế biến. Khi nông sản được gắn “sao”, tư duy sản xuất hàng hóa của người dân có sự thay đổi đáng kể. Các hộ sản xuất tăng cường liên kết, tạo nguồn cung ổn định; việc tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao hơn. Ví như sản phẩm OCOP 3 sao nấm lim xanh của HTX Nấm lim xanh Sơn Động, xã Cẩm Đàn mang lại thu nhập cao cho thành viên, nông dân liên kết với HTX. Hiện giá bán trung bình từ 700-950 nghìn đồng/kg.

Đồng hành cùng chủ thể

Bám sát mục tiêu hướng đến của chương trình OCOP, thời gian qua, huyện Sơn Động đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khuyến khích các chủ thể khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật truyền thống của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn. Huyện có chính sách hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/sản phẩm đạt OCOP 3 sao; 150 triệu đồng/sản phẩm 4 sao; sản phẩm 5 sao được hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng/sản phẩm. 3 năm qua, ngân sách địa phương đã trợ lực cho các chủ thể hoàn thiện chu trình sản xuất, chế biến, đổi mới mẫu mã với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng.

 Các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Sơn Động tại TP Bắc Giang.

Các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Sơn Động tại TP Bắc Giang.

Từ đầu năm đến nay, huyện phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn các chủ thể ứng dụng chuyển đổi số, bán hàng trên sàn thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hướng dẫn HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động và HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh lập website thuận tiện cho khách hàng tra cứu tìm hiểu thông tin hàng hóa. Năm 2024, huyện phấn đấu có ít nhất 5 mặt hàng được chứng nhận 3 sao. Qua đợt 1 đánh giá, thẩm định, có 3 sản phẩm được gắn “sao” là: Hương nến truyền thống Bồng Am, táo Đại Sơn và bưởi da xanh Đồng Cao.

Sơn Động phấn đấu đến hết năm 2024 có 20 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, hoàn thành sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Tính đến tháng 6/2024, địa phương đã hoàn thành hơn 2/3 mục tiêu với 17 sản phẩm đạt 3 sao và đang tiếp tục hướng dẫn một số chủ thể tiềm năng hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa quy trình để xem xét vào đợt 2 đánh giá diễn ra tháng 10 tới.

Hiện các cơ quan chuyên môn của huyện đang hỗ trợ 2 sản phẩm là rượu men lá của HTX Thảo Mộc Linh và rượu men lá của HTX Như Bảo khắc phục những hạn chế để sớm được cấp chứng chỉ HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) về an toàn thực phẩm. Hội Nông dân tỉnh cũng nhận hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện thủ tục để được chứng nhận ISO, truy xuất nguồn gốc đối với mật ong hữu cơ của HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động. Đây là những tiêu chí bắt buộc để nâng từ 3 sao lên 4 sao cho sản phẩm nên được chủ thể quyết tâm thực hiện. Ngoài ra, huyện hỗ trợ triển khai hệ thống tưới tiết kiệm công nghệ thông minh có điều khiển tự động đối với táo Đại Sơn.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các chủ thể, cơ quan chuyên môn quan tâm, dành nguồn lực giúp chủ thể đổi mới quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm để có điều kiện thăng hạng, tạo dấu ấn cho sản phẩm đặc trưng của vùng cao Sơn Động. Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các đơn vị của tỉnh tập huấn, hướng dẫn chủ thể một số kỹ năng trong quản trị, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số các khâu quản lý, sản xuất, bán hàng trên sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị. UBND huyện tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đưa sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội nghị cấp tỉnh, huyện tổ chức để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động nói: “Huyện ưu tiên 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống mang đặc trưng của mỗi địa bàn để xây dựng sản phẩm OCOP; xây dựng sản phẩm OCOP làm quà tặng, đặc sản của địa phương gắn với du lịch nông thôn. Khuyến khích các chủ thể đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường”. Cũng theo ông Thắng, cùng với sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn, các chủ thể có sản phẩm OCOP cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Mặt khác, các đơn vị cần chủ động tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/son-dong-phat-trien-san-pham-ocop-dac-trung-vung-cao-101250.bbg