Sơn Dương cần phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu trở thành huyện điển hình, đi đầu của tỉnh
Chiều 8-10, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Dương. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu huyện với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.
Báo cáo của Huyện ủy Sơn Dương nêu rõ, ngay từ những ngày đầu năm, các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; chủ động thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa tích cực, chủ động phòng chống dịch bệnh Covid - 19. Tình hình kinh tế ổn định, các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp được đẩy mạnh; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể được chú trọng và tiếp tục có nhiều đổi mới; triển khai đầy đủ kịp thời các nghị quyết, đề án, chương trình của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Trong 9 tháng năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá. Trên địa bàn huyện thu hút được thêm 2 dự án công nghiệp là Nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (vốn FDI Hàn Quốc) và Nhà máy sản xuất gia công các sản phẩm cơ khí tại Khu công nghiệp Sơn Nam. Huyện đã thực hiện nghiêm túc công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 98% dự toán…
Tuy nhiên, kinh tế của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa có các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị gia tăng cao. Công tác quản lý địa bàn có lúc, có nơi còn bị buông lỏng, xảy ra vi phạm trong quản lý đất đai, khoáng sản chưa được kịp thời phát hiện, xử lý; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương sớm đầu tư xây dựng đường nối các khu di tích trong Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ và tuyến Quốc lộ 2C đoạn từ thị trấn Sơn Dương đi Tân Trào; tỉnh bố trí vốn xây dựng Trung tâm Hội nghị huyện; sớm bố trí kinh phí xây dựng các công trình trọng điểm của huyện đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn 2021-2025…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực, khắc phục khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, xây dựng huyện Sơn Dương trở thành huyện phát triển nhanh, bền vững của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương bổ sung, hoàn thành việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện các nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đề án của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, làm căn cứ, cơ sở cho các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.
Đồng thời, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu trở thành huyện điển hình, đi đầu của tỉnh về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, công nghiệp và du lịch. Trọng tâm là, rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất trong thời gian vừa qua, trên cơ sở đó xây dựng phương án tổ chức, cơ cấu lại sản xuất để nâng cao hơn nữa năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế, nhất là các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản của huyện, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị kinh tế cao theo hướng sử dụng giống chất lượng cao, nuôi trồng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phương thức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia trại, tạo chuỗi liên kết sản xuất bền vững, nhất là đối với cây trồng đặc sản, có giá trị kinh tế cao.
Huyện cần quy hoạch, mở rộng các cụm công nghiệp hiện có và thành lập, xây dựng mới một số cụm công nghiệp tại khu vực có lợi thế để thu hút đầu tư các ngành nghề công nghiệp mà huyện có tiềm năng, thế mạnh.
Trong thời gian tới, huyện cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch, trọng tâm là phối hợp triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2030; xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch quốc gia.
Đảng bộ huyện đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo trong sạch, vững mạnh toàn diện; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, gương mẫu đi đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và phục vụ nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng…
Về các đề xuất, kiến nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo, xem xét giải quyết trên tinh thần đúng quy định nhưng thuận lợi nhất cho huyện, góp phần để huyện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.