Sơn La đổi mới nội dung, phương thức vận động, phát huy tinh thần vượt khó của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai quyết liệt, đồng bộ, với sự tham gia tích cực của Nhân dân; nhiều mô hình mới, cách làm hay góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2/11/2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh Sơn La; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 1/10/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2020; Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 31/8/2021 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Các tổ chức đảng thường xuyên quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đã phân công cấp ủy phụ trách cơ sở. Coi trọng vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và ý kiến đóng góp của Nhân dân về chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền đối với phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo đổi mới tổ chức, hoạt động Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp theo hướng tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm từng ngành, từng địa phương trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Chính quyền các cấp đã tạo môi trường để Nhân dân tham gia bàn bạc, quyết định, kiểm tra, giám sát các hoạt động ở cơ sở liên quan đến Nhân dân, như: các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các khoản đóng góp của Nhân dân; quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, xây dựng hương ước, quy ước bản, tiểu khu, tổ dân phố; các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết công việc liên quan đến Nhân dân.

Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa, triển khai thực hiện khá đồng bộ thông qua các hình thức phù hợp. Vai trò của Nhân dân trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương được thể hiện ngày càng rõ nét, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Giới thiệu các đặc sản của tỉnh Sơn La tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Giới thiệu các đặc sản của tỉnh Sơn La tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Tỉnh ủy Sơn La lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đổi mới nội dung, phương thức vận động, thực hiện có hiệu quả Thông báo số 160-TB/TW ngày 15/1/2020 về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”, đa dạng hóa các hình thức tổ chức tập hợp Nhân dân và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố, phát triển tổ chức đoàn hội và thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên. Đa dạng hóa hình thức tập hợp thông qua việc củng cố, xây dựng tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động, hướng các hoạt động về cơ sở từ đó thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia.

Các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên được triển khai linh hoạt phù hợp dưới hình thức câu lạc bộ, tổ, nhóm theo ngành nghề, sở thích được đông đảo hội viên, đoàn viên tự giác tham gia. Hiện nay, số thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sơn La là 26 tổ chức thành viên; toàn tỉnh có 122 tổ chức hội quần chúng (cấp tỉnh 40; cấp huyện 82).

Thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân, kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền giải quyết những phát sinh ngay từ cơ sở. Chú trọng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây chính quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; phát huy vai trò cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân, góp phần làm cho mối quan hệ của Đảng, chính quyền và Nhân dân ngày càng bền chặt, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành kế hoạch, chỉ thị (Kế hoạch số 13-KH/TU ngày 26/5/2016 về triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 28/9/2021 về đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021 - 2025), kết luận, thông báo, hướng dẫn... để triển khai thực hiện phong trào. Chỉ đạo tổ chức 3 lần Hội thi "Dân vận khéo" toàn tỉnh (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp cơ sở).

Thống nhất chủ trương giao Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; các cấp tham mưu, triển khai, thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo". Hằng năm, tiến hành rà soát, đăng ký mới các mô hình, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên các lĩnh vực, đến nay toàn tỉnh có 1.683 mô hình (1.360 mô hình tập thể; 323 mô hình cá nhân).

Việc triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền trong hệ thống chính trị; là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tăng cường sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Việc đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển đồng bộ; nhiều công trình hoàn thành được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường liên kết vùng.

Tập trung triển khai, hoàn thành các dự án đường đến trung tâm xã được cứng hóa trên địa bàn tỉnh, đã có 199/204 xã, đạt 97,5%; giai đoạn 2021-2022, thực hiện cứng hóa dược 554 tuyến, chiều dài 246,3 km, với tổng kinh phí trên 264 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp trên 125 tỷ đồng. Hạ tầng năng lượng, nhất là hạ tầng điện được quan tâm đầu tư, đến nay tỷ lệ hộ được sử dụng điện an toàn đạt 94,1%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước đạt 97,5%.

Thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 3.250 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 50.000 tỷ đồng; 883 hợp tác xã, 6 liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động; có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 769 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ, với sự tham gia tích cực của Nhân dân; với nhiều mô hình mới, cách làm hay, góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới); đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 còn 17,83%; có 3 huyện được công nhận thoát nghèo (Bắc Yên, Mường La, Vân Hồ), còn 2 huyện nghèo (Sốp Cộp, Thuận Châu).

Tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện tốt Đề án "Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025"; huy động được 250,944 tỷ đồng (chủ yếu là nguồn xã hội hóa) hỗ trợ 3.792 nhà cho hộ nghèo (3.579 nhà xây mới; 213 nhà sửa chữa); hoàn thành việc xóa nhà tạm tại 8 huyện, thành phố (Vân Hồ, Sốp Cộp, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Mộc Châu, Thành phố Sơn La). Quan tâm bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là các khu rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Đà.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc đổi mới nội dung phương thức vận động đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn còn một số hạn chế: việc tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp, phản ánh của Nhân dân đối với những vấn đề quan trọng có liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của công dân ở một số nơi thực hiện chưa chặt chẽ; nắm bắt, phản ánh, phối hợp tham mưu, chỉ đạo giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời; công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị, cơ sở hiệu quả chưa cao.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững, chính quyền tỉnh Sơn La cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án, chương trình, kết luận thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở".

Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế. Tập trung triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch của Trung ương và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững); các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân.

Ba là, tăng cường công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp, người dân, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước cung cấp dịch vụ công theo hướng trực tuyến phục vụ thuận tiện người dân và doanh nghiệp.

Bốn là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, đoàn kết tập hợp Nhân dân đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, ngăn chặn kịp thời và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc vào việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2021 - 2025; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo” bảo đảm thực hiện thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; thực hiện tốt việc xác nhận điển hình "Dân vận khéo" các cấp để biểu dương khen thưởng và nhân rộng điển hình.

Sáu là, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Định kỳ sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, rút kinh nghiệm và đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Lò Thị Phương Thảo - Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/son-la-doi-moi-noi-dung-phuong-thuc-van-dong-phat-huy-tinh-than-vuot-kho-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-giam-ngheo-ben-vung-55343.html