Sơn La hòa nhập kinh tế số
Năm chuyển đổi số tỉnh Sơn La 2023, có nhiều thay đổi trên các lĩnh vực. Đặc biệt là kinh tế số đang dần hình thành và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có trên 117.000 tài khoản với gần 2.500 sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử, trên 50.000 giao dịch mua bán trực tuyến thành công trong năm. Có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã với 75 sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu được đưa lên sàn thương mại điện tử quốc tế.
Những người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng vườn, nương dãy, những chủ hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp đã và đang gặt hái được “trái ngọt” khi tiên phong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. 3-4 năm về trước, một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu tiếp cận với thương mại điện tử. Các sản phẩm nông sản sạch, an toàn, nhất là những sản phẩm đã qua chế biến, được chứng nhận VietGAP, OCOP… đưa lên các sàn thương mại điện tử, kết nối người sản xuất với khách hàng không cần qua trung gian.
Tiên phong trong phát triển sản phẩm nông nghiệp tại quê hương, các thành viên HTX tuổi trẻ 26/3 Yên Châu đã khai thác được ưu thế của công nghệ trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tăng doanh số bán hàng. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX, thông tin: HTX đã có 12 sản phẩm bán trên các sàn Shopee, Postmart, Lazada, Tiki… Các sàn thương mại điện tử giúp tiêu thụ hơn 1/3 tổng lượng sản phẩm của HTX hằng năm với doanh thu từ 300-400 triệu đồng/tháng. HTX còn thành lập một ekip chuyên xây dựng các nội dung bằng hình ảnh, video clip để quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như tiktok, facebook để tiêu thụ sản phẩm.
Với hơn 84.700 ha cây ăn quả các loại, cùng với chăn nuôi, thủy sản phát triển, Sơn La rất đa dạng và phong phú về các sản phẩm nông nghiệp, là cơ sở, động lực để người nông dân Sơn La ứng dụng công nghệ trong tiêu thụ sản phẩm, giải pháp được coi là hữu hiệu và hợp xu thế không thể thiếu để sản xuất và kinh doanh bền vững. Nhận thấy tầm quan trọng của thương mại điện tử, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, thiết lập tài khoản và quản lý thông tin truy xuất trên hệ thống truy xuất nguồn gốc NBC-TRACE, tổ chức livestream và tập huấn livestream bán hàng qua mạng… đã có trên 140.200 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng.
Một trong những điều kiện và cơ sở để Sơn La từng bước xây dựng phát triển kinh tế số trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Năm 2023, tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện mục tiêu phủ sóng mạng di động 4G đến 100% các bản trên toàn địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng internet băng rộng cáp quang đạt 67,86%; tỷ lệ số thuê bao sử dụng dịch vụ di động có điện thoại thông minh đạt 59,64%.
Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tập trung mọi nguồn lực và chương trình viễn thông công ích để đẩy nhanh tiến độ triển khai phủ rộng mạng cáp quang, mạng di động băng rộng, thực hiện hỗ trợ dịch vụ viễn thông di động mặt đất trả sau, hỗ trợ điện thoại thông đối với các hộ, nghèo, hộ cận nghèo; khuyến khích các cơ sở y tế, trường học và người dân ở các khu vực đô thị ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng các nền tảng xã hội số, các dịch vụ số thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày.
Công nghệ và internet đã phát triển đến khắp mọi bản làng, tác động mạnh mẽ lên cuộc sống mọi nơi tại Sơn La. Mỗi người sản xuất, kinh doanh cũng đang dần tiếp cận và hòa nhập với kinh tế số theo nhiều hình thức và quy mô, mức độ khác nhau để tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu và nhất là đưa các sản phẩm nông sản Sơn La đến nhanh hơn với các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/son-la-hoa-nhap-kinh-te-so-uxOCPMFSR.html