Sơn La hướng tới những sản phẩm OCOP 5 sao
Trong số 110 sản phẩm OCOP, tỉnh Sơn La có 1 sản phẩm đạt 5 sao, con số này còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các sản phẩm chủ lực, độc đáo, có sức cạnh tranh đang được Sơn La lựa chọn, định hướng để xây dựng thành các sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Bạch trà mây là kết tinh của những búp chè san tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại “thiên đường mây” Tà Xùa cùng phương pháp chế biến sáng tạo của Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Là sản phẩm mới tham gia OCOP của Sơn La, nhưng Bạch trà mây đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2022. Đồng thời, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực được Sơn La định hướng xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc chia sẻ: "Bạch trà mây là nhóm trà khi chế biến không dùng công nghệ, máy móc, mà hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, trà tự lên men và làm khô dưới nắng gió của Tà Xùa, nên trà có mùi hương rất nhẹ của hoa rừng, ngọt như vị chín của trái cây… Tham gia OCOP với sản phẩm bạch trà mây, chúng tôi mong muốn nhiều người Việt, bạn bè quốc tế biết đến một thức trà đặc biệt, không gây mất ngủ, dễ sử dụng với người già đến người trẻ".
Cũng được định hướng xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao là Cao Sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long, huyện Mai Sơn (Sơn La). Năm 2009, ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty đã trồng thành công loại dược liệu quý này dưới những tán rừng già bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn. Đến nay, công ty đã có 3 sản phẩm OCOP từ Sâm Ngọc Linh đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc công ty chia sẻ: "Tìm hiểu tại Kon Tum, Quảng Nam, tôi thấy người ta trồng rất nhiều và có những sản phẩm rất tốt, nên tôi nghĩ rằng Sơn La chúng tôi cũng có điều kiện khí hậu phù hợp, tại sao đồng bào Ê đê trồng được mà đồng bào Mông, Thái không trồng được. Từ đó tôi quyết tâm mang giống về trồng và đến giờ đã thành công. Tham gia OCOP, tôi mong sản phẩm của xã Chiềng Chung góp phần vào sự nghiệp OCOP của tỉnh Sơn La nói riêng và đất nước nói chung, để mang đến mọi miền, nếu có điều kiện xuất khẩu đi nước ngoài thì đó cũng là niềm tự hào của người Sơn La chúng tôi".
Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn, Sơn La có nhiều sản phẩm tiêu biểu, độc đáo, có tiềm năng để phát triển thành các sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Bà Lê Thị Thêm, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Hoàng Anh, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Tỉnh Sơn La hiện có 1 sản phẩm 5 sao là cà phê Bích Thao. Tôi thấy Sơn La có thể đăng ký sản phẩm OCOP 5 sao từ 5 đến 6 sản phẩm tiềm năng, vì các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được vùng trồng, nhà máy sản xuất".
Đến nay cả nước mới có 20 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao. Điều đó cho thấy việc thực hiện không dễ dàng đối với bất cứ địa phương nào. Tỉnh Sơn La đã đặt ra lộ trình cụ thể, định hướng xây dựng và đánh giá các sản phẩm; đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ thể tham gia OCOP; phấn đấu có từ 2-5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao trong giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: "Năm 2023 tỉnh Sơn La phấn đấu mục tiêu có 50 sản phẩm OCOP trở lên; yêu cầu chất lượng mẫu mã cao hơn, đánh giá các sản phẩm đã đánh giá năm trước để nâng cấp từ 3 lên 4 sao; xây dựng các sản phẩm tiêu chuẩn quốc gia như sâm Ngọc Linh, Bạch trà mây đã đạt được giải thưởng cao ở các thị trường châu Âu, các hội trà… là những sản phẩm đề xuất với Bộ NN-PTNT để nâng sao".
Sơn La cũng đặt mục tiêu các sản phẩm được lựa chọn, định hướng "nâng sao" thực sự được nâng lên về chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh; đúng với tinh thần của chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, phát huy tiềm năng, lợi thế, đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/son-la-huong-toi-nhung-san-pham-ocop-5-sao-post1007630.vov