Sơn La tăng trưởng ấn tượng 8,76%

Vượt qua khó khăn, tỉnh Sơn La đạt mức tăng trưởng ấn tượng 8,76% trong 6 tháng đầu năm. Đây là kết quả của việc điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của tỉnh, sự đồng hành của doanh nghiệp và phát huy hiệu quả nội lực kinh tế địa phương.

Dây chuyền chế biến ngô ngọt của Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La.

Dây chuyền chế biến ngô ngọt của Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La.

Chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong điều hành

Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát nguồn lực, động lực, năng lực mới, với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết liệt, phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP của tỉnh 8% trong năm 2025.

Quyết tâm đạt mục tiêu đề ra, ngày 20/2/2025, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 475/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 420/NQ-HĐND ngày 5/12/2024 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 61,8 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29%; dịch vụ chiếm 42%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%.

Khách hành đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh Sơn La.

Khách hành đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh Sơn La.

Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Sơn La xác định các trụ cột phát triển gồm nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến - năng lượng, dịch vụ - du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư công và cải cách hành chính. Tỉnh ta không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng đơn thuần, mà yêu cầu từng ngành, từng lĩnh vực có chuyển biến thực chất. Việc xây dựng, cập nhật kịch bản điều hành tăng trưởng thường xuyên, giúp chủ động chỉ đạo, điều chỉnh linh hoạt.

Trong bức tranh tăng trưởng chung, từng khu vực kinh tế đều ghi dấu ấn rõ nét. Riêng nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,92%, đạt 3.643 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch 5,2%, nhờ đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, công nghệ cao, mở rộng vùng canh tác VietGAP, GlobalGAP.

Gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng, tiêu biểu tại Ngày hội xoài Yên Châu 2025.

Gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng, tiêu biểu tại Ngày hội xoài Yên Châu 2025.

Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Tỉnh tập trung cấp mã số vùng trồng, mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu nông sản. Đến nay, công nhận 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; duy trì 213 mã số vùng trồng với 3.114 ha, 8 mã số cơ sở đóng gói; 29 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý; 262 chuỗi cung ứng nông, thủy sản an toàn đang hoạt động. Các mặt hàng, như: Xoài, nhãn, chè tiếp tục giữ vững thị phần trong và ngoài nước, giá trị gia tăng ổn định.

Công nghiệp - xây dựng đạt 4.264 tỷ đồng, tăng 11,83% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp tăng 14,87% nhờ mực nước hồ thủy điện cao, góp phần nâng sản lượng điện; xây dựng tăng khá nhờ cải thiện môi trường đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn. Dịch vụ chiếm 42% cơ cấu kinh tế; 6 tháng đầu năm, Sơn La đón hơn 2,9 triệu lượt khách, gồm hơn 29.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 3.422 tỷ đồng.

Du khách trải nghiệm giã bánh dày tại Khu du lịch Happy Land Mộc Châu.

Du khách trải nghiệm giã bánh dày tại Khu du lịch Happy Land Mộc Châu.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Khu du lịch Happyland Mộc Châu, cho biết: Nhờ các hoạt động kích cầu, quảng bá du lịch, lượng du khách đến Sơn La ngày càng tăng. Tuy nhiên, phát huy hết tiềm năng, tỉnh cần quy hoạch tuyến du lịch bài bản, tổ chức lễ hội quy mô, kéo dài thời gian lưu trú. Đồng thời, đẩy mạnh du lịch cộng đồng, gia tăng giá trị cho kinh tế nông thôn.

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, GRDP 6 tháng đầu năm đạt 16.541 tỷ đồng, tăng 8,76% so với cùng kỳ, xếp thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, thứ 19/63 cả nước, khẳng định hiệu quả phương châm điều hành “chủ động - linh hoạt - quyết liệt” của tỉnh.

“6 rõ” - tăng tốc về đích

Mặc dù đạt kết quả tích cực, sau 6 tháng thực hiện mục tiêu tăng trưởng, tỉnh Sơn La gặp nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 1.566 tỷ đồng, bằng 23,63% kế hoạch, làm chậm tiến độ các dự án hạ tầng động lực, ảnh hưởng thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Trong nông nghiệp, dù tăng trưởng cao, tỉnh vẫn thiếu hạ tầng logistic và chế biến sâu. Ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh Sơn La, nhận định: Nông sản Sơn La có tiềm năng, nhưng hạ tầng kho lạnh, giao thông, cụm chế biến còn yếu. Rất cần có chính sách tín dụng ưu đãi, đầu tư hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm mở rộng sản xuất.

Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra tiến độ một số dự án thu hút đầu tư tại bản Mạt, xã Chiềng Mung.

Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra tiến độ một số dự án thu hút đầu tư tại bản Mạt, xã Chiềng Mung.

Theo kịch bản tăng trưởng 9 tháng năm 2025, GRDP dự kiến tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,3%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,8%; dịch vụ tăng 9,3%; thuế sản phẩm tăng 2,9%. Đây là mục tiêu cao, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ. Vì vậy, tỉnh chỉ đạo tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, như xoài, nhãn, chè; cà phê dự báo được mùa; cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được đẩy nhanh tiến độ, tăng kết nối vùng; hạ tầng du lịch, dịch vụ tiếp tục đầu tư. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ, nhiều dự án hoàn thành và giải ngân trong quý III và IV.

Nông dân phường Chiềng Sinh chăm sóc vườn cà phê THA1.

Nông dân phường Chiềng Sinh chăm sóc vườn cà phê THA1.

Đặc biệt, ngành công nghiệp phát huy lợi thế từ hoạt động hiệu quả của các nhà máy thủy điện. Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) khánh thành dây chuyền đồ hộp giấy dành cho rau quả với công nghệ Thụy Điển (Tetra Recart) đầu tiên tại Việt Nam ở Sơn La. Tại Khu công nghiệp Mai Sơn, nhiều dự án lớn dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025, gồm: Nhà máy chế biến tinh bột biến tính BHL, công suất 90.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 244 tỷ đồng; Tổ hợp nhà máy Mavin sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến nông sản, 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng; Nhà máy chế biến đường lỏng Glucose, 9.600 tấn/năm, tổng mức đầu tư 185 tỷ đồng.

Cùng với đó, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đang nâng cao hiệu lực quản lý, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Khởi hành đưa mận hậu đặc sản Sơn La lên các chuyến bay Vietnam Airlines

Khởi hành đưa mận hậu đặc sản Sơn La lên các chuyến bay Vietnam Airlines

Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trung ương, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phấn đấu đạt cao hơn, với mục tiêu đạt 8,3 - 8,5%, tạo đà để năm 2026 tăng trưởng từ 10% trở lên. Để góp phần thực hiện mục tiêu này, 6 tháng cuối năm 2025, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục bám sát kịch bản tăng trưởng từng quý, chỉ đạo quyết liệt từng ngành.

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất bền vững, nâng cao giá trị nông sản; triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia, phát triển năng lượng tái tạo; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của 5 Tổ công tác UBND tỉnh trong kiểm tra thu ngân sách, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh ra quốc tế; tích cực huy động ODA, viện trợ NGO, thu hút FDI và các nguồn lực khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, theo phương châm “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ tiến độ, rõ kết quả.

Với giải pháp cụ thể, quyết tâm hành động cao, Sơn La phấn đấu đạt tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng hai con số những năm tiếp theo.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/son-la-tang-truong-an-tuong-876-be4cKCyHR.html