Sơn Lý Quý - cậu học trò mê đờn chom-riêng cha-pey đoong-weng

Đến với hội thi văn nghệ các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh Sóc Trăng năm 2021, do Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhiều người không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng bởi khả năng vừa hát, vừa đờn chom-riêng cha-pey đoong-weng của cậu học trò Sơn Lý Quý - học sinh Trường THPT DTNT Huỳnh Cương.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân Khmer, ngụ ấp An Thành, thị trấn Kế Sách (Kế Sách), cậu học trò Sơn Lý Quý rất đam mê với loại hình nhạc cụ dân tộc Khmer bắt đầu từ khi lên học tại Trường THPT DTNT Huỳnh Cương vào năm 2018. Sơn Lý Quý cho biết: “Em rất yêu thích âm nhạc, nhất là nhạc cụ truyền thống của dân tộc Khmer. Lên đây học, em có điều kiện tham gia các phong trào văn nghệ của trường. Ngoài học văn hóa, em còn được giáo viên tuyển chọn vào đội văn nghệ của trường. Trong số đó, khó nhất là loại hình nhạc cụ chom-riêng cha-pey-đoong-weng, bởi loại hình này vừa hát, vừa đờn đúng theo nhịp điệu”.

Cậu học trò Sơn Lý Quý - biểu diễn đờn, hát chom-riêng cha-pey đoong-weng tại hội thi văn nghệ các trường phổ thông DTNT tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THẠCH PÍCH

Cái duyên đến với Quý trong một lần cậu học trò nghe được tiếng hát, đờn của nghệ nhân “đồng quê” Lý Ươl (cùng quê ở thị trấn Kế Sách) trên truyền hình. Mê mẩn ngay lần đầu nghe đờn, hát chom-riêng cha-pey đoong-weng, Quý tìm đến nhà ông Lý Ươl xin làm học trò để học đờn và hát. Với niềm đam mê và được ông Lý Ươl hướng dẫn nhiệt tình từ lời ca, nốt nhạc, chỉ một thời gian ngắn, cậu học trò Sơn Lý Quý học đờn, hát chom-riêng cha-pey đoong-weng thành thục. Em Quý nhớ lại: “Lúc đầu, thầy nói học nhạc cụ này khó lắm! Dù khó thật, nhưng em vẫn đam mê. Biết được điều đó, cha mẹ của em đã mua một cây đờn Cha-pey đoong-weng để em theo đuổi niềm đam mê của mình. Được cây đờn đó, em rất thích, ngoài cố gắng học tập trên lớp, em còn tranh thủ thời gian rèn luyện nghệ thuật đờn cho thật tốt để không phụ lòng cha mẹ và thầy cô. Tại hội thi vừa rồi, em đã giành được giải nhạc công xuất sắc. Đó là kết quả mang lại đầy niềm vui và hạnh phúc đối với em. Em rất tự hào về giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc Khmer. Đến với hội thi em muốn truyền đạt và mong muốn các bạn cố gắng học tập, cùng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Bởi loại hình nghệ thuật nhạc cụ đờn chom-riêng cha-pey đoong-weng dần dần mai một. Do đó, em quyết tâm học đờn và hát theo các nghệ nhân trước để tạo sức sống mới”.

Nghệ nhân Lý Ươl - ngụ ấp An Phú, thị trấn Kế Sách (Kế Sách) nhận xét: “Không chỉ đam mê đờn, hát chom-riêng cha-pey đoong-weng mà cậu Quý rất siêng năng tìm hiểu về loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Chứ nhiều em bây giờ đều thích nhạc trẻ, nhạc ráp. Hy vọng, trong tương lai cậu Quý sẽ phát huy hết tài năng của mình để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer”.

Hiện nay, ở Sóc Trăng các nghệ nhân hay nghệ sĩ biết biểu diễn nghệ thuật dân gian cổ truyền độc đáo này rất ít. Bởi muốn diễn được loại hình nghệ thuật này, người nghệ sĩ còn phải biết hát (vừa đờn, vừa hát). Phần lớn, nội dung lời hát thường nói về những vấn đề thời sự hoặc kể về một cốt truyện mang tính giáo dục cao.

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/son-ly-quy-cau-hoc-tro-me-don-chom-rieng-cha-pey-doong-weng-49840.html