Son sắt nghĩa tình phụ nữ Phú Yên - Hải Dương

Lãnh đạo Hội LHPN Phú Yên tặng bức tranh gành Đá Đĩa cho lãnh đạo Hội LHPN Hải Dương. Ảnh: CTV

Đã thành truyền thống, cứ mỗi dịp các đoàn đại biểu của Phú Yên ra Hà Nội để dự đại hội toàn quốc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều tạo mọi điều kiện để các đoàn về thăm tỉnh kết nghĩa Hải Dương.

Lần này cũng vậy, đoàn đại biểu phụ nữ Phú Yên gồm 11 người, do chị Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh làm trưởng đoàn tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Ngay sau khi kết thúc đại hội, đoàn đã về thăm và làm việc với Hội LHPN tỉnh Hải Dương.

Cách đây 62 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào kết nghĩa Bắc - Nam, nhằm thắt chặt thêm tình Bắc - Nam ruột thịt, tất cả để “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Hưởng ứng phong trào, ngày 9/1/1960, tại TX Hải Dương diễn ra trọng thể hội nghị kết nghĩa hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên. Hội nghị đã đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng trong phát triển quan hệ “thắm tình Hải - Phú” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Phú Yên - Hải Dương. Đã 62 năm trôi qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp ấy vẫn luôn được gìn giữ, phát triển...

Cán bộ Hội LHPN Phú Yên - Hải Dương luôn coi nhau như người nhà, tình nghĩa chị em không gì có thể cắt chia. Vì thế, người Phú Yên luôn gọi “về Hải Dương” chứ không ai bảo “đi Hải Dương”. Nhiều năm gần đây, Hội LHPN hai tỉnh thường xuyên liên lạc, thăm hỏi, động viên nhau trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi gặp thiên tai, dịch bệnh, phụ nữ hai tỉnh đều nhắn gửi cho nhau lời động viên, trao những món quà nặng nghĩa, nặng tình. Mỗi dịp về thăm nhau, Hội LHPN hai tỉnh dành thời gian trao đổi, chia sẻ tình cảm, đặc biệt là dành những phần quà ý nghĩa, xây Mái ấm tình thương, thăm gia đình chính sách, gia đình hội viên, phụ nữ khó khăn hai mảnh đất giàu ân tình này.

Về Hải Dương lần này, thời gian thật chóng vánh trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, chị em Hội LHPN Hải Dương đã đón tiếp chúng tôi như đón tiếp người em về quê nhà, và chúng tôi cũng vô cùng cảm động khi đến thăm các bác, các chú thương bệnh binh Hải Dương từng vào sinh ra tử tại chiến trường Phú Yên thời chống Mỹ cứu nước, hay người con có cha quê Phú Yên giờ đang sinh sống tại Hải Dương, Mẹ Việt Nam anh hùng đang vào độ tuổi xưa nay hiếm...

Lần nào cũng vậy, gặp nhau, sau khi kể cho nhau nghe những việc làm của hai hội cách xa nhau hơn ngàn cây số, chúng tôi hát cho nhau nghe những câu hát để nhắc nhớ nhau rằng, chị em mình đã từng vì nhau trên nhiều mặt trận, dù lúc chiến tranh khốc liệt, gian khó hay khi hòa bình. Và lần này cũng thế, không ai bảo ai, chị em Hải Dương lại hát cho chúng tôi nghe bài hát “Đảm đang cô gái Hải Dương”, mà mỗi khi nghe lại rưng rưng nghẹn ngào:

…“Chứ yêu sao! Người con gái,

Những cô gái tỉnh Đông,

Khéo chăm lo vun xới ruộng đồng,

Vì Phú Yên, vì miền Nam…

Hăng hái thi đua sản xuất,

nhiều ngô lúa, luyện tay súng dân quân,

Có chúng em đây hậu phương...”

Hơn tất cả, chúng tôi dành nhiều thời gian để về thăm và tặng quà 20 gia đình chính sách tại TP Chí Linh và các huyện Nam Sách, Gia Lộc, Thanh Hà, mỗi suất quà trị giá 2 triệu đồng. Đến thăm nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đẹp, 98 tuổi, ở phường Văn An, TP Chí Linh, có con trai duy nhất là liệt sĩ. Mẹ Nguyễn Thị Đẹp xúc động, nở nụ cười đôn hậu khi tiếp đoàn, mẹ móm mém: Đường sá xa xôi các con đến tận nhà mẹ thăm và tặng quà, mẹ cảm ơn các con nhiều lắm.

Anh Hồ Văn Bài quê xã An Chấn, huyện Tuy An, đang sinh sống tại Hải Dương bùi ngùi khi tiếp những người con Phú Yên - những người đang ở quê cha ra thăm. Không ngăn được nước mắt, ông Phạm Mạnh Hòe, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Phú Yên, nghẹn ngào: Bác cảm động quá khi được gặp lại những người con của tỉnh kết nghĩa Phú Yên, cũng là nơi mà bác đã từng tham gia chiến đấu những năm tháng khốc liệt nhất. Nỗi nhớ Phú Yên luôn khắc khoải trong bác, nếu được về thăm Phú Yên bác sẽ không quản ngại, dù đã lớn tuổi, dù chiến tranh đã để lại vết thương trên chân mình…

Được gặp lại những người con Phú Yên, các thương bệnh binh xúc động hồi tưởng về những năm tháng cùng nếm mật nằm gai với đồng đội Phú Yên, sống trong tình nghĩa và sự kiên cường của đồng bào, đồng chí Phú Yên. Đặc biệt các bác, các chú thật sự xúc động trước sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, người dân Phú Yên hôm nay đối với Hải Dương anh em.

Cũng trong dịp này, chị Trần Thị Thanh Thảo, Chủ tịch Hội LHPN Hải Dương và chị Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN Phú Yên đã khai lễ Tết trồng cây “Phụ nữ vun trồng tương lai” tại Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ bà Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Lại một chuyến về Hải Dương với nhiều hoạt động dạt dào cảm xúc và để lại nhiều kỷ niệm. Chị em hai tỉnh hứa và sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động thể hiện mối tình đoàn kết keo sơn, thủy chung son sắt mà hơn 62 năm qua cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phụ nữ hai tỉnh đã cùng nhau vun đắp, giữ gìn.

Lại một chuyến về Hải Dương với nhiều hoạt động dạt dào cảm xúc và để lại nhiều kỷ niệm. Chị em hai tỉnh hứa và sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động thể hiện mối tình đoàn kết keo sơn, thủy chung son sắt mà hơn 62 năm qua cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phụ nữ hai tỉnh đã cùng nhau vun đắp, giữ gìn.

TRẦN THỊ BINH

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/272449/son-sat-nghia-tinh-phu-nu-phu-yen-hai-duong.html