Sơn Tây tổ chức thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam

Theo kế hoạch dự kiến, bắt đầu từ cuối tháng 10, tại thị xã Sơn Tây sẽ diễn ra hàng loạt sự kiện lớn, trong đó nổi bật là Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc và cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam năm 2024.

Hoạt động văn nghệ đặc sắc

Ngày 22/10, tại thị xã Sơn Tây, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về một số sự kiện lớn được tổ chức trên địa bàn như Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc và Cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam.

Theo đó, Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc - 2024 do thị xã Sơn Tây chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức tại thị xã Sơn Tây, từ ngày 31/10 đến 2/11.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc 2024 là hoạt động thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Các đại biểu tham gia hội nghị thông tin báo chí.

Các đại biểu tham gia hội nghị thông tin báo chí.

Đây là hoạt động văn hóa, nghệ thuật đem đến cho nhân dân thị xã Sơn Tây và các vùng lân cận những chương trình hòa tấu âm nhạc phong phú, đa dạng, có chất lượng nghệ thuật cao, qua đó, duy trì, phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật trong cộng đồng, người lao động; góp phần tuyên truyền, giáo dục và lan tỏa hình ảnh về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam trong thời đại mới.

Với sự góp mặt của các ban nhạc đại diện cho các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc công lập và ngoài công lập trên toàn quốc, Liên hoan là dịp để các nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu học hỏi, chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tiếp tục tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ xã hội.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, đây là dịp để hướng khán giả, nhất là các bạn trẻ đến thưởng thức âm nhạc trực tiếp, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hoạt động tập thể, đồng thời, định hướng cho sự phát triển các ban nhạc trong thời đại hiện nay, và tạo tiền đề thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội cũng như cả nước.

Theo Ban Tổ chức, mỗi ban nhạc tham gia liên hoan sẽ trình diễn 4 tiết mục, trong đó, có 2 tiết mục hòa tấu (được sử dụng 1 tác phẩm nước ngoài) và 2 ca khúc, trong đó phải có 1 ca khúc về Hà Nội. Các ban, nhóm trình diễn trực tiếp trên sân khấu theo phong cách pop, rock, jazz hoặc thể loại phức hợp mới kết hợp khai thác hiệu ứng công nghệ khác.

Ông Lê Đại Thăng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây thông tin về sự kiện Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc.

Ông Lê Đại Thăng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây thông tin về sự kiện Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc.

Tại hội nghị thông tin báo chí, Ban Tổ chức cho biết, đã có 12 ban nhạc tham gia Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc 2024. Các ban nhạc sẽ được chia thành 2 bảng. Bảng A dành cho các ban nhạc thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập. Bảng B dành cho các ban, nhóm nhạc không chuyên; các ban, nhóm nhạc tư nhân; các ban, nhóm nhạc thuộc các tổ chức xã hội khác.

Lễ công diễn tác phẩm xuất sắc và trao giải liên hoan sẽ diễn ra lúc 20h ngày 2/11, tại sân khấu chính của phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, trực tuyến trên các nền tảng số YouTube, TikTok...

Ban Tổ chức sẽ trao giải Nhất, Nhì, Ba mỗi bảng và tặng các giải Chuyên đề, giải Khuyến khích cho tập thể, cá nhân thành viên ban nhạc có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng biểu diễn xuất sắc.

Sân chơi sắc đẹp ở Sơn Tây

Đáng chú ý, theo dự kiến được thị xã Sơn Tây công bố, sẽ có một cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam 2024 được tổ chức tại thị xã Sơn Tây từ giữa tháng 10 đến 24/12, nhằm tìm kiếm người đẹp có đủ sắc, tâm, tài để quảng bá hình ảnh của áo dài Việt Nam.

Ông Lê Đại Thăng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi "Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam" cho biết, cuộc thi là một sân chơi sắc đẹp, và là hành trình tìm kiếm những tâm hồn đẹp. Chương trình mong muốn tìm ra những người phụ nữ có thể trở thành đại sứ văn hóa, truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu áo dài đến cộng đồng, góp phần quảng bá, có khả năng đọ sắc tranh tài với các người mẫu, hoa hậu trên đấu trường sắc đẹp và thời trang quốc tế.

Cuộc thi “Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam" quy tụ nhiều người đẹp duyên dáng.

Cuộc thi “Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam" quy tụ nhiều người đẹp duyên dáng.

"Bên cạnh việc vinh danh tinh hoa của chiếc áo dài, Cuộc thi còn là cơ hội góp phần thực hiện hóa ý tưởng xây dựng hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam đi sâu vào tiềm thức của nhân dân; không chỉ là văn hóa mặc, văn hóa giao tiếp luôn làm say lòng du khách khắp bốn phương, mà còn là biểu tượng văn hóa đặc sắc và là tác phẩm nghệ thuật thời trang đương đại độc đáo, niềm tự hào của dân tộc trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế", ông Lê Đại Thăng nhấn mạnh.

Theo Ban Tổ chức, cuộc thi “Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam" sẽ được tuyển sinh trên quy mô toàn quốc và thực hiện thường niên 2 năm/lần.

Đối tượng dự thi là nữ công dân Việt Nam có độ tuổi từ 18 tuổi đến đủ 29 tuổi, tốt nghiệp Trung học phổ thông trở lên, chưa kết hôn. Ban Tổ chức chấp nhận thí sinh từ 1m60 trở lên, có vẻ đẹp cân đối hài hòa, có vóc dáng thanh tao, có kĩ năng trình diễn, giới thiệu, diễn đạt, quảng bá, thuyết trình, truyền cảm hứng đến công chúng trong và ngoài nước về những giá trị thẩm mỹ đích thực của chiếc áo dài Việt Nam bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Các thí sinh đã từng tham gia các cuộc thi khác và đã đạt giải trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu cấp vùng, miền, ngành và người đẹp cấp tỉnh sẽ được xét duyệt hồ sơ theo quy định không phải dự thi sơ khảo, mà được xét vào vòng Bán kết. Các thí sinh đã được Top 10 tại các cuộc thi người đẹp toàn quốc không phải dự thi sơ khảo và bán kết, mà sẽ được xét đặc cách vào vòng Chung kết.

Ông Lê Đại Thăng chia sẻ, cuộc thi là cơ hội để giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của thị xã Sơn Tây, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử của cộng đồng.

Ông Lê Đại Thăng chia sẻ, cuộc thi là cơ hội để giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của thị xã Sơn Tây, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử của cộng đồng.

Theo ông Lê Đại Thăng, Cuộc thi cũng là cơ hội để giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của thị xã Sơn Tây, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử của cộng đồng. Việc tổ chức Cuộc thi cũng nhằm xây dựng và nâng cao hình ảnh của thị xã Sơn Tây như một điểm đến hấp dẫn về văn hóa trong mắt du khách và các nhà đầu tư.

Dự kiến, vòng bán kết Cuộc thi sẽ diễn ra ngày 23/11, tại sân khấu chính của phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, với sự tham gia của 100 thí sinh, trình diễn trang phục áo dài, chụp hình với trang phục áo dài.

Đêm chung kết cuộc thi dự kiến vào ngày 24/11, với sự tham gia của 30 thí sinh, tham gia các phần thi giới thiệu bản thân, trình diễn trang phục dạ hội, trình diễn trang phục áo dài, ứng xử. Nghệ sĩ nhân dân Trần Nhượng, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc, Nghệ sĩ ưu tú Thu Phương, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Ngọc Châu… sẽ tham gia Ban Giám khảo cuộc thi.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/son-tay-to-chuc-thi-hoa-hau-di-san-ao-dai-viet-nam-179500.html