Sống an nhiên tuổi xế chiều: Bí quyết vàng không thể bỏ qua

Người trẻ thường chưa quan tâm đúng mức đến việc tiết kiệm cho tuổi già. Tuy nhiên, nếu hình thành thói quen quản lý tài chính ngay từ sớm, bạn hoàn toàn có thể an tâm tận hưởng cuộc sống thoải mái khi về hưu.

Các khảo sát gần đây cho thấy người cao tuổi tại Việt Nam không có bất kỳ khoản tích lũy nào để trang trải cho các nhu cầu cơ bản như chăm sóc y tế hay viện dưỡng lão. Đáng chú ý, báo cáo của Nielsen chỉ ra rằng dù 78% người trưởng thành Việt Nam có thói quen tích lũy từ tiền nhàn rỗi, nhưng phần lớn lại sử dụng số tiền này cho các mục đích cá nhân trước mắt thay vì ưu tiên tiết kiệm cho tuổi già.

Thực tế này cho thấy nhiều người đang không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tiết kiệm dài hạn. Một khoản tích lũy vững chắc sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực: giúp cuộc sống tuổi già trở nên thoải mái và an nhàn hơn với những chuyến du lịch, những buổi họp mặt gia đình mà không phải lo lắng về tài chính; đảm bảo khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi các bệnh tuổi già bắt đầu xuất hiện; đồng thời giảm bớt gánh nặng tài chính cho con cái. Hơn thế nữa, khi có nguồn tiết kiệm vững vàng, chính bản thân người cao tuổi còn có thể hỗ trợ con cháu trong những lúc khó khăn, góp phần gìn giữ hạnh phúc gia đình. Chính vì vậy, đừng chần chừ nữa mà áp dụng cấc phương pháp tiết kiệm thông minh để chuẩn bị tài chính vững vàng cho tuổi già.

Gửi tiết kiệm ngân hàng

Bước sang tuổi 60, nhiều người có thói quen dành hết tiền tiết kiệm để hỗ trợ con cái mua nhà, xe mà quên mất nhu cầu của chính mình. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến bản thân rơi vào tình thế khó khăn khi cần một khoản tiền lớn cho việc chữa bệnh hoặc các trường hợp khẩn cấp khác. Vì vậy, việc giữ lại một khoản tiền dự phòng cho bản thân là vô cùng cần thiết. Số tiền này đóng vai trò như một tấm lá chắn, giúp người cao tuổi có thể tự tin hơn trong cuộc sống và ứng phó với những tình huống bất ngờ. Cách thực hiện rất đơn giản: mỗi tháng trích ra 20-30% số tiền tiết kiệm để gửi vào tài khoản riêng với kỳ hạn dài (3-5 năm), ưu tiên các ngân hàng uy tín có lãi suất cao. Ví dụ: nếu có 1 tỷ đồng, nên dành riêng 300-500 triệu vào quỹ này. Khoản tiền này sẽ trở thành "lá chắn vàng" bảo vệ người cao tuổi trước các biến cố sức khỏe, đồng thời giúp con cái đỡ áp lực tài chính.

Tham gia bảo hiểm xã hội

Ngay từ khi còn trẻ, người cao tuổi nên tham gia bảo hiểm xã hội vì đây là một cách đơn giản để tiết kiệm cho tuổi già. Theo quy định hiện hành, người lao động sẽ đóng 10,5% mức lương cơ bản vào quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi doanh nghiệp sẽ đóng thêm 21,5%. Khi đến tuổi nghỉ hưu theo quy định (60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ), người lao động sẽ được nhận lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân thu nhập tháng trong thời gian đóng bảo hiểm. Mặc dù khoản tiền này có thể không lớn, nhưng trong hoàn cảnh không còn thu nhập hàng tháng khi về già, nó vẫn sẽ là nguồn hỗ trợ quan trọng.

Ngoài ra, đối với người lao động tự do hoặc không làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khi tham gia, người dân sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng khi đủ điều kiện về tuổi và thời gian đóng, giúp đảm bảo cuộc sống ổn định khi về già. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh lên đến 80-100%. Bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng giúp giảm gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội, nhất là khi tuổi cao sức yếu. Hình thức này còn linh hoạt trong mức đóng và phương thức đóng, cho phép người dân lựa chọn theo khả năng tài chính của mình. Đặc biệt, nhà nước hiện đang hỗ trợ một phần mức đóng cho người tham gia, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tích cực tham gia.

Mua bảo hiểm nhân thọ

Bảo hiểm nhân thọ là một giải pháp tài chính giúp bảo vệ bản thân và gia đình trước những rủi ro không lường trước của người cao tuổi. Mặc dù chi phí mua bảo hiểm nhân thọ ở độ tuổi cao có thể cao hơn, nhưng đổi lại, người cao tuổi có thể an tâm hơn về tài chính, đặc biệt là khi gặp các vấn đề sức khỏe hay biến cố bất ngờ.

Ngoài ra, một số gói bảo hiểm nhân thọ hiện nay còn kết hợp quyền lợi chăm sóc y tế hoặc hỗ trợ chi phí nằm viện, giúp giảm gánh nặng tài chính cho con cháu. Việc tham gia bảo hiểm nhân thọ không chỉ là sự chuẩn bị cho chính mình mà còn là cách thể hiện trách nhiệm và tình thương đối với gia đình. Vì vậy, dù ở độ tuổi nào, người cao tuổi vẫn nên cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của bản thân.

Hiện nay, một số ngân hàng lớn đã hợp tác với những công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu để triển khai các sản phẩm Bancassurance (Banca) đặc biệt dành cho người cao tuổi. Những sản phẩm này mang đến giải pháp tài chính toàn diện với 3 ưu điểm nổi bật bao gồm bảo vệ sức khỏe toàn diện thông qua các gói bảo hiểm chi trả viện phí cao; Đảm bảo an sinh tài chính với lãi suất tích lũy hấp dẫn 5-7%/năm cùng quyền lợi nhận lương hưu bổ sung; Tiện ích vượt trội khi có thể đăng ký dễ dàng tại quầy giao dịch ngân hàng với thủ tục đơn giản, miễn khám sức khỏe cho hợp đồng dưới 1 tỷ đồng và được hỗ trợ tư vấn 24/7. Đặc biệt, nhiều sản phẩm chỉ yêu cầu mức phí từ 500.000 đ/tháng nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi tai nạn, nằm viện đầy đủ, giúp người cao tuổi an tâm tận hưởng cuộc sống mà không lo lắng về rủi ro sức khỏe hay tài chính.

Bước sang tuổi 60, nhiều người nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống không nằm ở vật chất mà ở những trải nghiệm ý nghĩa. Thay vì sống quá khắt khe với bản thân, người cao tuổi cũng nên dành một phần tài chính để nuôi dưỡng niềm vui sống - đi du lịch, theo đuổi đam mê bị bỏ quên, hay đơn giản là mua sắm những món đồ khiến bản thân hạnh phúc. Đây không phải là lãng phí, mà là cách trân trọng những năm tháng quý giá còn lại. Một tuổi già hạnh phúc là khi bạn biết cân bằng giữa việc bảo toàn tài chính và nuôi dưỡng tâm hồn.

T.Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/song-an-nhien-tuoi-xe-chieu-bi-quyet-vang-khong-the-bo-qua-164243.html