Sông băng khổng lồ ở Nam cực đang vỡ vụn
Một trong những sông băng lớn nhất của Nam Cực đang vỡ ra từng mảnh, làm gia tăng tốc độ sụp đổ hoàn toàn của nó trong vòng 20 năm tới, đe dọa làm tăng mực nước biển toàn cầu, một nghiên cứu mới cảnh báo.
Một trong những sông băng lớn nhất ở Nam cực đang vỡ vụn, đe dọa làm tăng mực nước biển toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington cho biết, trong nhiều thập kỷ, thềm băng của sông băng đảo Thông đã giúp giữ lại một trong những sông băng di chuyển nhanh nhất ở Nam Cực.
Tuy nhiên, thật không may, thềm băng đó đang mỏng dần. Giờ đây, việc phân tích các hình ảnh vệ tinh cho thấy quá trình tan chảy đang diễn ra mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây.
Từ năm 2017 đến năm 2020, các tảng băng trôi lớn ở rìa thềm băng đã vỡ ra và sông băng đang tăng tốc độ di chuyển. Các tác giả nghiên cứu nói rằng, việc rìa thềm băng suy yếu có thể rút ngắn thời gian sông băng đảo Thông sụp đổ xuống biển.
“Chúng ta có thể không thấy những thay đổi chậm chạp trên đảo Thông; Mọi thứ thực sự có thể diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự kiến", Ian Joughin, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Các sông băng tan chảy có thể dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ về mực nước biển.
Sông băng đảo Thông chứa khoảng180 nghìn tỷ tấn băng, nếu sụp đổ xuống biển sẽ tương đương với mực nước biển dâng toàn cầu khoảng 0,48m.
Các nhà khoa học cho biết việc sông băng đảo Thông tan chảy đã chịu trách nhiệm phần lớn vào tình trạng nước biển dâng hiện nay. Ước tính mực nước biển hiện dâng khoảng 1/6 milimet mỗi năm.
Các thềm băng của sông băng đã mỏng đi trong những thập kỷ gần đây do các dòng hải lưu ấm hơn đang làm tan chảy mặt dưới của băng.
Từ năm 2017 đến năm 2020, thềm băng của sông băng đảo Thông đã mất 1/5 diện tích trong một vài lần đứt gãy nghiêm trọng và được theo dõi bởi các vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các hình ảnh từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2020 và phát hiện ra rằng những thay đổi gần đây tại thềm băng không liên quan trực tiếp đến sự tan chảy của sông băng.
“Thềm băng dường như đang tự tách ra do sự tăng tốc độ di chuyển của sông băng trong một hoặc hai thập kỷ qua”, giáo sư Joughin giải thích.
Thềm băng của đảo Thông rất quan trọng vì nó giúp giữ lại sông băng ở Tây Nam Cực vốn tương đối không ổn định. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng nếu mất đi thềm băng, sông băng vốn di chuyển chậm có thể chảy nhanh hơn xuống đại dương.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/song-bang-khong-lo-o-nam-cuc-dang-vo-vun-post1347602.tpo