Sông Cái gầm vang Thác Ngựa bay

Thành phố Nha Trang có dòng sông Cái chảy qua rồi trôi ra biển. Nhưng đặc biệt thượng nguồn sông Cái có hàng chục thác dồn tụ nước từ độ cao trên 1.800 mét đổ xuống. Chúng tạo nên những vùng nước xoáy kỳ thú cuồn cuộn xuôi dòng. Thi sĩ Hạnh Hoàng Thi đã miêu tả về cơn mưa rừng ở đây: 'Em bay theo suối đợi thác chờ/ Như những chùm sao băng tung tỏa/ Triền núi cao điệp trùng cây lá/ Hý lộng đường dài vó ngựa hoang'.

Bình minh thành cổ

Sông Cái dài 84 cây số, phần lớn chảy qua hai huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh rồi mới tràn về thành phố Nha Trang. Xa xưa dân vùng đất Khánh Hòa thuộc dòng tộc Nam Chăm - Panduranga đạo Hin đu (giai đoạn đầu Công nguyên). Dòng sông Cái chảy tới huyện Diên Khánh với phân đoạn dài nhất. Nơi đây có quốc lộ 1A chạy qua và cũng là trung tâm của tỉnh Khánh Hòa. Thị trấn Diên Khánh được xây dựng và phát triển từ hàng trăm năm trước. Phủ Diên Khánh thành lập từ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, năm 1742. Đặc biệt về quân sự, phủ Diên Khánh có vị trí huyết mạch trên bờ Nam sông Cái.

Tác giả bên thành cổ Diên Khánh.

Tác giả bên thành cổ Diên Khánh.

Sông Cái là nơi diễn ra những cuộc giao tranh khốc liệt giữa nhà Tây Sơn và Chúa Nguyễn (Đàng Trong). Mốc đầu tiên quân Tây Sơn phải chiếm vùng đất Diên Khánh. Bình yên được ba năm dưới triều đại Tây Sơn nhưng sau đó Diên Khánh lại ngút trời lửa cháy khi quân nhà Nguyễn đánh chiếm lại (1793). Vùng đất chiến lược này đã được Nguyễn Ánh cho xây chiến thành quân sự kiên cố (1814).

Thành Diên Khánh ra đời tạo nên thế quân sự hùng mạnh của quân nhà Nguyễn tại vùng đất Khánh Hòa. Thành rộng hào sâu có tới 6 cửa ra vào kiên cố. Hình dạng thành tạo một đa giác không đều (hình con rùa) dài gần 2.700 mét. Khi chúng tôi tới đây mới hay trong thành còn dấu tích miếu thờ Thiên Y Thánh Mẫu. Phía trên tường còn khắc chữ "Thánh Phi Miếu". Đây là một hoang phế Chăm còn sót lại đã in dấu trong những lời ca, điệu múa lễ hội dân gian: "Vũ trụ quay bời bời nắng đổ/ Trống dập dồn tung cánh phượng bay/ Gót chân hồng nhịp điệu vòng tay/ Tiếng kèn Saranai lửa cháy".

Thành cổ Diên Khánh ghi dấu những trận thủy chiến trên sông Cái một thời binh đao, khói lửa dữ dội giữa quân nhà Nguyễn và Tây Sơn. Đây còn là nơi giặc Pháp giam giữ nhà chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp (1870-1908). Trần Quý Cáp (quê Quảng Nam) là một trong ba nhân vật kiệt xuất của phong trào yêu nước Duy Tân (1905-1908) chống Pháp. Năm 1908 ông bị Pháp bắt và giam tại thành Diên Khánh. Tuy không có chứng cứ nhưng chúng vẫn ra lệnh chém ông. Hiện thị trấn Diên Khánh vẫn còn đền thờ Trần Quý Cáp.

Đáng chú ý Trần Quý Cáp còn là một nhà thơ có tài. Ông đã viết một bài thơ cho hát ca trù rất sắc sảo. Lời ca vang lên đanh thép: "Dám hỏi mấy người công khanh, hầu bá/ Ăn cơm vua, cầm quyền nước, ngồi mà lo những chuyện chi chi…" (Đánh đổ quan lại tham nhũng). Chí khí dũng mãnh của nhà cách mạng luôn được tôn vinh: "Sống vô ích, sướng chi cái sống/ Chết nên công, chết cũng nên đời" (Tìm ngọc ở núi cao). Tâm hồn chí sĩ rung động với lý tưởng vì đất nước: "Sầu lắng biển xanh tầm mắt vút/ Hờn lên mây trắng nắm tay vung" (Qua cửa Ải Vân Quan).

Chúng tôi dừng chân trên cầu Thành bắc ngang sông Cái ngắm thị trấn Diên Khánh lung linh trong bình minh tỏa rạng. Thành cổ soi bóng thời gian bên dòng nước mênh mông chảy từ những con thác dội về. Sau này trung tâm tỉnh lỵ Khánh Hòa được chuyển từ Diên Khánh về thành phố Nha Trang sát biển (năm 1945). Nhưng luôn còn đó một thị trấn Diên Khánh xinh đẹp hồn hậu với bức thành cổ được ghi dấu hình ảnh: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" (Bà Huyện Thanh Quan). Một không gian bao la sông nước cùng với ánh sáng bao trùm những con đường lớn và hệ thống cầu mới bắc qua sông Cái. Giấc mơ về một thành phố Diên Khánh đang hình thành trên mọi tuyến đường thiên lý Bắc Nam.

Kỳ quan trên cửa sông

Ở thượng nguồn, sông Cái còn có tên là sông Thác Ngựa. Khi chảy qua huyện Diên Khánh sông mang tên Phú Lộc. Nhưng khi xuôi về tới thành phố Nha Trang lại có tên sông Cái Nha Trang. Một di tích đặc biệt sừng sững tại cửa sông Cái Nha Trang đã tồn tại gần ngàn năm qua. Đó chính là quần thể Tháp Bà Ponagar trên ngọn đồi cao 12 mét. Đây là dấu tích Chăm hoàn chỉnh nhất trong những hệ thống tháp Chăm cổ.

Tháp chính cao 23 mét được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn độ giáo) thờ nữ vương Po Nagar (vợ vua Shiva). Trong một bia ký trên đồi đã miêu tả về nữ vương: "Nữ thần của vương quốc Chăm Kauthara có tấm thân rực sáng bởi vẻ đẹp và tấm khăn choàng tuyệt hảo bằng vàng. Người có khuôn mặt ngời sáng rạng rỡ và đẹp đẽ như đóa hoa sen…". Riêng ngôi tháp thứ tư còn sót lại chỉ cao hơn 7 mét với mái che hình yên ngựa (giống như một chiếc thuyền). Ngôi tháp này thờ vị thần tượng trưng cho sức mạnh đồng thời cũng thờ ông bà Tiếu - người đã cưu mang và nuôi dưỡng nữ thần Po Nagar. Câu chuyện cảm động về lòng nhân ái luôn được lưu truyền trong dân gian cho tới nay.

Sông Cái ở Diên Khánh.

Sông Cái ở Diên Khánh.

Đây là truyền thuyết đậm dấu ấn văn hóa tâm linh của người Việt khi luôn coi nữ vương Po Nagar là thần Thiên Y A Na. Bởi bà đem lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho loài người. Nữ thần hóa thân vào cây kỳ nam và là người sinh ra loài gỗ trầm hương trên vùng núi Khánh Hòa. Tương truyền bà còn trồng bốn cây trầm hương lớn để trấn bốn phương làm cho người dân Khánh Hòa luôn được thiên thời địa lợi và bình yên.

Hiện bốn tháp trên đồi cao luôn có hình ảnh vũ nữ Apsara hiện hữu với những đường cong kỳ ảo. Nữ thần hiện lên tươi trẻ sáng láng đúng như lời văn bia lưu truyền: "Đôi má sáng chói bởi ánh sáng ngọc ngà châu báu, đã luôn ban phước cho tất cả mọi người". Trong thân tháp lớn là điện thờ hình vuông với tượng nữ thần Po Nagar luôn được thắp trầm ngát hương. Sự huyền ảo của Tháp Bà đã được nhập đồng cùng với hồn thơ: "Em là đá là mây hay lửa/ Bỗng tan ra trùng điệp gió mây/ Nhập vào Apsara cuồn cuộn vòng tay/ Thành tượng đá bay lên đỉnh tháp" (Hạnh Hoàng Thi).

Hơn nữa quanh đồi tháp (hay đồi Cù Lao) vẫn ẩn giấu những bí ẩn ngàn năm qua về một kho báu chưa được khám phá. Vì thế đồi Tháp Bà còn được gọi là Đồi Vàng. Bởi một tấm bia trên đồi ghi lại những công đức của nhiều đời vua đã góp tiền của. Nào là miện vàng, châu báu ngọc ngà, kể cả ngai vàng và gươm cổ. Thậm chí trong kho báu còn có cả một pho tượng bằng vàng do vua Indravarman cung tiến.

Lại nghe nói, người xưa đã đào một con đường ngầm dưới chân đồi ra biển để chôn giấu kho báu. Vị trí của nó được vẽ và chỉ đường dẫn lối bằng chữ Chăm cổ khắc trên cụm đá Hòn Chữ. Chính vì thế nơi đây đã từng xảy ra nhiều cuộc huyết chiến của giặc biển vào tìm cách cướp kho báu. Máu xương đã chan hòa cửa sông Cái đổ ra biển Đông. Những âm hồn đâu đó vẫn hiện về trong đêm tối: "Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận/ Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang/ Máu Chăm cuộn tháng ngày niềm oán hận/ Xương Chàm luôn rào rạt nỗi hờn căm" (Chế Lan Viên).

Vũ điệu sóng

Khi chảy về Nha Trang sông Cái chia là hai nhánh trôi ra biển. Khu đảo Xóm Bóng nằm giữa hai dòng sông nơi cửa biển lớn. Hòn đảo luôn dậy lên tiếng kèn Saranai réo rắt trong những vũ điệu Chăm xưa. Xóm Bóng nằm ngay dưới chân đồi Tháp Bà và cách cụm đá Hòn Chữ không xa. Cù lao phù sa này được gọi là làng nghệ sĩ thì đúng hơn. Cư dân ở đây là những nhạc sĩ và vũ công chân đất biểu diễn trong những ngày lễ hội Bà (20/23 tháng ba âm lịch).

Trong dân gian vẫn lưu truyền: "Ai về xóm Bóng quê nhà/ Hỏi thăm điệu múa dân Bà còn không?". Những nghệ sĩ dân gian Chăm luôn nuôi dưỡng tâm hồn và cất lên tiếng hát đem lại niềm vui cho mọi người. Họ dâng lên nữ thần với sự tưởng nhớ về ngọn nguồn tình yêu cuộc sống. Sự biết ơn về mảnh đất do dòng sông Cái tạo nên. Đó là phù sa đỏ đã xây dựng những tượng đài trên đồi Tháp. Cửa biển nơi đây còn những bí ẩn đầy sự cuốn hút. Dòng sông Cái cuộn trôi với sức sống mãnh liệt biểu tượng cho thành phố Nha Trang anh hùng trên biển Đông.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/song-cai-gam-vang-thac-ngua-bay-i713376/