'Sống chung' với hạn, mặn vùng ĐBSCL
Sau loạt phóng sự 'Miền Tây quay quắt giữa hạn mặn' phản ánh những khó khăn mà người dân đang đối mặt trong mùa hạn, mặn khốc liệt, báo Tiền Phong tổ chức hội thảo: 'Sống chung' với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào sáng 27/3 tại TP Cần Thơ, nhằm chia sẻ các giải pháp thích ứng với hạn, mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Xâm nhập mặn chạm ngưỡng năm 2016
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chia sẻ, từ nửa cuối tháng 12 tới nay, trên toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần như không mưa. Tổng lượng mưa thời gian này thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%. Trong điều kiện mưa gần như không có, trời nắng kéo dài, tổng lượng dòng chảy từ sông Mê Kông về bị thiếu hụt khiến ĐBSCL trải qua mùa hạn, mặn khốc liệt.
Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Từ nửa cuối tháng 11/2023, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các sông theo đỉnh triều trong ngày. Từ tháng 12 đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra, trong đó đỉnh điểm là tháng 3. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8-13/3 với ranh mặn 4%o vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn. Từ ngày 24/3, ĐBSCL cũng bước vào một đợt xâm nhập mặn mới, dự kiến đỉnh điểm kéo dài đến ngày 28/3. Thời gian này, phạm vi xâm nhập mặn tại cửa sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có thể lên tới 70-90km, sông Cửa Tiểu, Cửa Đại khoảng 50-57km, sông Hàm Luông khoảng 50-60km, sông Cổ Chiên khoảng 40-50km, sông Hậu 40-47km, sông Cái Lớn 40-45km.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, tính đến hiện nay, mức độ xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với năm 2016, cũng là một năm chịu tác động của El Nino khiến xâm nhập mặn kỷ lục xuất hiện. Riêng tại tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn ở mức xấp xỉ ranh mặn sâu nhất năm 2016, xâm nhập mặn trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016.
Mùa mưa đến muộn, xâm nhập mặn còn tiếp tục
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, mùa mưa năm nay ở Nam bộ có thể đến muộn, những trận mưa đầu tiên có thể xuất khoảng giữa tháng 5. Trong bối cảnh mưa ít, nắng nóng có thể kéo dài trên diện rộng, nền nhiệt cao, bốc hơi mạnh, thời điểm cuối tháng 3 đến tháng 4, xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra tại ĐBSCL nhưng giảm dần về mức độ. Riêng sông Vàm Cỏ, Cái Lớn tháng 4 có thể chịu hai đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng từ ngày 8-12/4 và ngày 25-29/4.
Hội thảo “Sống chung” với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra trực tiếp vào lúc 8h30 ngày 27/3/2024 tại Trường Đại học Cần Thơ - Đường 3 tháng 2, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ, được tường thuật trực tuyến trên báo điện tử Tiền Phong (tienphong.vn) và trên Fanpage báo Tiền Phong.
Tuy nhiên, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng lưu ý, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Cửu Long, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương trong vùng cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Trong bối cảnh hạn, mặn diễn ra khốc liệt ở ĐBSCL những tháng qua và dự báo còn tiếp tục, báo Tiền Phong đã triển khai phóng sự dài kỳ “Miền Tây quay quắt giữa hạn, mặn”, phản ánh những khó khăn, thiệt hại do hạn, mặn gây ra đối với đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng ảnh hưởng. Với mong muốn tạo nên diễn đàn chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm thích ứng với hạn, mặn trong bối cảnh thiên tai ngày càng dị thường, sáng 27/3, báo Tiền Phong tổ chức hội thảo: “Sống chung” với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lãnh đạo và chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ; các chuyên gia độc lập về môi trường, biến đổi khí hậu, trồng trọt, nước sạch; đại diện sở ngành các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang. Ngoài ra, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo chủ đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy lợi, nước sạch.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/song-chung-voi-han-man-vung-dbscl-post1623365.tpo