Sống chung với voi ở Nepal (2): Bỏ lúa, trồng trà, nuôi ong để đuổi voi

Bất chấp các hàng rào điện, đàn voi vẫn tiếp tục xâm phạm làng Bahundangi. Những người nông dân vẫn đang mất mùa và họ phải mất nhiều tháng để nhận được khoản bồi thường từ nhà nước.

Voi tấn công người sau khi bị kích động

Voi tấn công người sau khi bị kích động

Những cuộc chạm trán gây thiệt mạng cho người và voi vẫn tiếp diễn. Rõ ràng là nếu chỉ có rào điện thôi thì không hiệu quả. Những người nông dân cần một cách để bảo vệ sinh kế của họ mà không phải chiến đấu với đàn voi.

Chuyển đổi canh tác để bảo vệ mình trước voi

Đó là lúc nông nghiệp chống voi xuất hiện như một bước ngoặt. Nông dân bắt đầu chuyển từ ngô và lúa sang các loại cây trồng mà voi không ăn — chẳng hạn như trà, lá nguyệt quế và chanh

Arjun Karki dẫn đầu sáng kiến khuyến khích nông dân chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác ngoài ngô và lúa. Ông cho biết, lúc đầu, những người nông dân vốn bao đời trồng lúa - cây lương thực chính của Nepal, đã tỏ ra nghi ngờ. Nhưng sau hai năm, những lá trà đầu tiên đã sẵn sàng để thu hoạch.

Karki kể: “Chúng tôi đã bán 35 kg lá trà đầu tiên của mình rất vất vả, phải chở chúng qua biên giới bằng xe đạp vì ở đây không có chợ. Nhưng bằng cách bán trà, người dân đã có thể kiếm tiền mua gạo. Dần dà mọi thứ khá lên. Sau một vài năm, chúng tôi đã chuyển từ xe đạp sang xe bò để vận chuyển. Cuối cùng, chúng tôi bắt đầu sử dụng máy kéo”.

Lúc đầu, lão nông Diwakar Neupane, 65 tuổi, tỏ ra nghi ngờ về việc chuyển canh tác từ ngô và lúa sang trà. Nhưng sau một vài năm, ông đã thấy được lợi ích. Neupane kể: “Lúc đầu rất khó khăn. Nhưng giờ tôi có thu nhập ổn định và không còn lo voi phá hoại mùa màng nữa”.

Sự thay đổi này cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước và thiếu lao động để trồng lúa. Khi nhiều nông dân chuyển đổi, đồng ruộng ở Bahundangi trở nên kém hấp dẫn đối với voi.

Theo Karki, ngày nay, ngôi làng này bán được 22 triệu rupee Nepal (158.700 USD) trà mỗi năm. Ngoài ra, nông dân cũng đã sử dụng lá nguyệt quế và chanh, giúp đa dạng hóa thu nhập của họ hơn nữa.

Biến chuyển ở làng Bahundangi có tính liên hệ cao với nghiên cứu của nhà nghiên cứu Ashok Ram và nhóm của ông. Nghiên cứu năm 2021 của ông phát hiện ra rằng hầu hết nạn nhân bị voi tấn công là nam giới (87,86%) có trình độ học vấn thấp. Một phần tư các vụ tấn công xảy ra khi mọi người đang đuổi voi, thường liên quan đến những con voi đực đơn độc hoặc nhóm những con đực mới lớn. Các vụ việc xảy ra thường xuyên hơn ở bên ngoài các khu bảo tồn, với nguy cơ tử vong cao hơn đối với những người say rượu hoặc sử dụng pháo nổ. Ngược lại, việc đuổi voi bằng lửa ít dẫn đến tử vong.

Pradhan nói: “Voi thường không trả đũa trừ khi bị khiêu khích. Nếu không bị quấy rầy, chúng sẽ tiếp tục đi trên đường một cách bình thường. Tuy nhiên, khi mọi người đuổi theo hoặc làm hại chúng, voi sẽ nhớ và có thể hành động để tự vệ”.

Năm 2022, Karki đã vận động tranh cử ghế Thị trưởng thành phố Mechinagar-4 và có thẩm quyền quản lý làng Bahundangi. Karki đã giành chiến thắng với lời hứa sẽ giúp làng thoát khỏi các cuộc tấn công của voi. Một năm trước, ông đã mời Kedar Karki, thủ hiến tỉnh Koshi, đi bộ qua khu vực này để nâng cao nhận thức về giải quyết xung đột giữa người và voi.

Nuôi ong giúp đuổi voi

Khi ngày càng nhiều nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng kháng voi, nguồn cơn xung đột đã giảm xuống.Trong những năm gần đây, nông dân Bahundangi cũng đã bắt đầu nuôi ong vì ong tự nhiên có tác dụng ngăn chặn voi. Karki cho biết “Chúng tôi đang khuyến khích nông dân trồng mù tạt, loại cây thu hút ong và hỗ trợ các sáng kiến nuôi ong”. Cách tiếp cận này không chỉ giúp bảo vệ mùa màng mà còn cung cấp thêm nguồn thu nhập cho nông dân.

Trong khi đó, cộng đồng đã huy động các tình nguyện viên vào một đội phản ứng nhanh (RRT) để hướng dẫn voi tránh xa khu dân cư và di chuyển an toàn qua các hành lang di cư.

Đội RRT được đào tạo bởi tổ chức phi chính phủ Ujyalo Nepal và Trung tâm Phát triển miền núi Quốc tế, một cơ quan liên chính phủ có trụ sở tại Kathmandu. Đội RRT gồm các tình nguyện viên được huấn luyện các biện pháp can thiệp an toàn khi voi vào làng, đặc biệt là trong mùa thu hoạch.

Sự chuyển đổi thực sự bắt đầu từ một thập niên trước, khi các giải pháp này bắt đầu mang lại kết quả. Vụ tấn công voi gây tử vong gần đây nhất ở Bahundangi là vào năm 2015, khi một người già vào rừng chặt cây.

Vợ của nạn nhân nhớ lại: “Cảnh sát khi ấy đang đuổi theo con voi, và phát ra tiếng động lớn để cảnh báo mọi người. Chồng tôi lúc đó lại đội mũ vải kín đầu để chống lạnh. Ông ấy không nghe thấy tiếng la hét và bị con voi đã giẫm đạp lên”. Kể từ đó, nhờ các chiến lược chung sống hài hòa, không có thêm trường hợp tử vong nào được báo cáo trong 10 năm qua.

Bốn năm sau đêm kinh hoàng khi chứng kiến một con voi phá tường vào kho thóc và ăn sạch lương thực (đã đề cập phần đầu kỳ trước), Krishna Bahadur Rasaili và gia đình đã hoàn toàn chung sống hòa bình với đàn voi. Rasaili kể: “Chúng tôi lúc đó kiên trì ở trong nhà và sau đó nộp đơn xin bồi thường”. Được đảm bảo về khoản bồi thường, gia đình Baraili vẫn trồng ngô và lúa trên những mảnh đất nhỏ để tự cung cấp lương thực mặc dù nhiều nông dân xung quanh đã chuyển đổi cây trồng.

Cần sự đồng bộ chứ không chỉ nỗ lực từ 1 ngôi làng

Trong khi Bahundangi đã chuyển mình từ một nơi bị tàn phá bởi xung đột giữa người và voi thành nơi chung sống hòa thuận với loài vật này, thì những người dân làng ở phía tây nơi này hiện đang phải vật lộn với những thách thức.

Chỉ riêng trong tháng 1, ba người dân đã thiệt mạng sau một cuộc chạm trán với một con voi hoang dã ở Sundar Haraicha, cách Bahundangi khoảng 85 km về phía tây. Pradhan cho biết Bahundangi có thể đóng vai trò là mô hình cho Sundar Haraicha và các ngôi làng ở phía tây học tập để giúp những chú voi có thể di chuyển theo tuyến đường truyền thống của chúng.

Nhà nghiên cứu về voi Pradhan cho biết: "Thay vì cung cấp thức ăn cho voi, ưu tiên của chúng ta nên là tạo ra các hành lang cho phép chúng di chuyển tự do. Mặc dù hàng rào có thể là giải pháp tạm thời để bảo vệ đồng ruộng, nhưng chúng ta phải đảm bảo các lối đi an toàn để ngăn chúng xâm nhập vào các khu định cư của con người".

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/song-chung-voi-voi-o-nepal-2-bo-lua-trong-tra-nuoi-ong-de-duoi-voi-228875.html