Thầy thuốc rắn dưới góc nhìn khoa học
Người dân miền Tây không ai lại không biết về thời kỳ khẩn hoang ngày xưa, đó là một giai đoạn lịch sử quan trọng, đánh dấu quá trình người Việt Nam khai phá, chinh phục một vùng đất hoang vu, rừng rậm, sông ngòi chằng chịt, thiên nhiên khắc nghiệt đầy cọp beo, rắn rết, muỗi mòng, đỉa vắt, sốt rét, hạn hán, lũ lụt… Chính thời kỳ đó, đã xuất hiện những người thầy thuốc rắn.
Thầy thuốc rắn dân gian trong thời khẩn hoang là những người có kiến thức sâu rộng về các loài rắn độc, các triệu chứng khi bị rắn cắn và đặc biệt là sở hữu những bài thuốc dân gian để chữa bệnh. Họ thường sống ở các vùng quê, gần gũi với thiên nhiên, nơi mà rắn thường xuất hiện. Kiến thức của họ được học từ những người đi trước, cha truyền con nối hoặc tầm sư học đạo trở về.
Trong điều kiện y tế hạn chế, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, thầy thuốc rắn là những người đầu tiên được người dân tìm đến khi bị rắn cắn. Nhờ kinh nghiệm và kiến thức của mình, họ đã cứu sống không biết bao nhiêu mạng người.
Những bài thuốc trị rắn của họ là một phần quý báu của y học cổ truyền Việt Nam, được truyền lại qua nhiều đời. Nhờ họ mà ngành Y học cổ truyền luôn có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt.
Có rất nhiều giai thoại về thầy thuốc rắn. Má tôi có kể một câu chuyện về rắn rất ly kỳ, tôi còn nhớ mãi:
Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nhỏ ven sông, có một người nông dân tên là Ba Chuột. Ba Chuột sống bằng nghề làm ruộng và rất ghét rắn.
Mỗi khi thấy rắn xuất hiện, Ba Chuột đều tìm cách tiêu diệt chúng. Một hôm, Ba Chuột phát hiện một hang rắn lớn dưới gốc cây cổ thụ sau nhà. Tức giận vì sợ rắn gây hại cho gia đình, anh ta đã dùng cuốc đào hang và giết chết cả một gia đình rắn đang sinh sống ở đó. Không ngờ, trong số những con rắn bị giết có một con rắn cái đang mang thai. Con rắn đực bị đứt đuôi, vùng chạy thoát.
Nhiều năm sau, trong một đêm tối, Ba Chuột đang ngủ, bỗng thấy lỗ mũi nóng nóng, mới vừa đưa tay lên quẹt mũi, thì thấy có một con rắn cụt đuôi to lớn, mình quấn cây lên xà ngang, miệng phì phò chảy nước miếng xuống nóc mùng nơi Ba Chuột nằm. Ba Chuột vùng chạy ra cửa, miệng la í ới.
Đến sáng, Ba Chuột thấy một ông lão râu tóc bạc phơ đang đi lang thang đến làng. Đến cửa nhà Ba Chuột, ông lão dừng lại và nói: “Tôi là thầy thuốc rắn. Tôi thấy yêu khí của rắn bốc lên rất cao từ nhà của ông, tôi muốn vào xem thử”. Ba Chuột kể lại đầu đuôi câu chuyện của mình, ông thầy thuốc rắn trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Ông đã phạm phải một tội lỗi rất lớn. Ông hãy đến ngôi miếu cổ ở cuối làng và thành tâm sám hối”.
Ba Chuột vội vã đến ngôi miếu cổ. Khi vừa bước vào miếu, một cơn gió lạnh thổi qua và Ba Chuột thấy một con rắn khổng lồ đang cuộn mình trước bàn thờ. Con rắn có đôi mắt đỏ ngầu và nhìn Ba Chuột bằng ánh mắt đầy thù hận.
Ba Chuột sợ hãi quỳ xuống và van xin con rắn tha thứ. Con rắn nhìn anh ta một lúc, rồi đột nhiên nói tiếng người: “Ta sẽ tha cho ngươi, nhưng ngươi phải hứa sẽ không bao giờ giết hại bất kỳ sinh vật nào nữa”. Ba Chuột vội vàng gật đầu lia lịa đồng ý. Từ đó về sau, Ba Chuột sống lương thiện và không bao giờ dám làm hại bất kỳ loài vật nào nữa.
Qua câu chuyện má kể, trong lòng tôi nghĩ ông thầy thuốc rắn giống như một ông tiên giữa đời thường và quan trọng là má tôi giúp tôi tin rằng trên đời này có quả báo. Sau này khi trở thành bác sĩ, tôi có điều kiện nhìn lại vai trò của những người thầy thuốc rắn, tôi càng tôn trọng, biết ơn các bậc tiền bối nhiều hơn.
Ở những vùng đất mới, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, bệnh tật dễ bùng phát và người thầy thuốc rắn chính là những người cứu tinh, mang lại sự an tâm cho cộng đồng. Thầy thuốc rắn ngoài cứu người bị rắn cắn, họ còn chữa bệnh tật thông thường bằng các loại thảo dược, cây cỏ tự nhiên để điều trị các bệnh sốt, đau bụng, vết thương...
Hiện nay, có nhiều bài thuốc của thầy thuốc rắn đã chứng minh được hiệu quả trong việc chữa bệnh. Hình ảnh của thầy thuốc rắn mãi là một phần không thể thiếu trong ký ức của người dân Nam bộ.
Tuy nhiên, để nghề thầy thuốc rắn không bị mai một, chúng ta cần có một chính sách linh hoạt, khoa học kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, như trang bị cho tất cả các thầy thuốc rắn về kiến thức cấp cứu đúng khi bị rắn độc cắn, biết chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế kịp thời và thường xuyên cập nhật chuyên môn cho họ, ví dụ như: Không chích rạch, cắt lể, hút máu vết thương vì không có tác dụng, có khi vết thương chảy máu nhiều hơn, nguy cơ nhiễm trùng.
Không garô trên vết cắn vì dễ thiếu máu chi, hoại tử chi. Không cúng bái, bùa ngải sẽ làm trễ thời gian cấp cứu. Và một điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với mọi người là khi bị rắn độc cắn, hãy đến cơ sở y tế gần nhất vì hiện nay ở đó có đủ phương tiện hiện đại để cứu sống người bị rắn độc cắn.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202502/thay-thuoc-ran-duoi-goc-nhin-khoa-hoc-1033380/