Sông Đáy 'kêu cứu'

Sông Đáy dài khoảng 250 km - một trong những dòng sông lớn ở miền Bắc - đang ô nhiễm trầm trọng, bị 'bức tử' vì nước thải đô thị.

Kiểm soát nguồn xả thải ra sông Đáy

Theo kết quả quan trắc của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, vào mùa khô như hiện nay, nước sông Đáy ô nhiễm trầm trọng hơn. Với 20 điểm lấy mẫu thì 16 điểm cho kết quả chất lượng kém; ba ở mức xấu và một ở mức ô nhiễm rất nặng.

Trong đó, đặc biệt ở khu vực huyện Đan Phượng và Phúc Thọ, đang ở mức nghiêm trọng và kéo dài trong nhiều năm qua. Đoạn sông chảy qua hai huyện này thường xuyên xuất hiện nước đen kịt, nổi váng, bốc mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sức khỏe của người dân địa phương.

Dòng sông Hát là một nhánh đầu nguồn của sông Đáy nằm giữa hai huyện Phúc Thọ và Đan Phượng. Theo phản ánh của người dân, nước thải từ các trang trại chăn nuôi lợn và nước sinh hoạt của khu vực dân cư ở xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) đã đổ thẳng về đoạn sông thuộc xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ).

Sau tháng 8/2024, trước phản ứng của người dân Hát Môn về dòng kênh xả thải gây ô nhiễm, phía xã Trung Châu đã nắn kênh dẫn để nước thải đi qua khu cánh đồng với chiều dài khoảng 500m nhưng tất cả vẫn đổ về sông Hát.

Ông Nguyễn Văn Kính, Trưởng thôn 7 (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay có hai nguồn nước đổ về dòng sông Hát gồm: nguồn nước chăn nuôi và nguồn nước làm rau giá thải ra".

Đại diện chính quyền huyện Phúc Thọ cho biết, vào tháng 10 năm ngoái, sau khi có phản ánh hàng loạt trang trại xả thải “bức tử” dòng sông Hát, hai địa phương cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã kiểm tra các nguồn xả thải của các hộ dân trên địa bàn vào kênh tiêu Hát Môn. Trong đó phía Phúc Thọ khẳng định không có xả thải từ trang trại chăn nuôi; tuy nhiên, ở phía Trung Châu (Đan Phượng) dù đã xử lý nhưng vẫn còn tình trạng các hộ chăn nuôi xả thải ra môi trường, gây ảnh hưởng tới chất lượng nước sông Hát.

Ông Lê Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho hay: “Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng xả thải ra sông Hát: một là sinh hoạt của người dân xung quanh chưa có hệ thống thoát nước thải riêng; thứ hai là khu lò mổ xả trực tiếp hoặc khi chăn nuôi người ta rửa chuồng trại".

Phản hồi về thông tin này, phía Đan Phượng cho biết, trước tháng 8/2024, phía Trung Châu có hơn 10 trang trại lợn, nhưng đến nay chỉ còn ba hộ chăn nuôi và với quy mô nhỏ (tổng quy mô giảm từ 1.000 con xuống còn khoảng hơn 200 con). Nguồn xả thải cũng đã được kiểm soát, không còn tình trạng chảy trực tiếp ra kênh dẫn như trước đây. Các hộ không đảm bảo nguồn nước xả thải cũng đã bị yêu cầu dừng chăn nuôi.

Trả lời thông tin về việc nắn dòng kênh tiêu nhưng vẫn đổ ra sông Hát, đại diện xã Trung Châu thừa nhận, vẫn còn tình trạng ô nhiễm bởi nơi đây chứa nước thải sinh hoạt của các hộ dân. Để đảm bảo kiểm soát nguồn xả thải trước khi đổ ra sông Hát, địa phương hiện đã có kế hoạch cứng hóa hệ thống mương dẫn và lên kế hoạch đầu tư dự án xử lý để tách và xử lý nước thải.

Trước tình trạng các trang trại chăn nuôi khu vực ngoài bãi xả thải trực tiếp vào sông Hát, vào tháng 1/2024 huyện Đan Phượng đã xử lý cán bộ trong việc cho thuê đất trái thẩm quyền, xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ chăn nuôi xả thải ra môi trường… Sau tháng 8/2024 các hộ chăn nuôi quy mô lớn, xả thải ra môi trường đã chính thức dừng hoạt động chăn nuôi.

Dòng sông Hát đã bắt đầu cải tạo từ năm 2021 nhưng hiện vẫn dang dở. Theo chính quyền địa phương, ngoài việc kiểm soát nguồn xả thải, dòng sông cần được nạo vét để khơi thông dòng chảy.

Ngày nào dòng sông Hát vẫn là nơi xả thải, đồng nghĩa với việc, ngày đó, người dân xung quanh lưu vực phải hứng chịu môi trường ô nhiễm; ảnh hưởng tới việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và làm cho sông Đáy bị ô nhiễm trầm trọng.

Để sông Đáy là "sông trăng", "sông lụa"

Để xử lý được tình trạng ô nhiễm tại dòng sông Hát dẫn ra sông Đáy, không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát nguồn xả thải mà cần phải bổ cập nước để lưu thông dòng chảy. Năm 2004, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng cống Cẩm Đình - Hiệp Thuận để lấy nước từ sông Hồng tạo dòng chảy mùa kiệt trong sông Đáy, nhưng do mực nước trên sông Hồng hạ thấp dưới đáy cống, nên không lấy được nước trong mùa kiệt, gây tình trạng ô nhiễm rất nặng ở sông Đáy.

Không chỉ có cống Cẩm Đình, cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy trong đó có đập Đáy được người Pháp thiết kế xây dựng từ năm 1934, hoàn thành năm 1937 có nhiệm vụ phân lũ sông Hồng để bảo vệ cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh hạ du; chống úng, chống lũ cho các vùng ven sông Đáy. Tuy nhiên do mực nước sông Hồng hạ thấp, hiện cả khu vực này cũng đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Một người phụ nữ ở giáp khu vực đập Đáy cho biết, bà và các hộ dân xung quanh đây không dám mở cửa bởi mùi ô uế bốc lên từ dòng sông Đáy.

Theo đơn vị quản lý và vận hành đập Đáy (bao gồm cống Cẩm Đình và Vân Cốc), tình trạng khô cạn xuất hiện từ nhiều năm nay. Việc lấy nước từ sông Hồng vào sông Đáy chỉ thực hiện được khi nhà máy thủy điện mở cửa xả. Năm ngoái do lượng mưa lớn nên đập Đáy có 6 lần lấy nước thông qua hai cống, còn các năm trước đều rơi vào tình trạng khô cạn. Bốn tháng đầu năm nay, cũng chưa thể lấy được nước nên biến khu vực này trở thành vùng sình lầy, ô nhiễm.

Theo GS.TS. Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sông Hồng là nơi cung cấp nước cho các con sông nội địa: sông Tích, Đáy, Nhuệ và các công trình thủy lợi… Nhưng do tác động từ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và khai thác cát ở lòng sông quá mức, dẫn đến mực nước trong sông hạ thấp nghiêm trọng (khoảng 4 - 4,5 m), sông Hồng trở thành nơi nhận nước ô nhiễm chảy ngược từ các con sông nội địa. Các hệ thống thủy lợi không thể lấy nước chủ động từ sông Hồng, nên bị ô nhiễm nghiêm trọng. Do vậy, Hà Nội cần thực hiện việc xây đập dâng trên sông Hồng để các dòng sông có thể lấy nước tự chảy, vừa chủ động cho công tác tưới tiêu, vừa làm sống lại các dòng sông.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, tổng các điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi tính đến tháng 10/2024 trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy có gần 1.300 điểm xả thải, trong đó có hơn 850 điểm - chiếm 2/3 là các cống tiêu dân sinh, còn lại là điểm xả thải có nguồn gốc từ các khu đô thị, làng nghề, hoạt động sản xuất.

Để đảm bảo yêu cầu chủ động phòng chống lũ, tiêu thoát nước chống ngập úng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh, giảm ô nhiễm môi trường nước sông Đáy thì việc triển khai nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy từ Yên Nghĩa đến Ba Thá là giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu cụ thể tại Quyết định số 1821 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy. Tổng mức đầu tư thực hiện dự án dự kiến trên 16.000 tỷ đồng. UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản đề xuất các bộ, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện và bố trí nguồn vốn Trung ương hỗ trợ để thực hiện các dự án theo quy hoạch phòng lũ và đê điều sông Đáy thuộc thành phố Hà Nội.

Trong lúc chờ các quyết sách quốc gia thực hiện các giải pháp tổng thể thì những dòng nước xả thải ra sông cần phải được ngăn chặn, loại bỏ rác thải xuống lòng sông - điều này phụ thuộc vào ý thức của người dân và vai trò quản lý giám sát của chính quyền địa phương. Nếu không, dòng "sông trăng", "sông lụa" ngày nào vẫn là dòng sông chết.

Sông Đáy có chiều dài khoảng 250 km là phân lưu của sông Hồng chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ tại Cửa Đáy. Sông Đáy đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 88 km bắt nguồn từ xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), chảy qua các quận, huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa đến xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức).

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/song-day-keu-cuu-322122.htm