'Sóng gió gia tộc' trong mùa cưới ở Trung Quốc

Cao điểm mùa cưới hỏi, những người chuyên tổ chức hôn lễ phải thức trắng đêm liên tục, giải quyết hàng loạt rắc rối, chứng kiến 'sóng gió gia tộc' giữa hai bên gia đình.

 Mùa cao điểm đám cưới khiến những người tổ chức sự kiện phải chạy đua đến kiệt sức.

Mùa cao điểm đám cưới khiến những người tổ chức sự kiện phải chạy đua đến kiệt sức.

Trước ngày Quốc khánh (1/10), một người phụ nữ ở thị trấn Ngô Châu, Trung Quốc nhận được 21 lời mời đám cưới. Đây cũng là khoảng thời gian cao điểm mùa cưới hỏi ở đất nước tỷ dân, theo The Paper.

Trên thực tế, mệt mỏi nhất không phải cô dâu, chú rể hay họ hàng hai bên, bạn bè của họ mà chính là những người chuyên làm dịch vụ tổ chức sự kiện hôn lễ (wedding planner) - khi khối lượng công việc và áp lực lên đến đỉnh điểm.

Trong hình dung của nhiều người, những ngành nghề liên quan đến đám cưới sẽ tràn ngập ánh hào quang của hạnh phúc: bãi cỏ đầy nắng, váy cưới trắng bồng bềnh và những giọt nước mắt xúc động khi trao nhau lời thề nguyền...

Nhưng đằng sau niềm vui của ngày trọng đại là những mảnh ghép ngổn ngang, và chỉ những người làm tổ chức mới biết rõ nó hỗn tạp đến thế nào. Album điện thoại của những nhân viên thuộc công ty tổ chức luôn tràn ngập "cảnh xấu hổ trong đám cưới". Thực tế, nghề này không đẹp như mơ.

Nghỉ việc vì áp lực

Xiaoying từng là người chuyên lên kế hoạch đám cưới ở thành phố cấp một ở miền Nam Trung Quốc.

Sau hai đám cưới liên tiếp, Xiaoying cảm thấy mình kiệt sức. "Hôm đám cưới đầu tiên kết thúc, tôi vội vào kho kiểm đồ cho hôn lễ ngày hôm sau, tận nửa đêm chưa được ngủ", cô nhớ lại thời điểm này năm ngoái.

Cuối cùng, cô đã nghỉ làm tại công ty tổ chức đám cưới vì khối lượng công việc quá nhiều. Thời điểm đó, nửa tháng cô chỉ được nghỉ một ngày và sức khỏe của cô dần suy kiệt.

Hơn nữa, mức lương của một wedding planner không cao, công việc lại quá nặng nhọc và phức tạp. Mỗi ngày trở về nhà, chân tay Xiaoying thường có vết xước.

 Những chuyên viên tổ chức đám cưới phải theo sát từng hoạt động của khách hàng, lo liệu mọi vấn đề có thể phát sinh.

Những chuyên viên tổ chức đám cưới phải theo sát từng hoạt động của khách hàng, lo liệu mọi vấn đề có thể phát sinh.

Điều khiến Xiaoying ức chế nhất là nhiều khách hàng lớn tuổi không chịu tiếp thu ý kiến của một cô gái trẻ.

Sẽ luôn có những tình huống bất ngờ xảy ra trong đám cưới, nhưng thường chỉ người tổ chức đám cưới biết về nó.

Có lần, MC do công ty cô thuê kể chuyện cười nhưng quá gượng khiến không khí hội trường trở nên kỳ cục. Trước khi buổi lễ kết thúc, anh ta còn nóng nảy giục người phục vụ "Dọn đồ ăn ra nhanh lên", và quên tắt micro.

Do dịch bệnh, các kế hoạch đám cưới cũng liên tục thay đổi thời gian, hình thức. Những năm qua, Xiaoying đột nhiên bị hoãn hoặc hủy nhiều đơn đặt hàng, nhiều người chuyển sang tổ chức trực tuyến.

Nhưng dù ở hình thức này, vai trò của người tổ chức hôn lễ không chỉ là "quản gia" mà giống như "bảo mẫu".

Đôi khi, chỉ cần một sai sót nhỏ trong đám cưới cũng có thể gây nên "thảm họa" lớn. Có lần Xiaoying gặp tình huống sàn nhà hàng lau không sạch khiến một cụ bà té ngã, cô phải gọi cấp cứu, cả hôn trường hoảng hốt.

 Bất cứ sự cố nào đều có thể xảy ra khiến đám cưới trở nên hỗn loạn.

Bất cứ sự cố nào đều có thể xảy ra khiến đám cưới trở nên hỗn loạn.

Là người tổ chức đám cưới, Xiaoying cũng được các cô dâu tin tưởng và chia sẻ nhiều điều, trút bầu tâm sự. Đa số phàn nàn là về nỗi lo của họ về các trò đùa thô tục khi náo hôn.

Lần đầu tiên nhìn thấy một cô dâu khóc đến lớp trang điểm biến dạng, Xiaoying đã rất sốc. Sau này, cô mới biết ở một số vùng có quan niệm cô dâu sang nhà chồng phải rơi nước mắt, nếu không sẽ bị chê cười. Cô dâu được yêu cầu khóc to hơn để bày tỏ cảm xúc.

Xiaoying nói rằng cô không thể hiểu được cảnh tượng "đáng buồn" ấy, cảm thấy đó không phải biểu hiện của cảm xúc thật sự và không liên quan gì đến vấn đề đạo đức.

Kế hoạch cầu hôn của bạn trai cũng khiến những cô gái không thoải mái. Những chàng trai Xiaoying gặp thường có suy nghĩ đơn thuần rằng bạn gái chắc chắn sẽ nói "có".

Một người đàn ông lúc bàn kế hoạch nói chuyện rất hùng hồn, nhưng tới lúc cầu hôn bạn gái trong nhà hàng lại ú ớ không nói nên lời, kết quả dàn nhạc phải chơi mãi. Cô gái rất xấu hổ, mọi ý tưởng ban đầu đảo lộn.

Vì vậy, những người lập kế hoạch như Xiaoying luôn phải có kế hoạch "lùi lại" trong trường hợp cô dâu từ chối.

Căng thẳng tâm lý

Si Lu là một người làm thiết kế đám cưới đã có 3 năm trong nghề. Si Lu đến với ngành này rất tình cờ, trước đó anh là sinh viên chuyên ngành công nghệ số.

Thời gian làm việc điên cuồng nhất của anh là thức liên tục đến 3-4h sáng suốt vài tuần. Sau khi thiết kế không gian cho khoảng 300 sân khấu đám cưới, anh nhận ra rất khó tìm được vị khách nào có ý tưởng thật sự.

Các chủ nhân của bữa tiệc thường muốn tạo sự đặc biệt riêng, đồng thời lại chạy theo xu hướng đám cưới đang rầm rộ trên mạng.

Có cô dâu từng muốn thiết kế một mô hình ôtô sang trọng lớn, với đôi mắt to và lông mi cong, tại địa điểm cưới. Si Lu đã thức trắng 3 đêm để thực hiện ý tưởng kỳ lạ này.

Si Lu nhận thấy mọi người đều muốn có một đám cưới độc đáo, nhưng số người chấp nhận ý tưởng lạ không cao. Ví dụ, anh thấy một chiếc váy cưới màu đen rất đẹp và sang trọng, nhưng anh biết rằng khó có ai chấp nhận nó.

Cha mẹ hai bên cũng là "bài toán khó", họ mong muốn kiểm soát mọi khâu tổ chức và làm theo ý mình. Anh cũng chứng kiến không ít "sóng gió gia tộc" diễn ra trong quá trình tiến hành đám cưới.

Có lẽ vì quá áp lực, Si Lu thường xuyên mất ngủ trong khoảng thời gian dài. Sau khi đi khám, anh được bác sĩ chẩn đoán có khả năng rối loạn lo âu và trầm cảm.

Vì lẽ đó, Si Lu đang nghiêm túc cân nhắc về chuyện đổi nghề. Anh mong sau khi nghỉ ngơi có thể tĩnh tâm viết sách, chia sẻ về những cay đắng của người làm nghề tổ chức cưới xin.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/song-gio-gia-toc-trong-mua-cuoi-o-trung-quoc-post1362779.html