Sông Hồng ký sự - Kỳ 12: Ở xưởng đóng tàu nghìn tấn

Một con sông lớn như sông Hồng mà thiếu những cơ sở đóng tàu quả là một thiếu sót lớn. Và vinh dự đó đã được sông Hồng trao cho Ninh Cơ, một phân lưu rất đặc biệt của sông Hồng trước khi đổ ra biển Đông…

Vị trí đắc địa

Nhìn trên bản đồ, sông Hồng qua Nam Định, Thái Bình vẫn tiến thẳng ra biển Đông theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Hướng chảy chính này của sông Hồng mãnh liệt, mang nặng phù sa bồi đắp hai bên và lấn cả ra biển tại cửa Ba Lạt. Điều đó là tốt cho ngành nông nghiệp nhưng lại là bất lợi cho ngành vận tải đường thủy vì tàu lớn dễ mắc cạn, không thể ra biển. Nhưng tạo hóa đã sắp đặt sứ mệnh đưa tàu lớn từ sông Hồng ra biển cho sông Ninh Cơ và sông Ninh Cơ cũng tận dụng cơ hội này để phát triển ngành đóng tàu.

Công nhân lành nghề đang hàn thành vỏ tàu

Công nhân lành nghề đang hàn thành vỏ tàu

Điểm chia tách của sông Hồng thành sông Ninh Cơ tại xã Trực Chính (huyện Trực Ninh) và Xuân Hồng (huyện Xuân Trường). Từ đây, sông Ninh Cơ bắt đầu chảy chếch mạnh xuống hướng Nam, qua ranh giới hai huyện Trực Ninh, Xuân Trường, sau đó xuyên ngang qua huyện Trực Ninh, rồi đổi hướng để tạo thành ranh giới tự nhiên giữa huyện này với huyện Nghĩa Hưng. Đoạn sau đó là ranh giới giữa huyện Nghĩa Hưng (phía tây) và Hải Hậu (phía đông), cuối cùng sông đổ ra cửa Lạch Giang tại nơi tiếp giáp giữa xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) và thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Trên cầu Lạc Quần (nối huyện Trực Ninh - Xuân Trường) phóng tầm mắt ra xa, ta sẽ thấy la liệt những xưởng đóng tàu. Dưới bãi sông, tiếng đe, tiếng búa, tiếng máy rục rịch hoạt động. Tôi tìm đường vào xưởng đóng tàu nhộn nhịp nhất. Xưởng này nằm trên bãi sông rộng hơn 1 héc ta, cổng đề là Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Tiến thuộc xã Việt Hùng (Trực Ninh). Hai con tàu vận tải sông pha biển (tàu SB) dài hàng trăm mét lừng lững như nhà cao tầng, đặt dọc chiếm trọn bãi sông này. Từng tốp công nhân đang tất bật hàn ghép các mảnh tôn để hoàn thiện vỏ tàu.

Anh Hoàng Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Tàu thủy Hoàng Tiến dong dỏng cao, khuôn mặt đen sạm, trong bộ quần áo bạc màu cũ kỹ tiếp chúng tôi. Bắt đôi tay chai sần và thô ráp, chúng tôi biết rằng, người đàn ông đối diện tôi không phải là một giám đốc bàn giấy.

Thông thường, muốn có một cơ sở xưởng sửa chữa và đóng mới tàu thủy, chủ đầu tư phải làm thủ tục đầu tư xin thuê vài héc ta đất, thiết kế, xây dựng ụ tàu, cơ xưởng… Ngoài ra, họ phải đầu tư mua sắm các loại thiết bị, cẩu, ô tô, máy cắt hàn uốn tôn… Đặc biệt, để hoàn thiện một công ty, họ phải xây dựng bộ máy tổ chức, tuyển dụng đào tạo cán bộ, công nhân. Như vậy phải mất khoảng vài năm cơ sở đó mới đi vào sản xuất được. Tuy nhiên, anh Nam tận dụng thời cơ bằng cách thuê cơ sở đã được đầu tư từ chục năm trước và gần như chỉ việc bắt tay vào đóng tàu được ngay sau khi nhận đơn hàng.

Xưởng đóng tàu của anh Nam những ngày cao điểm có khoảng 80 người, làm tất cả các công đoạn, từng nhóm làm từng công việc. Việc lắp máy và thiết bị hoàn chỉnh cho con tàu cũng được tiến hành ngay trên bãi. “Người thợ đóng tàu cũng giống như người thợ xây. Đóng một con tàu giống như xây dựng một căn nhà. Giờ đây, khách hàng đến thuê đóng tàu sẽ chịu trách nhiệm về vật tư đóng tàu, còn chúng tôi là người thợ thực hiện theo bản vẽ thiết kế có sẵn. Tôi là chủ đứng lên nhận hợp đồng đóng tàu, là đầu mối phân phối các đầu việc cho đội kỹ thuật điện, đội máy, đội sơn làm. Ở xưởng của tôi không phân biệt ai là thợ chính hay thợ phụ cả. Từ kinh nghiệm thực tế, tôi có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi các phần việc theo bản vẽ thiết kế đã được đăng kiểm duyệt”, anh Nam nói. Theo anh Nam, tàu trọng tải 1,2 vạn tấn có chi phí đầu tư vật liệu, máy móc và công sức vào khoảng 100 tỷ. Tuy nhiên, tiền vật liệu, máy móc chiếm phần lớn, tiền công đóng tàu chỉ chiếm khoảng 1/10 giá trị con tàu. Thời gian hoàn thiện con tàu là 1 năm.

Kỹ thuật không khó, chỉ lo thị trường

Trên công xưởng, tiếng đe, tiếng búa chan chát xen lẫn tiếng tôn sắt loảng xoảng, quyện với mùi khét lẹt của máy hàn, anh Nam kể về hành trình lập nghiệp của mình. Sinh năm 1982 trong gia đình nông dân quanh năm “tay lấm chân bùn” tại xã Liêm Hải (Trực Ninh), năm 2000, sau khi học phổ thông xong, anh định đi xuất khẩu lao động để mong đổi đời nhưng rồi lại ở nhà làm anh thợ hàn. “Tôi không đi xuất khẩu lao động nữa mà sang xã Xuân Tiến (Xuân Trường) học nghề cơ khí. Nhà tôi cách xưởng gần chục km, sáng đạp xe đi, tối đạp xe về. Những ngày đầu đi học không có lương, chỉ được nuôi ăn bữa trưa. Lúc đầu thì học quét dọn, sau thì học máy cắt, máy hàn, dần dần thành thợ lành nghề. Sau 3 tháng, tôi được trả lương, 20 nghìn đồng/ngày”, anh Nam kể.

Tàu vận tải sông pha biển được đóng tại xưởng có trọng tải hàng vạn tấn

Tàu vận tải sông pha biển được đóng tại xưởng có trọng tải hàng vạn tấn

Sau đó, vì nhanh nhạy, có tay nghề cao nên anh được nhiều xưởng đóng tàu săn đón dù không có bằng cấp gì. Được khoảng 10 năm, ngành đóng tàu chùng xuống, nhiều chủ xưởng không có đơn hàng, dần dà vỡ nợ, giải thể. Anh Nam tiếp tục công việc đóng tàu tại một số nơi khác. Đến 2015, khi kinh tế ổn định, nhiều chủ hàng có nhu cầu đóng tàu mới nhưng tại Nam Định, các chủ cũ của anh hầu như không còn khả năng vực dậy doanh nghiệp. “Nhiều khách cũ liên lạc với tôi đặt hàng, tôi rủ anh em tập trung nhận làm. Đến năm 2019, khi có đủ tiềm lực kinh tế, bản thân tự tin về kỹ thuật, tôi quyết định đứng lên lập công ty làm riêng. Tôi tận dụng thuê lại mặt bằng đã được các chủ cũ đầu tư sẵn. Ngoài tiền thuê mặt bằng, tôi chỉ phải đầu tư vật tư, máy móc với chi phí không lớn. 20 năm trong nghề, đội thợ của tôi là những người có kinh nghiệm thực tế, có trách nhiệm nên các bạn hàng tin tưởng”, anh Nam cho hay.

Theo anh Nam, xưởng của anh hiện trả lương theo công lao động, khoảng 350 nghìn đồng/người/ngày. Mức lương đó tuy không cao nhưng so với mặt bằng chung ở địa phương tương đối ổn định và công nhân không bị áp lực thời gian. Hiện nay, các xưởng đóng tàu ít tuyển những sinh viên mới ra trường vì họ không có kinh nghiệm thực hành thực tế. Hơn nữa những năm gần đây, sinh viên học kỹ thuật thưa dần vì nghề này vất vả, lương lại thấp. Trong khi đó, làm tại xưởng đòi hỏi những người có kinh nghiệm thực hành tốt, chịu được gian khổ.

Ông Trần Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng (Trực Ninh) cho biết, nghề đóng tàu phát triển rất mạnh từ những năm 1997. Những người đứng ra đầu tư xây dựng xưởng học hỏi kinh nghiệm, học đóng tàu từ Hải Phòng. Tuy nhiên, ngành hàng hải sau đó rơi vào suy thoái rất mạnh nên nhiều xưởng đóng tàu dừng hoạt động và giải thể đến nay vẫn chưa vực dậy nổi.

(Còn nữa)

Theo thống kê, năm 2016, công trình luồng qua cửa Lạch Giang - sông Ninh Cơ hoàn thành đưa vào sử dụng đã chấm dứt được tình trạng thường xuyên thay đổi, luồng tàu nhanh bị bồi đắp qua cửa sông, tạo thuận lợi cho các tàu có trọng tải 3.000 tấn ra, vào. Tuyến hành lang đường thủy Hà Nội– Lạch Giang đã được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp cơ bản đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp I đường thủy nội địa, đáp ứng an toàn cho các tàu có tổng trọng tải đến 2.000 tấn khi di chuyển, ra, vào các cảng, bến trên sông Ninh Cơ và sông Hồng.

Đ.A

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/song-hong-ky-su-ky-12-o-xuong-dong-tau-nghin-tan-post1510134.tpo