Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm

Với sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận của người dân, TP Hà Nội sẽ xây dựng trục sông Hồng thành trung tâm, điểm nhấn như định hướng quy hoạch, cũng như mong muốn của mỗi người dân Thủ đô Hà Nội.

Đoạn Sông Hồng từ quận Tây Hồ sang huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: TL

Đoạn Sông Hồng từ quận Tây Hồ sang huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: TL

Phát triển đô thị hài hòa hai bên sông

Với diện tích khoảng 23ha, bãi giữa sông Hồng là một không gian xanh rộng lớn thuộc địa giới quản lý của các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên. Vừa qua, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Chính phủ phê duyệt.

Với hai quy hoạch này, sông Hồng được xác định là một trong 5 trục không gian quan trọng trong phát triển Thủ đô, với định hướng phát triển là không gian xanh, cảnh quan trung tâm của TP, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông.

Luật Thủ đô 2024 và 2 quy hoạch lớn của Thủ đô Hà Nội mới được Chính phủ phê duyệt đều nhấn mạnh đến nội dung sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm và phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của TP Hà Nội. Đồng thời, Điều 17 Luật Thủ đô 2024 cũng quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện Quy hoạch phân khu sông Hồng phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô; TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch…

Để hiện thực hóa định hướng trên, thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi tuyển ý tưởng, nhiều ý tưởng về quy hoạch khu vực bãi bồi, bãi giữa sông Hồng đã được đưa ra nhằm bổ sung các không gian công cộng, khai thác tốt các yếu tố văn hóa, cảnh quan; bảo đảm các vấn đề về thoát lũ và tôn trọng phát triển sinh thái tự nhiên.

Theo các chuyên gia, định hướng trong quy hoạch và quy định trong Luật Thủ đô thực sự là điểm tựa để đưa sông Hồng trở thành điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai. Sông Hồng sẽ trở thành trục không gian xanh, có sức hấp dẫn không chỉ nằm trong phạm vi hai bên sông mà còn có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển cho cả Thủ đô Hà Nội về phía Bắc, phía Đông, phía Đông Bắc cũng như phía Nam của Thủ đô.

Bên cạnh đó, việc tạo dựng các công viên giải trí, văn hóa là một phần quan trọng và không thể thiếu tại các TP lớn, khu đô thị hay những khu dân cư đông đúc. Điều này còn hạn chế vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường, tăng tỷ lệ không gian xanh cho khu vực nội đô lịch sử.

Sông Hồng vừa được lựa chọn làm biểu tượng phát triển của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 2045, tầm nhìn 2065. Trong tương lai, sông Hồng sẽ trở thành trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô, trục kinh tế thương mại, du lịch văn hóa, trục trung tâm nằm giữa đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng. Với sự quyết tâm của chính quyền TP Hà Nội và sự đồng thuận của người dân, TP Hà Nội sẽ xây dựng trục sông Hồng thành trung tâm, điểm nhấn như định hướng quy hoạch, cũng như mong muốn của mỗi người dân Thủ đô Hà Nội.

Bãi giữa sông Hồng. Ảnh: TL

Bãi giữa sông Hồng. Ảnh: TL

Khai thác đa dạng khu vực bãi nổi giữa và bãi ven

Dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng do 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ tổ chức đã giúp tìm ra những nghiên cứu nghiêm túc, tâm huyết đóng góp cho TP Hà Nội trong việc phát triển quỹ đất, khai thác đa dạng khu vực bãi nổi giữa và bãi ven. Qua đó, góp sức vào lộ trình hiện thực hóa quy hoạch trục cảnh quan trung tâm sông Hồng.

Theo các chuyên gia, gần 30 phương án dự thi được nghiên cứu công phu đến từ các đơn vị thiết kế uy tín, liên danh trong nước và quốc tế, cho thấy sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các kiến trúc sư, nhà quy hoạch đối với khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng.

TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển cho biết, nhiều phương án đưa ra ý tưởng độc đáo, đáp ứng mong muốn của TP về việc bổ sung các không gian công cộng, khai thác tốt các yếu tố văn hóa, cảnh quan; bảo đảm các vấn đề về thoát lũ và tôn trọng phát triển sinh thái tự nhiên.

Liên quan đến tổng thể quy hoạch trục sông Hồng, KTS. Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia) cho biết, đây là nội dung đã được TP, các chuyên gia đề cập đến nhiều, được nghiên cứu qua nhiều kỳ quy hoạch.

“Đến nay, TP Hà Nội cũng như cả nước mới có đủ điều kiện, nguồn lực để thực thi gồm nguồn lực về khoa học công nghệ, con người để hiểu và kiểm soát được các vấn đề thủy lợi của sông Hồng, cũng như đủ nguồn lực để phát triển đường ven sông, cầu qua sông để phát triển các khu chức năng qua sông Hồng. Qua đó, sông Hồng trở thành trục phát triển quan trọng và cụ thể hóa mục tiêu phát triển TP hai bên song” – KTS. Lê Hoàng Phương nhấn mạnh.

KTS. Lê Hoàng Phương cho rằng, trước mắt, TP cần từng bước cải tạo điều kiện môi trường, không gian sinh thái phục vụ người dân có thể khai thác, sử dụng ngay, trong đó có khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông. Tiếp đó, giai đoạn 2 sẽ từng bước xây dựng hệ thống kết cấu, hạ tầng xung quanh, trong đó có hạ tầng giao thông tiếp cận cũng như các tuyến đường kết nối (cầu qua sông), để người dân đi qua sông Hồng thuận lợi hơn.

Giai đoạn 3 sẽ phát triển hệ thống công trình kiến trúc, khu đô thị xung quanh dòng sông. Với lộ trình làm từng bước một, chúng ta sẽ xây dựng trục sông Hồng thành trung tâm, điểm nhấn như theo định hướng quy hoạch.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/song-hong-la-truc-xanh-canh-quan-trung-tam-410109.html