'Sống khỏe' với nghề thủ công mỹ nghệ
Làng nghề mây tre đan Bao La (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn phát triển đến ngày nay nhờ có sự đồng hành của HTX Mây tre đan Bao La. Từ sự định hướng của Ban giám đốc HTX, nhiều người dân đã thoát nghèo khi tham gia HTX.
Nghề mây tre truyền thống Bao La có từ hơn 600 năm trước. Mặc dù đây chỉ là việc phụ trong những lúc nông nhàn, nhưng nghề đan lát tại HTX Bao La vẫn được người dân quan tâm phát triển.
Giúp người dân thoát nghèo
Đến nay, HTX đã có 120 thành viên gắn bó và tạo việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Nguyên, lao động làm việc trong HTX cho biết, 16 tuổi, bà đã thành thạo đan lát và hiện gắn bó với HTX thay vì tự làm ở nhà như trước. So với làm tại nhà, làm tại HTX có thu nhập cao hơn với mức khoảng 150.000 đồng/ngày, lại không phải chịu cảnh nắng mưa. Bên cạnh đó, HTX có đơn hàng nhiều nên ngày nào bà cũng có việc để làm.
“Với những chị em phụ nữ, người có tuổi thì đây là một công việc khá phù hợp bởi không tốn nhiều sức lao động, lại có thể chủ động về mặt thời gian lúc rảnh rỗi”, bà Nguyên chia sẻ.
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La cho biết, trước đây đời sống người dân làng Bao La cũng rất khó khăn, nhiều hộ nghèo, lại sống chủ yếu bằng nghề nông, đời sống bấp bênh. Nhưng từ khi tham gia HTX, nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
“Nghe nói nghề này mỗi người chỉ kiếm được khoảng 4-5 triệu đồng/tháng thì khó thoát nghèo. Nhưng thực chất mây tre đan là nghề làm lúc nhàn rỗi, lại không kén người nên mỗi nhà có 2-3 lao động cùng tham gia làm thì tổng nguồn thu mỗi tháng cũng không hề thấp”, ông Võ Văn Dinh chia sẻ.
Nếu như khoảng chục năm về trước, nghề mây tre đan gặp khó khăn vì các sản phẩm nhựa phát triển với mẫu mã đa dạng thì nay lại khác. Ý thức sống xanh, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường của người dân trong và ngoài nước được nâng lên đã mở ra nhiều cơ hội cho HTX. Sản phẩm mây tre của HTX đã được xuất khẩu sang nhiều nước với mẫu mã đa dạng, được cải tiến để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Đặc biệt, trước vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong tạo việc làm và giúp người dân giảm nghèo, địa phương cũng đã tạo điều kiện cho HTX Bao La tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng, phòng trưng bày sản phẩm…
Các thành viên ngoài có thu nhập ổn định còn được vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo và góp vốn cho nhau mượn xoay vòng không tính lãi để mua thêm nguyên liệu, máy móc tăng năng suất lao động. Đến nay, các thành viên trong HTX đều đã thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang hơn trước.
Kết hợp làm du lịch
Hiện nay, không chỉ tập trung vào sản xuất, xuất khẩu, HTX Bao La còn kết hợp làm du lịch để tận dụng hết tiềm năng của làng nghề truyền thống, từ đó tiếp tục nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân.
Hiện, làng nghề mây tre đan Bao La đã thành điểm dừng chân cho khách du lịch và cũng có mặt trong bản đồ du lịch chung của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Điều thuận lợi là hệ thống giao thông đến HTX dần khang trang hơn. HTX cũng liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch để xây dựng tour đón khách phù hợp trên cùng địa bàn.
Các thành viên cũng xây dựng một nhà trưng bày sản phẩm được thiết kế bằng tre hoạt động song song với ngôi nhà trưng bày hiện tại. Khu vực tiếp khách, ăn uống, nghỉ ngơi và trải nghiệm nghề đan cũng được đầu tư khép kín tạo thành tổng thể hài hòa, thu hút khách du lịch.
Nhờ cách đầu tư bài bản, cùng với định hướng của ngành chức năng, tuần nào, HTX Mây tre đan Bao La cũng đón các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Võ Văn Dinh chia sẻ, sau những năm dịch bệnh, việc HTX kết hợp sản xuất, cải tiến mẫu mã mới với mở cửa cho khách tham quan du lịch trải nghiệm được xem là cách làm mới, có hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, HTX đã có hàng chục lượt khách với hơn 2.000 khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm.
“Khách đến tham quan được trải nghiệm quy trình sản xuất các sản phẩm từ mây tre, được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân hoàn thiện sản phẩm. Nhờ vậy, khách du lịch có những trải nghiệm thú vị”, ông Dinh cho biết.
Đổi mới mẫu mã
Phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hiện đại là chuyện không hề dễ dàng với những người đứng đầu HTX Bao La. Hiện, ngoài kết hợp làm du lịch, HTX còn chú trọng vấn đề đầu tư mẫu mã để nâng cấp sản phẩm. Để làm được điều này, HTX đã liên kết với một số trường, viện kiến trúc, mỹ thuật để có sự nghiên cứu và sáng tạo trong mẫu mã.
Bên cạnh đó, HTX còn thu hút các nghệ nhân để khôi phục, phát triển nghề thông qua công tác đào tạo nghề. Các nghệ nhân cũng đóng vai trò tìm hiểu thị trường, nghiên cứu các mẫu mới, thiết kế mẫu mã sản phẩm.
Đến nay, HTX đã thiết kế và sản xuất gần 600 mẫu mã mới, tinh xảo. Trung bình, mỗi năm HTX thiết kế và cho "ra lò" từ 15-30 mẫu mới. Ngoài những sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân, HTX đã sản xuất các loại lồng đèn, túi xách, bình hoa, nan quạt, lồng chim, bàn ghế sô pha và các vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng và quán cà phê.
Thành viên HTX còn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo, chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, như: mô hình cầu ngói Thanh Toàn, tháp chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, Ngọ Môn; các loại đèn treo trang trí, góp phần không nhỏ quảng bá hình thành của quê hương xứ Huế đến với du khách trong và ngoài nước.
Nhờ đó, sản phẩm mây tre đan do HTX làm ra đã tạo được tiếng vang. Ngoài thị trường trong nước, HTX còn xuất khẩu sản phẩm sang một số thị trường như Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Nhật…
Sản phẩm mây tre đan có thị trường tiêu thụ rộng mở nên công việc của thành viên và người lao động khá ổn định, thu nhập của thành viên cao hơn nhiều so với làm nông, từ đó thúc đẩy quá trình giảm nghèo của xã Quảng Phú. Nếu như năm 2021 xã có 130 hộ nghèo, thì đến cuối năm 2022 giảm còn 85 hộ.
Ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, sự phát triển của HTX Mây tre đan Bao La với các bước tiến qua từng năm đã chứng minh sức sống của nghề thủ công mỹ nghệ, đồng thời góp phần tạo việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn xã với thu nhập của bà con ngày một tăng lên. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.