Sông Mã nâng cao giá trị sản phẩm nông sản chủ lực

Với tiềm năng, lợi thế sản xuất nông nghiệp, cùng chính sách của Nhà nước, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giúp nông dân huyện Sông Mã nâng cao giá trị nông sản của địa phương, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp khởi sắc.

Thành viên Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã chăm sóc diện tích nho hạ đen.

Thành viên Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã chăm sóc diện tích nho hạ đen.

Huyện Sông Mã đã xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực trọng điểm, các sản phẩm thuộc chương trình OCOP. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP, như: Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP); quy trình làm vệ sinh và thủ tục kiểm soát vệ sinh (SSOP); tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn (HACCP); quy trình quản lý chất lượng (ISO)... Hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã hỗ trợ trên 2,3 tỷ đồng cho các HTX, công ty tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng sản phẩm OCOP và hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Đến nay, huyện Sông Mã có 3 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, gồm: Xoài sấy dẻo của HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng; mật ong Quyết Thắng của HTX nuôi ong mật Sông Mã và thịt trâu hun khói của hộ kinh doanh Lê Đức Anh. Sau khi công nhận, các sản phẩm OCOP đã được tạo điều kiện tham gia chương trình hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại; tham gia các điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố trong tỉnh, ngoài tỉnh; tạo cơ hội nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, các nhà phân phối, làm cơ sở hoàn thiện và phát triển sản phẩm. Năm 2023, huyện phấn đấu phát triển mới từ 2-3 sản phẩm đạt 3 sao, trong đó, tập trung vào các sản phẩm long nhãn sấy khô, nho hạ đen, gạo nếp tan; phát triển 5-6 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên.

HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong có quy mô sản xuất 45 ha cây ăn quả, trong đó 40 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ; sản lượng quả đạt trên 400 tấn/năm; doanh thu hơn 6 tỷ đồng/năm. Ngoài bán quả tươi ra thị trường, HTX còn đầu tư 2 container lạnh đủ tiêu chuẩn để bảo quản nguồn nguyên liệu trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; duy trì 14 lò sấy nhiệt sạch, công suất 21-25 tấn quả/ngày. Hiện nay, sản phẩm long nhãn sấy khô của HTX đang được các siêu thị VinMart Hà Nội, BigC Thăng Long nhập hàng để tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Lường Văn Mười, Giám đốc HTX, cho biết: Trong quá trình chế biến long nhãn, chúng tôi đã áp dụng công nghệ lò sấy hơi ép nhiệt kín để bảo đảm chất lượng sản phẩm từ hương vị, màu sắc, rút ngắn thời gian sấy long nhãn. Năm 2023, HTX đăng ký tham gia chương trình OCOP. Đây là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm của địa phương, của HTX, từ đó, nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ thể sản xuất hiểu về lợi ích, tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị kinh tế sau khi tạo ra những sản phẩm OCOP. Tập trung xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; giúp các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, thông tin: Đối với sản phẩm phấn đấu đạt chuẩn OCOP năm 2023, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn các hộ dân, HTX thực hiện quy trình sản xuất; xây dựng phương án thiết kế bao bì sản phẩm, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, làm thủ tục để được công nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, trình UBND huyện thẩm định, phê duyệt kinh phí hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm.

Việc triển khai thực hiện chương trình OCOP đã tạo điều kiện cho địa phương phát triển các sản phẩm lợi thế. Nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm thế mạnh đang được hoàn thiện theo quy chuẩn; một số sản phẩm tạo được vị thế trên thị trường. Đây là điều kiện quan trọng để chương trình trở thành hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện Sông Mã trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/song-ma-nang-cao-gia-tri-san-pham-nong-san-chu-luc-g6ImIUmIg.html