Sống mãi ký ức ngày toàn thắng
Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong ký ức của những người khoác trên mình bộ quân phục màu xanh, nhận lấy danh xưng Bộ đội Cụ Hồ, Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mãi là ký ức không thể nào quên.
Trực tiếp tham gia trận đánh chiếm và bảo vệ cầu Ghềnh để đại quân ta tiến vào Sài Gòn (nay là TP.HCM), ông Nguyễn Văn Chương, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 23, Trung đoàn Đặc công 113 (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) nhớ như in diễn biến của trận đánh lịch sử, góp phần làm nên chiến thắng 30-4-1975.
* Thời khắc lịch sử cam go
Theo lời kể của ông Chương, cuối tháng 4-1975, trên Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục thông báo tin thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam khiến cho những người lính như ông phấn khởi. Tiểu đoàn 23 của ông nhận được lệnh chuẩn bị đi chiến đấu. Mặc dù không nghe ai phổ biến nhưng ông và đồng đội đều có chung suy nghĩ có thể đây là trận đánh cuối cùng, sẽ vô cùng gay go, ác liệt. Nhiệm vụ mà tiểu đoàn ông được giao là chiếm lĩnh và giữ bằng được cầu Ghềnh để các đơn vị quân chủng đi qua tiến về giải phóng Sài Gòn.
Theo như tinh thần quán triệt của cán bộ tiểu đoàn, đơn vị ông chỉ cần cố gắng giữ cầu Ghềnh qua đêm 27-4 và rạng sáng 28-4, đại quân ta sẽ từ Xuân Lộc kéo lên giải phóng Biên Hòa. Nghe tới đây, ai ai cũng phấn khởi vì tin chiến thắng, ngày giải phóng đã đến rất gần. Đêm 26-4, Tiểu đoàn 23 di chuyển ra khỏi căn cứ tiến đến cầu Ghềnh. Khi tiếp cận được mục tiêu, ông Chương và đồng đội ém sát các chốt đầu cầu phía chợ Đồn và nằm yên chờ giờ nổ súng.
Năm nay hơn 70 tuổi, trí nhớ của ông HUỲNH VĂN ÚT (ở P.An Bình, TP.Biên Hòa) không còn được minh mẫn như xưa, nhưng mỗi khi cầm trên tay những kỷ vật đi cùng ông trong những năm tháng chiến tranh thì bao ký ức về thời thanh niên sôi nổi lại ùa về. Ông tham gia cách mạng từ thời niên thiếu ở Biên Hòa, trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu là làm giao liên, rải truyền đơn, thăm dò nắm bắt tình hình địch… Trải qua những năm tháng đấu tranh gian khổ, thậm chí là đối mặt với hy sinh nên ngày toàn thắng với ông càng thêm ý nghĩa.
Đúng 2 giờ 30 sáng 27-4, trận đánh bắt đầu. Ông và đồng đội nhanh chóng phong tỏa các mục tiêu đã được phân công và hầu như không gặp một sự kháng cự nào. Tuy nhiên, kế hoạch không diễn ra như dự kiến ban đầu. Địch phản công để chiếm cầu, lệnh của tiểu đoàn là bằng mọi giá phải ở lại giữ cầu nên anh em bám trụ dưới làn đạn pháo, đạn máy bay của địch. Trận chiến ác liệt, Tiểu đoàn 23 hy sinh 47 người, số bị thương khá nhiều, số còn lại tương đối lành lặn khoảng 20 người.
Lúc này, rất nhiều nơi trong và ngoài Biên Hòa, chiến sự vẫn đang tiếp diễn. Trong cuốn Địa chí Đồng Nai (tập III) của NXB Tổng hợp Đồng Nai ghi chép lại: Ngày 28-4-1975, hướng Biên Hòa, Sư đoàn 6, Sư đoàn 7 đánh các cụm quân địch dọc quốc lộ 1 từ Suối Đỉa, Trà Cổ và truy kích địch về căn cứ Hố Nai. Tại Khu kỹ nghệ Biên Hòa, Ủy ban Khởi nghĩa của Thành ủy Biên Hòa phát lệnh đánh địch. Ngay lập tức, cơ sở mật trong 17 nhà máy lãnh đạo tự vệ và công nhân nổi dậy. Hướng Long Thành - Nhơn Trạch, sau hơn 1 ngày liên tục tiến công, đến 11 giờ ngày 29-4, Sư đoàn 304 đã làm chủ căn cứ Ngã ba Thái Lan, quét sạch địch từ căn cứ Nước Trong đến tổng kho Long Bình. Sư đoàn 325 làm chủ Chi khu Nhơn Trạch và tiếp tục tiến công Thành Tuy Hạ, chiếm đồi Bình Phú. Cho đến chiều 29-4, toàn bộ địch ở Long Thành, Nhơn Trạch bị quét sạch…
Trước sự tấn công của ta, 6 giờ sáng 30-4, trên Đài Phát thanh Sài Gòn thông tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đầu hàng. Đúng lúc này, tại Biên Hòa, đảng viên mật Trương Thị Sáu (Chi bộ Đảng chợ Biên Hòa) nhận nhiệm vụ hạ cờ ba que, thượng cờ Tổ quốc ở Tòa hành chánh tỉnh Biên Hòa.
Đến 10 giờ 30 ngày 30-4-1975, Ủy ban Quân quản Biên Hòa, Trung đoàn 5 tiến vào tiếp quản Tòa hành chánh Biên Hòa trong tiếng reo hò hoan hô của hàng ngàn quần chúng trong nội ô Biên Hòa.
* Nhớ lời hẹn “Gặp nhau giữa Sài Gòn”
Cách đây ít hôm, ông Trần Huy Toàn ở KP.11A, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) có dịp trở lại thăm di tích Dinh Độc Lập. Vừa đặt chân đến đây, bao nhiêu ký ức về những năm tháng hào hùng, những kỷ niệm với đồng chí, đồng đội lại ùa về.
Gần nửa thế kỷ đã đi qua, hình ảnh những đồng đội hy sinh trước ngày toàn thắng vẫn theo ông Nguyễn Văn Chương, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 113. 15 năm sau ngày giải phóng, ông đưa gia đình từ Phú Thọ vào Biên Hòa sinh sống để có cơ hội đi tìm đồng đội, hỗ trợ các gia đình đi viếng nghĩa trang.
Ông Toàn cho biết, năm 20 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Toàn lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được đi học y tá tại Trường Quân y của Sư đoàn 304B (Quân khu Việt Bắc) đóng tại Thái Nguyên. Sau khi ra trường, ông được bổ sung về Đại đội 2, Tiểu đoàn 4B, Trung đoàn 2, Sư đoàn 304B. Tháng 12-1968, đơn vị ông nhận lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Hơn 6 tháng hành quân, đơn vị đến địa điểm tập kết. Tiểu đoàn của ông bổ sung về các đơn vị Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và một phân đội, trong đó có ông được bổ sung cho Quân khu 5, tiếp tục hành quân từ điểm tập kết về Chiến khu Đ. Lúc đó, ông bị sốt rét nặng không xuống được đơn vị chiến đấu nên được đưa về Phòng Tham mưu của Quân khu 5 đóng tại rừng Chiến khu Đ.
Cuối năm 1969, ông được bổ sung làm y tá tại Đại đội 516 - Đặc công Thủ Dầu Một, rồi chuyển sang Đơn vị 516 Pháo binh Thủ Dầu Một (hay còn gọi là bộ đội địa phương) và chuyển xuống bờ nam Sông Bé hoạt động. Năm 1974, ông Toàn được cử đi học y sĩ tại Kà Tum (tỉnh Tây Ninh). Tháng 3-1975, bắt đầu vào chiến dịch, ở trường nhộn nhịp lắm, tất cả đều sẵn sàng lên đường khi có lệnh bổ sung về các đơn vị chiến đấu.
Ngày 28-4, ông là một trong 20 người được bổ sung về một đơn vị chiến đấu ở Kà Tum để phục vụ tải thương cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chưa về đến nơi thì đơn vị đã chuyển đi nên ông và những đồng đội đi cùng bàn nhau trước đây ai ở đơn vị nào tìm về đơn vị đó. Ông tìm về Tiểu đoàn Phú Lợi (Bình Dương) phục vụ được khoảng 1 tuần thì gặp được đồng đội đơn vị cùng về tiếp quản Trường đại học Quân y tại Sài Gòn.
Sau Ngày Giải phóng miền Nam khoảng 1 tuần, ông Toàn trở lại Dinh Độc Lập để tìm gặp đồng đội. Theo chia sẻ của ông Toàn, từ ngày nhập ngũ, trải qua huấn luyện, quá trình hành quân, tham gia phục vụ tại đơn vị, ông và đồng đội thường nói vui với nhau: “Tham gia chiến đấu thì xác định một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực. Cứ hẹn gặp nhau giữa Sài Gòn…”.
Nhưng chiến tranh ác liệt, sau ngày giải phóng, ông trở lại Dinh Độc Lập theo lời hẹn năm xưa, nhưng không gặp được đồng đội. Sau nhiều năm liên lạc lại mới biết, đại đội của ông 120 người, lúc giải phóng chỉ còn khoảng 20 người sống sót. Sau ngày giải phóng, mỗi người ở một nơi, một hoàn cảnh, tuổi ngày càng cao, sức khỏe ngày một yếu đi nên 48 năm đã qua nhưng lời hẹn ấy vẫn chưa thực hiện được…
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202304/song-mai-ky-uc-ngay-toan-thang-3164780/