'Sống mòn' giữa đại dự án hơn 5.000 tỷ đồng ở Nghệ An

Nằm trong vùng tích nước của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, hàng chục hộ dân ở Nghệ An phải sống trong cảnh '4 không', mòn mỏi chờ tái định cư.

Bản Bình Quang, xã Châu Bình còn 35 hộ sinh sống. Ảnh: Phạm Tâm

Bản Bình Quang, xã Châu Bình còn 35 hộ sinh sống. Ảnh: Phạm Tâm

“4 không” vì vướng dự án treo

Giữa vùng núi non trùng điệp của huyện Quỳ Châu, bản Bình Quang, xã Châu Bình từng là một cộng đồng dân cư đông đúc, nhộn nhịp. Thế nhưng, nơi đây bỗng chốc trở thành vùng đất bị “lãng quên” sau khi lọt vào quy hoạch vùng lòng hồ của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.

Do nằm trong vùng dự án nên cơ sở hạ tầng thiết yếu ở bản Bình Quang nhiều năm qua gần như không được đầu tư. Mặc dù chỉ cách Quốc lộ 48A hơn 2km, nhưng để vào được bản phải đi qua con đường “độc đạo” gồ ghề đất, đá. Không những thế, cuộc sống người dân khó khăn, thiếu thốn đủ bề khi không có điện, không sóng điện thoại, không điểm trường học.

Là một trong những hộ dân còn bám trụ lại bản, anh Hồ Xuân Châu (SN 1983) cho biết, sau khi Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được khởi công vào năm 2010, chính quyền địa phương nhiều lần kiểm đếm, thống kê tài sản các gia đình bị ảnh hưởng để di dời. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, công tác đền bù và tái định cư bị đình trệ kéo dài đến tận bây giờ.

“Sống trong vùng dự án, chúng tôi không được phép sửa chữa hay xây dựng nhà mới. Nhà cửa vì thế mà ngày càng lụp xụp, mùa Hè thì nóng bức, mùa mưa thì dột nát, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Mãi gần đây, một số nhà xuống cấp được chính quyền hỗ trợ sửa chữa lại”, anh Châu chia sẻ.

Theo người đàn ông này, không chỉ điều kiện sống khó khăn, việc học hành của con em trong bản cũng bị ảnh hưởng. Các điểm trường trong bản được di dời đến trung tâm xã cách đó khoảng 10km. Vào mùa mưa lũ, con đường ra vào bản Bình Quang thường xuyên bị nước cô lập khiến học sinh không thể đến trường.

Thương 4 người con, đứa lớn học lớp 11, đứa nhỏ mới lớp 5, vợ chồng anh Châu đành ngậm ngùi gửi các cháu ra trung tâm xã ăn học, ở nhờ. Dù tuổi còn nhỏ nhưng các cháu phải tự chăm sóc, bảo ban nhau học tập.

“Họ cứ hứa hẹn hết lần này đến lần khác về việc đền bù và tái định cư. Thế nhưng, gần 8 năm kể từ khi một số hộ trong thôn được đền bù, đến nay vẫn còn hơn 30 hộ dân trong bản chưa nhận được bất kỳ khoản đền bù nào”, anh Châu nói.

Do nằm trong diện phải di dời của dự án, người dân bản Bình Quang gần như mất đi sinh kế chính. Trước đây, họ sống bằng nghề nông, trồng lúa, trồng màu và chăn nuôi. Nhưng giờ đây, đất đai nằm trong vùng dự án, không ai dám đầu tư sản xuất lớn. Kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào một ít diện tích lúa, hoa màu ngắn ngày và chăn nuôi nhỏ lẻ, cuộc sống ngày càng khó khăn.

Hướng ánh mắt về cánh đồng bạc màu, bà Phạm Thị Loan (SN, bản Bình Quang) cho biết, từ khi có dự án, bà con nơi đây không biết làm gì để trang trải cuộc sống. Đất đai cằn cỗi khiến các loại hoa màu kém năng suất, trồng keo thì sợ đất có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào.

“Những người ở lại như chúng tôi chỉ mong cấp trên sớm triển khai dự án, hỗ trợ đền bù để người dân được di dời đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế”, bà Loan nói và cho biết, nhiều gia đình không chịu được cuộc sống ở đây phải mua đất nơi khác để ở, một số thì rời quê hương đi làm thuê.

 Con đường đất đi vào bản Bình Quang với chi chít ổ voi, ổ gà. Ảnh: Phạm Tâm

Con đường đất đi vào bản Bình Quang với chi chít ổ voi, ổ gà. Ảnh: Phạm Tâm

Sớm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 (gọi tắt là BQLDA 4, thuộc Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Dự án khởi công năm 2010, với số vốn ban đầu là 3.744 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Theo thiết kế, vùng lòng hồ rộng 25km2, trải dài khắp các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn (Nghệ An) và huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Khi hoàn thành, dự án sẽ cấp nước tưới, nước sản xuất công nghiệp và cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; đồng thời kết hợp phát điện với công suất 45 MW.

Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 5.552 tỷ đồng. Cuối tháng 10/2024, Bộ NN&PTNT có văn bản yêu cầu các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa phải đẩy nhanh thực hiện công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng, tái định cư. Mục tiêu hoàn thành dự án giai đoạn 1 trước ngày 31/12/2025; hoàn thành toàn bộ giải phóng mặt bằng dự án trước ngày 31/7/2025.

Liên quan đến dự án này, ông Lô Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết, dự án kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của khoảng 1.000 hộ dân thuộc 5 bản trong xã. Trong đó, bản Bình Quang là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 140 hộ phải di dời.

 Không được xây dựng mới, người dân phải sống trong những căn nhà xuống cấp, chật chội. Ảnh: Phạm Tâm

Không được xây dựng mới, người dân phải sống trong những căn nhà xuống cấp, chật chội. Ảnh: Phạm Tâm

Theo ông Bình, đến nay, hơn 100 hộ được đền bù và di dời đến nơi ở mới, nhưng vẫn còn 35 hộ vẫn đang trong tình trạng chờ đợi. Chính quyền huyện Quỳ Châu cho xây dựng 2 khu tái định cư tại xã Châu Bình, tuy nhiên sau nhiều năm, người dân vẫn chưa thể di dời.

Nguyên nhân là do khu tái định cư số 1 có độ dốc nền lớn, lên đến 12% nên cần phải điều chỉnh lại. Trong khi, khu tái định cư còn lại mới thi công mặt bằng, phải chờ ngăn đập phụ xong mới thi công hạ tầng cho công trình.

Ông Thái Văn Hùng - Phó Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT (Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở và BQLDA 4 xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết theo tiến độ, cố gắng về đích theo Bộ NN&PTNT đề ra.

Giữa những kỳ vọng to lớn về sự phát triển kinh tế - xã hội mà dự án mang lại, hàng chục hộ dân bản Bình Quang vẫn đang sống trong cảnh bấp bênh, mỏi mòn chờ được tái định cư, sớm ổn định cuộc sống. Liệu nỗ lực thúc đẩy tiến độ dự án có thực sự mang đến cho người dân một tương lai tươi sáng hơn? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang làm rõ sai phạm trong quá trình đầu tư, thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, gây lãng phí ngân sách Nhà nước; đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can về hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phạm Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/song-mon-giua-dai-du-an-hon-5000-ty-dong-o-nghe-an-post713714.html